1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc đẩy mạnh cải cách, sẽ thành lập cơ quan quản lý tài chính mới

Thanh Thành

(Dân trí) - Tại kỳ họp Quốc hội năm nay, Trung Quốc đã đưa ra các kế hoạch nhằm nỗ lực hạn chế rủi ro tài chính và đáp trả các biện pháp kiềm chế công nghệ của Mỹ bằng việc cải tổ sâu rộng hàng loạt quy định.

Trung Quốc đẩy mạnh cải cách, sẽ thành lập cơ quan quản lý tài chính mới - 1

Các đại biểu tại phiên họp toàn thể thứ hai của kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc hôm 7/3 (Ảnh: THX).

Tại phiên họp toàn thể thứ hai của kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội - NPC) hôm 7/3, Quốc vụ viện (tức Chính phủ Trung Quốc) đã trình kế hoạch thành lập một cơ quan siêu quản lý để giám sát tài sản ngân hàng và bảo hiểm trị giá 400 nghìn tỷ nhân dân tệ (57,7 nghìn tỷ USD). 

"Điều quan trọng là tăng cường khoa học và công nghệ, giám sát tài chính, quản lý dữ liệu, đổi mới nông thôn, quyền sở hữu trí tuệ và chăm sóc người cao tuổi", ông Tiêu Tiệp (Xiao Jie), Tổng thư ký Quốc vụ viện, cho biết trong một tuyên bố về việc tái cơ cấu.

Phát biểu về kế hoạch tái cơ cấu bộ máy tổ chức lần này trước NPC hôm 7/3, ngày thứ ba của phiên họp thường niên của Quốc hội, ông Tiêu Tiệp cho biết, kế hoạch tài cơ cấu lần này sẽ giúp đảm bảo mạnh mẽ cho việc xây dựng một đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, toàn diện và thúc đẩy sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa.

Ông Tiêu không đưa ra con số về số lượng công chức hiện tại ở cấp chính quyền trung ương, nhưng cho hay việc cắt giảm sẽ được thực hiện trong thời gian ân hạn 5 năm.

Theo kế hoạch, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc sẽ được tái cơ cấu và một phần trách nhiệm liên quan đến quy hoạch, phát triển và hoạch định chính sách cho ngành nông nghiệp và nông thôn sẽ được hợp nhất vào Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc.

Các trách nhiệm khác của Bộ này sẽ được chuyển giao cho Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, Bộ Nhân sự và An sinh Xã hội, cũng như Ủy ban Y tế Quốc gia. 

Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc sẽ được nâng cấp thành một cơ quan trực thuộc Hội đồng Nhà nước và chịu trách nhiệm phê duyệt trái phiếu doanh nghiệp, vốn trước đây là lĩnh vực của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của đất nước. 

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cũng sẽ tiến hành tái cơ cấu, với mục tiêu là mở rộng các chi nhánh cấp tỉnh. Hiện nay, PBOC mới chỉ có 11 chi nhánh khu vực trên cả nước.

"Việc thành lập cơ quan quản lý tài chính là nhằm giải quyết những mâu thuẫn và vấn đề tồn tại lâu dài trong lĩnh vực tài chính", ông Tiệp nói và cho biết thêm, ủy ban quản lý mới sẽ chịu trách nhiệm giám sát các tổ chức tài chính bên ngoài lĩnh vực chứng khoán, bảo vệ các nhà đầu tư và phân tán rủi ro hệ thống.

Để đối phó với một xã hội già hóa khi nước này hiện là nơi có dân số người cao tuổi đông nhất thế giới, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc sẽ chuyển giao các nhiệm vụ liên quan đến người cao tuổi cho Bộ Nội vụ Trung Quốc.

Trong lĩnh vực công nghệ, Trung Quốc tuyên bố cần một khoản tài trợ khổng lồ để bù đắp cho những gì đã mất. Bắc Kinh đang trong cuộc chiến công nghệ gay cấn với Washington khi hơn 600 công ty Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và hàng không vũ trụ và hàng không, đã bị Mỹ liệt vào danh sách đen thương mại. Theo đó, những công ty này sẽ không được tiếp cận công nghệ và linh kiện của Mỹ nếu không được chính phủ nước này chấp thuận.

'Trừ khi Trung Quốc có thể nhanh chóng tạo ra những bước đột phá trong các công nghệ cơ bản… nếu không chúng ta sẽ khó giải quyết được các điểm nghẽn", Giám đốc điều hành nhà sản xuất một công ty thiết bị bán dẫn lớn của Trung Quốc cho biết.

Phát biểu tại hội nghị công tác kinh tế trung ương vào tháng 12, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn ngừa rủi ro tài chính hệ thống, đặc biệt là rủi ro do khủng hoảng thị trường bất động sản và nợ xấu của chính quyền địa phương.

Phát biểu sau tuyên bố kêu gọi hỗ trợ tài chính cho đổi mới công nghệ, ông Tập một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về rủi ro tài chính. "Một số chính sách của chúng ta, nếu không thực hiện tốt, có thể trở thành điểm nhức nhối của nạn tham nhũng", nhà lãnh đạo này nói.

Ông Tập kêu gọi cải cách để giao quyền, hợp lý hóa quản lý và tối ưu hóa các dịch vụ của chính phủ, đồng thời nói rằng cần phải cải thiện hoạt động giám sát. "Giao quyền mà không giám sát là không được. Nếu không, nó có thể phát nổ".

Trung Quốc đã phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng tài chính trong những năm gần đây, bao gồm việc hàng loạt ngân hàng tuyên bố phá sản hay vấn đề bong bóng bất động sản.

"Điều rất quan trọng là cả nước phải thống nhất trong việc ngăn ngừa rủi ro tài chính ở địa phương, bởi vì gần đây chúng ta thấy một số ngân hàng nông thôn có rủi ro tương đối lớn gây tác động xã hội nghiêm trọng", ông Zhao Xijun, giáo sư tài chính tại Đại học Nhân dân Trung Quốc (Renmin) cho hay.

Lĩnh vực tài chính là mục tiêu số 1 trong chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh. Hàng chục quan chức tài chính cấp cao và giám đốc điều hành các tập đoàn lớn đã bị điều tra trong những năm gần đây, bao gồm cựu Phó thống đốc PBOC Fan Yifei và cựu Phó giám đốc ủy ban ngân hàng Cai Esheng.

Chiến lược tái cơ cấu lần này một phần trong kế hoạch cải cách sâu rộng mà Bắc Kinh hy vọng sẽ giúp tăng cường năng lực kiểm soát rủi ro và chống lại "những cơn gió ngược từ bên ngoài".

Đây là lần tái cấu trúc lớn thứ ba kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình nhậm chức vào năm 2013, với lần cuối cùng là vào năm 2017-2019 dẫn đến việc thành lập Ủy ban Phát triển và Ổn định Tài chính và Bộ các vấn đề cựu chiến binh.

Những thay đổi này phù hợp với nỗ lực của ông Tập Cận Bình nhằm củng cố vị thế Trung Quốc trước những gì ông coi là một thế giới đang thay đổi nhanh chóng được đánh dấu bằng việc những bất ổn bên ngoài đang ngày càng tăng, cũng như suy thoái kinh tế trong nước.

Cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc dự kiến sẽ bỏ phiếu về kế hoạch tái cơ cấu trên vào ngày 10/3.

Theo SCMP