1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Kỳ họp "lưỡng hội" của Trung Quốc năm nay có gì đặc biệt?

Thanh Thành

(Dân trí) - Kỳ họp lưỡng hội của Trung Quốc là cuộc họp Quốc hội và CPPCC, một cơ quan tư vấn chính trị hàng đầu, để từ đó đưa ra nhiều thay đổi quan trọng về chính sách của đất nước.

Kỳ họp lưỡng hội của Trung Quốc năm nay có gì đặc biệt? - 1

Phiên họp CPPCC đã khai mạc vào ngày 4/3 trong bối cảnh an ninh được thắt chặt (Ảnh: AP).

Phiên họp chính trị lớn nhất và quan trọng nhất trong năm của Trung Quốc, được gọi là "lưỡng hội" đã bắt đầu mở màn vào ngày 4/3 tại thủ đô Bắc Kinh.

Theo đó, đánh dấu mở đầu kỳ họp lưỡng hội Trung Quốc chính là Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) khai mạc vào sáng 4/3. Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Trung Quốc khóa XIV sẽ bắt đầu vào ngày 5/3.

Sự kiện này sẽ chứng kiến những thay đổi về nhân sự hàng đầu của nền kinh tế lớn nhì thế giới này sau cuộc cải tổ lớn tại đại hội Đảng vào năm 2022, đồng thời công bố chương trình nghị sự chính sách quan trọng sau quyết định chấm dứt chính sách "không Covid-19" nghiêm ngặt.

"Lưỡng hội" là gì?

Kỳ họp lưỡng hội là cuộc họp Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (NPC hay Quốc hội) và CPPCC, một cơ quan tư vấn chính trị hàng đầu của nước này. Cả hai phiên họp được tổ chức riêng biệt nhưng cùng thời điểm.

CPPCC đã bắt đầu họp vào ngày 4/3 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Cuộc họp CPPCC là nơi các đại biểu tranh luận về các đề xuất chứ không phải thông qua luật và bao gồm 2.172 đại diện từ các nhóm khác nhau, các ngành và các đảng chính trị khác. Sự kiện này thường diễn ra trong một hoặc hai tuần và theo truyền thống sẽ kết thúc bằng một cuộc họp báo của thủ tướng.

Trong khi đó 2.977 đại biểu trong Quốc hội là đại diện cho các tỉnh thành, khu tự trị (bao gồm cả Hồng Kông và Ma Cao), thành phố tự trị và Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Các đại biểu Quốc hội sẽ bỏ phiếu phê chuẩn luật, thay đổi nhân sự và duyệt ngân sách chính phủ trong phiên họp kéo dài hai tuần.

Lưỡng hội năm nay có gì đặc biệt?

Năm nay là lần đầu tiên sau khi Covid-19 bùng phát, hai phiên họp không bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Năm nay cũng sẽ chứng kiến một loạt các quyết định bổ nhiệm mới cho các vị trí quan trọng trong chính phủ, lập pháp và tư vấn cũng như công bố kế hoạch cải cách thể chế.

Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình cũng sẽ chính thức được bầu vào nhiệm kỳ thứ ba sau khi đã được tái bổ nhiệm tại Đại hội XX hồi tháng 10/2022.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc trước đó cho biết phiên họp toàn thể của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc trước đó đã xác nhận danh sách các ứng viên cho một số vị trí mới trong chính phủ. Theo đó, vị trí thủ tướng, ngân hàng trung ương và trong lĩnh vực tài chính dự kiến được công bố tại phiên họp lần này.

Ngoài ra mọi sự chú ý cũng sẽ được tập trung vào các kế hoạch cải cách của đảng và nhà nước Trung Quốc. Vào tuần trước, ông Tập cũng cho biết cuộc cải tổ lần này sẽ tập trung vào "các ngành công nghiệp then chốt" và "cải cách sâu sắc" hệ thống tài chính cũng như "hoàn thiện sự lãnh đạo tập trung của đảng đối với công nghệ".

Phiên họp lưỡng hội năm nay cũng sẽ đưa ra các mục tiêu kinh tế hàng năm và năm nay vấn đề được quan tâm chính sẽ là chiến lược phục hồi kinh tế hậu Covid-19.

Kỳ họp lưỡng hội của Trung Quốc năm nay có gì đặc biệt? - 2

CPPCC tổ chức cuộc họp báo hôm 4/3 (Ảnh: Tân Hoa Xã).

Đây chắc chắn là vấn đề sống còn sau khi nước này đã bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng 5,5% vào năm ngoái.

Cuộc họp mới nhất của Ủy ban Trung ương Trung Quốc cũng đã cảnh báo, con đường phục hồi kinh tế này vẫn đang đối mặt với "những thách thức cơ bản" về cả cung và cầu.

Thủ tướng sắp mãn nhiệm Lý Khắc Cường sẽ công bố mục tiêu tăng trưởng hàng năm trong báo cáo công việc của mình vào đầu hai phiên họp. Dự đoán, nhà lãnh đạo này có khả năng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 5%, một mục tiêu mà các chuyên cho rằng sẽ đòi hỏi nhiều yếu tố như đầu tư tốt hơn cho cơ sở hạ tầng.

Ngoài những trọng tâm về phát triển kinh tế và tự chủ công nghệ, kỳ họp năm nay cũng dự kiến đưa ra các kế hoạch giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh thấp sau khi Trung Quốc hồi năm 2022 ghi nhận lần đầu suy giảm dân số sau 61 năm.

Theo SCMP