1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc tìm cách đẩy mạnh quan hệ với Trung Á

Thanh Thành

(Dân trí) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày với lãnh đạo 5 quốc gia Trung Á vào tuần tới nhằm tăng cường quan hệ, giữa lúc thế giới lo ngại về chiến sự tại Ukraine.

Trung Quốc tìm cách đẩy mạnh quan hệ với Trung Á  - 1

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm nước này hồi tháng 9/2022 (Ảnh: THX).

Lãnh đạo Trung Quốc và các nước Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh từ ngày 18-19/5, trong bối cảnh Bắc Kinh đang nỗ lực tăng cường ảnh hưởng ở khu vực.

Hội nghị sẽ diễn ra ở thành phố Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây của Trung Quốc, trong đó tập trung vào việc tăng cường hợp tác kinh tế và ngoại giao giữa các nước, giữa lúc bất ổn đang leo thang trong khu vực do tình hình chiến sự ở Ukraine và căng thẳng với phương Tây gia tăng.

Bắc Kinh đã ca ngợi hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày cùng "các quốc gia ở khu vực láng giềng rộng lớn và có tầm quan trọng địa chiến lược" là "sự kiện ngoại giao lớn đầu tiên mà Trung Quốc đăng cai trong năm nay".

Cuộc họp ở Tây An cũng trùng với thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo nhóm G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, bắt đầu vào ngày 19/5. Trong đó, các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Canada, Đức, Pháp, Italy và Anh dự kiến sẽ thể hiện sự đoàn kết thống nhất đối trọng ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga tại hội nghị lần này.

Hội nghị thượng đỉnh ở Tây An lần này diễn ra vài tuần sau cuộc điện đàm được kỳ vọng giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, từng làm dấy lên suy đoán rằng Bắc Kinh mong muốn thể hiện mình là một đối tác an ninh đáng tin cậy trong khu vực có truyền thống dựa vào đảm bảo an ninh của Nga.

Bắc Kinh từ lâu đã coi Trung Á là một biên giới quan trọng cho chiến lược mở rộng thương mại và an ninh năng lượng của đất nước, cũng như đối với sự ổn định ở Tân Cương. Vì vậy, chính quyền của ông Tập đang tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nước Trung Á.

Hồi tháng 9/2022, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có chuyến thăm bất ngờ đến thăm Kazakhstan và Uzbekistan đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ sau đại dịch Covid-19.

Giáo sư Zhu Yongbiao tại Trường chính trị và quan hệ quốc tế của Đại học Lan Châu cho biết, mối quan hệ chặt chẽ với Trung Á hiện là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự ngoại giao của Trung Quốc.

"Trước đó sự hợp tác của Trung Quốc với các nước Trung Á chủ yếu ở cấp độ song phương hoặc dưới các nền tảng đa phương như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Giờ đây, Trung Quốc muốn một lần nữa làm rõ tầm quan trọng của họ đối với các nước Trung Á nói chung", ông Zhu nói.

Trung Quốc tìm cách đẩy mạnh quan hệ với Trung Á  - 2

Cuộc họp lần thứ ba của Trung Quốc và các nước Trung Á (C+C5) diễn ra vào tháng 6/2022 tại Kazakhstan (Ảnh: Tân Hoa Xã).

Bắc Kinh cũng ca ngợi hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ là "một cột mốc quan trọng trong lịch sử" của Trung Quốc và Trung Á. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân, "các văn bản chính trị quan trọng" sẽ được 6 nhà lãnh đạo ký kết tại hội nghị và sự kiện này sẽ "mở ra một kỷ nguyên hợp tác mới" giữa hai bên.

Các vấn đề khác như cuộc chiến Ukraine đang diễn ra cùng cuộc khủng hoảng ở Afghanistan cũng sẽ được thảo luận khi các nhà lãnh đạo gặp nhau ở Tây An.

"Trung Quốc và 5 quốc gia Trung Á có quan điểm và lập trường chặt chẽ đối với các vấn đề quốc tế và khu vực từ xung đột giữa Nga và Ukraine, khủng hoảng Afghanistan và cuộc chiến chống khủng bố, nhưng vẫn cần có sự phối hợp hơn nữa", giáo sư Zhu nói thêm.

Cuộc chiến ở Ukraine cũng khiến Bắc Kinh quyết tâm tăng cường quan hệ với các nước láng giềng khi phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ Mỹ và châu Âu.

Ông Wang Jian, Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, cho biết Bắc Kinh đã tập trung nhiều hơn vào các mối quan hệ với Đông Nam Á, nhưng Trung Á vẫn "rất quan trọng" đối với an ninh của Trung Quốc.

