1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc đối mặt nhiều thách thức do viễn cảnh dân số già

Minh Phương

(Dân trí) - Dân số già sẽ đe dọa các mục tiêu chính sách quan trọng của Trung Quốc trong thập niên tới và đặt ra thách thức nghiêm trọng với triển vọng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trung Quốc đối mặt nhiều thách thức do viễn cảnh dân số già - 1

Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng dân số già (Ảnh: Reuters).

Tỷ lệ sinh thấp kỷ lục trong năm 2023 và kết hợp với con số tử vong cao do Covid-19 khiến dân số Trung Quốc sụt giảm năm thứ hai liên tiếp, làm gia tăng lo ngại về suy thoái nhân khẩu học ở quốc gia này. 

Một lượng lớn trong tổng 1,4 tỷ dân của Trung Quốc sắp không còn ở độ tuổi lao động cũng như bước qua thời kỳ tiêu dùng tích cực nhất. 

Cụ thể, trong 10 năm tới, khoảng 300 triệu người hiện ở độ tuổi 50-60, nhóm nhân khẩu học lớn nhất Trung Quốc và tương đương với gần như tổng dân số nước Mỹ, sẽ rời khỏi lực lượng lao động. 

Việc này diễn ra đúng thời điểm ngân sách hưu trí của Trung Quốc chịu áp lực lớn. Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia nhận thấy hệ thống lương hưu sẽ cạn tiền vào năm 2035, với khoảng 1/3 tỉnh thành bị thâm hụt ngân sách lương hưu.

Tỷ trọng tiêu dùng của hộ gia đình trong GDP Trung Quốc hiện thuộc hàng thấp nhất thế giới. Trong khi đó, chính quyền nhiều tỉnh thành, nơi chịu trách nhiệm về lương hưu và chăm sóc người già, lại ngập trong nợ nần sau nhiều thập kỷ vay nợ để đầu tư kích thích tăng trưởng. 

Xiujian Peng, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách (CoPS) tại Đại học Victoria ở Melbourne (Australia), cho biết: "Sự thay đổi trong cơ cấu tuổi của Trung Quốc sẽ khiến đà tăng trưởng kinh tế chậm lại".

Tuổi nghỉ hưu thấp

Là quốc gia vốn chấp nhận rất ít hoặc chỉ tiếp nhận lao động nước ngoài có tay nghề cao, Trung Quốc thiết lập độ tuổi nghỉ hưu thấp nhất thế giới, 60 tuổi đối với nam giới, 55 tuổi đối với nữ giới làm công việc văn phòng và 50 tuổi đối với phụ nữ làm việc trong các nhà máy. Theo đó, một con số kỷ lục 28 triệu người dự kiến sẽ nghỉ hưu trong năm nay.

Nhân viên tại các công ty nhà nước thường được yêu cầu nghỉ hưu khi đến tuổi. Các chủ doanh nghiệp tư nhân cũng hiếm khi giữ người lao động đã đến tuổi nghỉ hưu ở lại lâu hơn. 

Li Zhulin, một lao động thất nghiệp 50 tuổi ở tỉnh Thiểm Tây, đang lo lắng cho tương lai khi gia đình của họ chỉ dựa vào số lương hưu khoảng 5.000-7.000 nhân dân tệ (697-975 USD) mỗi tháng của chồng bà khi ông nghỉ hưu vào năm 2027. Bà Li đã phải cắt giảm chi tiêu và lùng sục trên mạng các mẹo lập kế hoạch tài chính để giảm bớt gánh nặng cho cô con gái duy nhất của họ. 

Xã hội Trung Quốc có truyền thống kỳ vọng con cái sẽ hỗ trợ tài chính cho cha mẹ khi họ về già, thậm chí thường sống chung để chăm sóc cha mẹ. Nhưng cũng như ở nhiều nước phương Tây, quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã thúc đẩy giới trẻ chuyển đến các thành phố lớn hơn và rời xa cha mẹ, nên ngày càng nhiều người cao tuổi phải tự chăm sóc bản thân hoặc sống dựa vào trợ cấp của chính phủ.

