1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc dọa lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông

(Dân trí) - Trung Quốc hôm nay 13/7 trắng trợn tuyên bố rằng Bắc Kinh có lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) không còn phụ thuộc vào mức độ “bị đe dọa”. Cùng ngày, Trung Quốc cũng công bố Sách trắng phản đối phán quyết “đường lưỡi bò” của tòa trọng tài quốc tế.


Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố có quyền lập ADIZ trên Biển Đông. (Ảnh minh họa: EPA)

Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố có quyền lập ADIZ trên Biển Đông. (Ảnh minh họa: EPA)

Phát biểu tại một cuộc họp báo sáng nay sau phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về việc bác bỏ “đường lưỡi bò”, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân ngang nhiên nói rằng, Trung Quốc có quyền lập một ADIZ ở Biển Đông và phụ thuộc vào mức độ mối đe dọa an ninh.

Ông Lưu cũng lớn tiếng “ve vãn” chính phủ Philippines làm ngơ trước phán quyết của tòa và nối lại đàm phán song phương về vấn đề này.

Trong các bình luận công khai về việc liệu Bắc Kinh có lập ADIZ ở Biển Đông hay không, hầu hết giới chức Trung Quốc đều nói rằng việc có lập ADIZ ở Biển Đông hay không còn phụ thuộc vào việc Trung Quốc có đối mặt với mối đe dọa nào không.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Trung Quốc có thể vin vào phán quyết của tòa để lập ADIZ. Bắc Kinh sẽ ngụy biện rằng việc lập ADIZ là do sức ép của cộng đồng quốc tế và bởi cảm thấy bị đe dọa bởi phán quyết. Khi đó, Trung Quốc sẽ trắng trợn đưa các trang thiết bị phòng không, máy bay chiến đấu đến đây mặc dù hoàn toàn không đủ khả năng lập ra một ADIZ như ở Hoa Đông.

Công bố Sách trắng về phán quyết “đường lưỡi bò”


Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân.(Ảnh: EPA)

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân.(Ảnh: EPA)

Những bình luận trên của ông Lưu đưa ra tại cuộc họp báo công bố Sách trắng với tiêu đề “Trung Quốc theo đuổi lập trường giải quyết thông qua đàm phán các tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông”.

Sách trắng này được công bố chưa đầy 1 ngày sau khi tòa trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông. Sách trắng dày 49 trang gồm 5 phần với 143 nội dung khác nhau, trong đó có nội dung Trung Quốc tiếp tục ngang ngược bác phán quyết của tòa và khẳng định chủ quyền phi lý ở Biển Đông, đồng thời đổ lỗi cho Philippines “cố tình gây căng thẳng khi “đơn phương theo đuổi vụ kiện”.

Mặt khác, Sách trắng cũng lớn tiếng kêu gọi Trung Quốc và Philippines nối lại đàm phán song phương về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Ông Lưu nói rằng, quá trình chuyển giao chính phủ ở Philippines là “cơ hội tốt cho Philippines và Trung Quốc cải thiện quan hệ.

Sách trắng còn nêu cho tiết về lịch sử và diễn biến các tranh chấp hàng hải giữa 2 nước, trong khi đó nói rằng Bắc Kinh giữ nguyên chính sách giải quyết qua đàm phán song phương.

Trong một động thái ngang ngược khác, ngay trước thời điểm Toà trọng tài ra phán quyết bác “đường lưỡi bò” vào hôm qua 12/7, Hạm đội Nam Hải thuộc Hải quân Trung Quốc đã tiếp nhận tàu khu trục tên lửa Type 052D thứ 4 có tên gọi Ngân Xuyên 175. Nghi lễ bàn giao tàu được tổ chức tại quân cảng Tam Á, Hải Nam, tờ China News cho biết.


Tàu khu trục tên lửa Type 052D. (Ảnh: China News)

Tàu khu trục tên lửa Type 052D. (Ảnh: China News)

Tòa trọng tài của Liên Hợp Quốc ngày 12/7 đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông. Tòa cũng kết luận không thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế cho Trung Quốc.

Về các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, tòa kết luận Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế với việc quấy rối hoạt động đánh bắt và khai thác dầu khí của Philippines; xây dựng các đảo nhân tạo; để ngư dân đánh bắt trong vùng đặc quyền của Philippines. Ngoài ra, theo tòa, các tàu chấp pháp của Trung Quốc đã gây ra các rủi ro va chạm khi tìm cách ngăn cản tàu Philippines.

Đối với bãi cạn Scarborough, mặc dù nhấn mạnh không đưa ra phán quyết về chủ quyền đối với bãi cạn này nhưng tòa cho rằng Trung Quốc đã vi phạm trách nhiệm phải tôn trọng quyền đánh bắt ở ngư trường truyền thống của Philippines khi luôn tìm cách ngăn tàu cá Philippines tiếp cận khu vực này kể từ sau tháng 5/2012.

Minh Phương

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm