1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc cứu trợ Philippines và sự thiển cận về quyền lực mềm

(Dân trí) - Trong khi Trung Quốc không ngừng tuyên bố xây dựng "quyền lực mềm", những gì Bắc Kinh vừa thể hiện trong việc cứu trợ Philippines hậu bão Haiyan lại hoàn toàn trái ngược. Không ít chuyên gia tin rằng Bắc Kinh có cái nhìn thiển cận và tư duy hẹp hòi.

Rất nhiều quốc gia đang chung tay hỗ trợ Philippines nhưng Trung Quốc lại thờ ơ
Rất nhiều quốc gia đang chung tay hỗ trợ Philippines nhưng Trung Quốc lại thờ ơ

Cho đến thời điểm này, sau khi bị dư luận quốc tế và cả trong nước phản ứng về khoản hỗ trợ chỉ 100.000 USD cho các nạn nhân bão Haiyan tại Philippines, chính phủ Trung Quốc mới cam kết hỗ trợ chưa tới 2 triệu USD tiền mặt và hiện vật. Trong khi đó Mỹ đã hỗ trợ 20 triệu USD cùng một chiến dịch lớn do quân đội nước này tiến hành với sự tham gia của cả tàu sân bay.

Các đối thủ khác của Trung Quốc trong khu vực như Nhật Bản cũng cam kết hỗ trợ 10 triệu USD đồng thời còn đề nghị cử binh sỹ, tàu và máy bay tới giúp sức. Úc hào phóng cam kết đóng góp 28 triệu USD, và ngay cả một quỹ từ thiện của hãng nội thất Thụy Điển Ikeda cũng sẵn sàng chi 2,7 triệu USD giúp các nạn nhân của siêu bão tại Philippines.

Sự miễn cưỡng của Bắc Kinh trong việc hỗ trợ một cách rộng rãi hơn – có lẽ chủ yếu xuất phát từ những căng thẳng với chính quyền Manila về tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông – đã khiến hình ảnh quốc tế của nước này bị xấu đi vào đúng thời điểm họ đang muốn tranh giành sự ảnh hưởng trong khu vực với Washington.

“Trung Quốc đã bỏ lỡ một cơ hội tuyệt vời để chứng tỏ mình là một cường quốc có trách nhiệm và tạo ra thiện chí”, Zheng Yongnian, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại đại học quốc gia Singapore khẳng định. “Họ vẫn thiếu sự suy nghĩ một cách chiến lược”.

Sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á, mà Trung Quốc đang tìm cách khỏa lấp, đã được dự báo từ lâu. Các quốc gia châu Á ngày càng phụ thuộc và nền kinh tế không ngừng phát triển của Trung Quốc để bán các hàng hóa xuất khẩu, trong khi các công ty Trung Quốc ngày càng tăng các khoản đầu tư và hoạt động tuyển dụng.

Vậy nhưng sự thua kém của Trung Quốc so với Mỹ xét về khía cạnh quyền lực mềm – vốn được hiểu là sự giành lấy trái tim và ý thức thông qua văn hóa, giáo dục và các hình thức ngoại giao phi truyền thống, mà trong đó hỗ trợ trong các tình huống khẩn cấp là một thành tố chính, đã lộ rõ.

Mặc dù giới học giả Trung Quốc thường xuyên quảng bá về quyền lực mềm, các nhà lãnh đạo nước này không thực sự hiểu nó, chuyên gia Zheng nhận định. Thay vào đó họ tiếp tục dựa vào những đòn bẩy của chính sách ngoại giao nước lớn đã lỗi thời, dựa vào kinh tế và sức mạnh quân sự. “Họ vẫn nghĩ rằng họ có thể làm được những gì mình muốn thông qua sự ép buộc”, Zheng nói.

Khoản hỗ trợ của Trung Quốc cho Philippines gồm 100.000 USD từ chính phủ và 100.000 USD của hội Chữ thập đỏ nước này. Ngoài ra còn có thêm 1,64 triệu USD là lều bạt, chăn màn và các hàng hóa khác.

Trong khi đó tàu sân bay USS George Washington của Mỹ đã tới Philippines trong ngày 14/11, và khoảng 1000 lính dự đính sẽ được triển khai tới khu vực chịu thảm họa vào cuối tuần. Các máy bay và trực thăng Mỹ cũng đã mang hàng hóa cứu trợ tới và di tản những người sống sót.

Anh, một quốc gia đi đầu trong nỗ lực đóng góp cứu trợ nạn nhân siêu bão, cũng đang cử tàu sân bay HMS Illustrious tới Philippines.

Phản ứng lãnh đạm của Bắc Kinh đối với thảm họa cho thấy những tranh cãi của họ với Manila về vấn đề lãnh thổ đang "di căn" sang toàn bộ các mối quan hệ khác với Philippines. Mặc dù có tranh chấp biển đảo với nhiều nước xung quanh, Trung Quốc đã đặc biệt tức giận với Philippines khi nước này quyết định đưa tranh chấp lên tòa trọng tài quốc tế, và không ngừng thúc đẩy liên minh quân sự với Mỹ.

Sự “hào phóng” của Trung Quốc với Philippines không phải đến nay mới lộ rõ. Hồi tháng trước, nước này đã cam kết hỗ trợ 80.000 USD cho quốc gia Đông Nam Á sau một trận động đất lớn tại đây.

Zhu Feng, một chuyên gia quan hệ quốc tế tại đại học Peking cho biết số tiền cứu trợ “phản ảnh sự bế tắc về chính trị, nếu không muốn nói là sự đối đầu trực diện giữa hai nước. Bầu không khí chính trị có sự ảnh hưởng lớn nhất”.

Xét cho cùng, tổn thất với Trung Quốc sẽ “khá nhỏ”, bởi dù sao cũng ít có nước nào dành tình cảm cho Bắc Kinh nên cũng không trong đợi gì từ họ, chuyên gia về Trung Quốc Steve Tsang, đến từ đại học Nottingham, Anh nhận xét.

“Cử chỉ đó cho thấy sự nhỏ nhen của Trung Quốc”, Tsang nói. “Trung Quốc luôn yêu cầu được tôn trọng nên các nước khác e sợ họ nhưng không hề yêu quý họ”.

Thanh Tùng
Theo AP