Vào năm 2020, cứ 5 công nhân thì hỗ trợ được một người nghỉ hưu ở Trung Quốc. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn 2,4 công nhân vào năm 2035 và 1,6 công nhân vào năm 2050, chuyên gia nhân khẩu Yi Fuxian của Đại học Wisconsin-Madison, ước tính.

Ông Yi nói: "Vào thời điểm đó, cuộc khủng hoảng lương hưu của Trung Quốc sẽ trở thành một thảm họa nhân đạo".

Người tiêu dùng bị già hóa

Nhóm nhân khẩu học lớn thứ hai của Trung Quốc, gồm khoảng 230 triệu người trong độ tuổi từ 30 đến 49, đang trong thời kỳ tiêu dùng tích cực nhất. Sự thăng tiến trong nghề nghiệp giúp họ có đủ tiền để mua nhà, ô tô cũng như các bậc cha mẹ bắt đầu chi tiêu vào giáo dục cho con cái.

Khi nhóm này bước sang tuổi 50, con cái của họ sẽ học xong và bắt đầu có thể tự kiếm thu nhập, nghĩa là nhóm này có thể sẽ ít tiêu dùng trong nước. 

Thay thế họ trong tương lai là nhóm người đang ở tuổi 20, song nhóm nhân khẩu học này đang có quy mô nhỏ nhất kể từ nạn đói những năm 1950. Đây là hậu quả trực tiếp của chính sách một con tại Trung Quốc từ năm 1980 đến năm 2015. Đây là điềm xấu cho lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, vốn chiếm khoảng 1/4 GDP trước khi bong bóng xuất hiện vào năm 2021 do các nhà phát triển sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức và nguồn cung căn hộ dư thừa.

Larry Hu, chuyên gia kinh tế về Trung Quốc tại Macquarie, cho biết: "Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy khi tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động giảm thì nhu cầu về nhà ở cũng giảm".

Khó đổi mới

Trung Quốc chứng kiến tỷ lệ sinh tăng sau khi bãi bỏ chính sách một con, nhưng quá trình phục hồi còn rất xa so với trước đó và cũng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Trong 8 năm qua, bao gồm cả năm 2023, số lượng trẻ em ra đời ngày càng giảm. 

Theo các nhà nhân khẩu học, ở bất kỳ nền kinh tế nào, số lượng trẻ em đều có mối tương quan trực tiếp đến mức tiêu dùng trong nước.

Ông Peng tại CoPS cho biết việc thị trường nội địa bị thu hẹp sẽ khiến Trung Quốc ngày càng phải phụ thuộc vào xuất khẩu. 

Hiện Trung Quốc là nơi sản xuất 1/3 lượng hàng hóa tiêu thụ trên toàn thế giới. Nước này đã chuyển hướng dòng tín dụng từ bất động sản sang sản xuất, nhằm nâng cao vị thế của các ngành công nghiệp trong chuỗi giá trị và tránh bẫy thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, ông Peng cho rằng lực lượng lao động già hóa cũng có nghĩa là họ có ít động lực để đổi mới hơn và tốc độ cải thiện năng suất chậm hơn, chứ không thể nhanh hơn.

Những năm qua, chính phủ Trung Quốc và các chính quyền địa phương đã áp dụng một loạt chính sách nhằm đối phó tình trạng già hóa dân số. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, những chính sách này khó có thể tạo ra hiệu quả ngay lập tức.

Do vậy, Trung Quốc phải thích ứng với "tình trạng bình thường mới". Hơn nữa, Trung Quốc cũng không thể sao chép các giải pháp như quốc gia khác vì sự phát triển khu vực không đồng đều và những thách thức mà nước này phải đối mặt trong bối cảnh cải cách cơ cấu dân số.

Theo SCMP