"Giá lương thực, giá năng lượng và khoáng sản leo thang do lạm phát toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định nội bộ của khu vực, điều này có thể gây ra cuộc cách mạng màu", ông nói thêm.

Theo ông, với vị thế là những nước láng giềng gần gũi, những thay đổi trong tình hình an ninh ở Nga và Trung Á sẽ có tác động quan trọng đến lợi ích an ninh của biên giới phía bắc và tây bắc của Trung Quốc.

Trung Quốc cạnh tranh với Mỹ

Các nước cộng hòa ở Trung Á trước đây thuộc Liên Xô, nhưng ảnh hưởng của Nga ở khu vực này suy giảm phần nào kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine. Bắc Kinh đang muốn lấy lòng những đồng minh truyền thống của Moscow ở khu vực.

Trong thập niên kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng sáng kiến Vành đai-Con đường, thương mại giữa Trung Quốc và 5 quốc gia Trung Á đã tăng trưởng nhanh chóng, đạt 70,2 tỷ USD vào năm 2022, tăng 40% so với năm 2021.

Một dự án song phương đã được nâng cấp vào năm 2014 là đường ống dẫn khí đốt Trung Á - Trung Quốc, còn được gọi là đường ống dẫn khí đốt Turkmenistan - Trung Quốc, chạy dài hơn 1.800km từ Gedaim, trên biên giới Turkmenistan - Uzbekistan, đến Khorgas, ở khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc.

Dự án ban đầu trị giá 7,3 tỷ USD bắt đầu hoạt động vào năm 2009 và nó đã được nâng cấp với việc xây dựng tuyến thứ 4 vào năm 2014 như một phần của sáng kiến Vành đai-Con đường nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng sạch hơn của Trung Quốc.

Mạng lưới đường ống đã vận chuyển hơn 400 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên tới Trung Quốc trong 12 năm qua, theo Tân Hoa Xã.

Nga từ lâu đã có những ảnh hưởng kinh tế và an ninh mạnh mẽ đối với Trung Á.  Mặc dù 5 quốc gia Trung Á không chỉ trích chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine và bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu lên án hành động này tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 2, nhưng cũng không tuyên bố ủng hộ hành động của Moscow.

Các nhà quan sát cho rằng, nỗ lực thúc đẩy quan hệ với các nước Trung Á của Trung Quốc sẽ vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ Mỹ, quốc gia cũng đang đẩy mạnh can dự trong khu vực.

Kể từ năm 2015, Mỹ đã tận dụng hội nghị thượng đỉnh C5+1 (5 nước Trung Á và Mỹ) hàng năm để mở rộng ảnh hưởng của mình.

Tại hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất ở Astana thủ đô của Kazakhstan vào tháng 2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết cuộc chiến Ukraine đã đặt ra cho Mỹ và Trung Á những thách thức chung. Và các quốc gia Trung Á bày tỏ lo ngại về tác động lan tỏa của các biện pháp trừng phạt chống lại Nga đối với nền kinh tế của họ.

"Tôi muốn nói rằng, thực sự Kazakhstan có mối quan hệ lịch sử lâu dài với cả  Nga và Ukraine, và đó là lý do tại sao tình hình này chắc chắn tác động khá nặng nề nền kinh tế và chúng tôi đang cố gắng tránh mọi tác động tiêu cực từ lệnh trừng phạt", Ngoại trưởng Kazakhstan Mukhtar Tleuberdi cho biết sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Mỹ Blinken vào ngày 28/2.

Tại hội nghị thượng đỉnh SCO vào tháng 9/2022, ông Tập đã tuyên bố Trung Quốc sẽ cung cấp 150 triệu nhân dân tệ (24,37 triệu USD) viện trợ nhân đạo cho các thành viên SCO có nhu cầu, và Trung Quốc đã đóng góp rất nhiều cho các dự án cơ sở hạ tầng khu vực trong nhiều năm.

Nhưng giới quan sát cho rằng, Mỹ hiện nổi lên là đối thủ mạnh của Trung Quốc trong khu vực về vấn đề viện trợ này.

"Mỹ cố gắng tăng cường quan hệ kinh tế với các nước Trung Á, thành lập một mặt trận thống nhất dựa trên nền tảng ngoại giao C5+1 để tiếp tục cô lập Nga và chống lại "Sáng kiến Vành đai và Con đường" của Trung Quốc", Sun Yu, nhà nghiên cứu về Trung Á tại Đại học bang Anjijan ở Uzbekistan, nhận định.

Theo SCMP