Trung Quốc cố trấn an thế giới về căn cứ quân sự ở nước ngoài
(Dân trí) - Trung Quốc đang có những bước đi “mềm mỏng” hiếm thấy, khi tìm cách giải thích về việc lập căn cứ hải quân đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti, và tuyên bố không tìm kiếm sự bá quyền quân sự như Mỹ.
Thông điệp được Bắc Kinh phát đi hoàn toàn trái ngược với lập trường cứng rắn và hiếu chiến nước này thể hiện trên Biển Đông, nơi Trung Quốc có những hành động làm cả khu vực châu Á lẫn Mỹ e ngại.
Trung Quốc nhiều lần tuyên bố không tìm cách giành vị thế bá quyền kiểu Mỹ khi mở rộng phạm vi hoạt động của quân đội, bao gồm việc lập các căn cứ ở nước ngoài. Và giờ, chiến thuật này đang tiếp tục được Bắc Kinh sử dụng để nói về căn cứ tại Djibouti. Trong khi các quan chức ngoại giao lặng lẽ thông tin tới các đối tác, truyền thông nhà nước Trung Quốc không ngừng trấn an sự lo ngại của dư luận.
“Trung Quốc đang giải thích rằng đó là một phần của chiến lược “Một con đường, một vành đai”, để giúp kết nối Ethiopia với biển”, một nhà ngoại giao phương Tây được phía Trung Quốc thông tin tiết lộ.
Chiến lược của “Một con đường, một vành đai” bao gồm việc mở các hành lang thương mại tại bất kỳ châu lục nào có thể giúp cải thiện kinh tế Trung Quốc và kết nối họ với phần còn lại của thế giới.
Một tuyến đường sắt trị giá 4 tỷ USD sẽ được xây dựng để nối thủ đô Addis Ababa của Ethiopia với một cảng mới của Djibouti do Trung Quốc đầu tư, và cũng là nơi sẽ đặt một căn cứ quân sự.
Một nhà ngoại giao khác, cũng từng được thông tin về kế hoạch của Trung Quốc, cho rằng đây là bước đi minh bạch “không bình thường” của chính quyền Bắc Kinh, vốn luôn rất cẩn mật. “Trung Quốc không muốn bị xem là một mối đe dọa”, người này bình luận.
Ấn Độ dè chừng
Trong một thông cáo gửi báo giới phương Tây, Bộ quốc phòng Trung Quốc xác nhận đã chuyển tải tới “các quốc gia và tổ chức quốc tế liên quan” ý định của mình tại Djibouti, tái khẳng định cơ sở này chủ yếu nhằm tiếp tế cho các nhiệm vụ chống cướp biển, các chiến dịch nhân đạo và gìn giữ hòa bình.
Djibouti, vốn cũng đã có các căn cứ quân sự của Mỹ và Pháp, cũng có chung tiếng nói với Bắc Kinh về việc căn cứ này sẽ chỉ sử dụng để tiếp nhiên liệu và hỗ trợ hậu cần cho hoạt động chống cướp biển, bảo vệ các tuyến hàng hải thương mại. Nhưng nước này cũng khẳng định phương Tây không nên lo lắng nếu Trung Quốc lập các “điểm đóng quân ở nước ngoài”, bởi các nước phương Tây đã làm vậy suốt nhiều năm qua ở khắp nơi trên thế giới.
Hoạt động xây dựng đã được khởi công tháng 2 vừa qua, tại quốc gia có chưa tới 1 triệu dân, nhưng đang nỗ lực trở thành một trung tâm vận tải biển quốc tế.
Việc Trung Quốc xây căn cứ tại Djibouti, quốc gia nằm ngay rìa tây bắc của Ấn Độ Dương đã khiến Ấn Độ lo ngại, rằng quốc gia châu Phi này sẽ trở thành một “chuỗi ngọc trai” khác trong liên minh quân sự của Trung Quốc, bao vây Ấn Độ. Một số quốc gia như Bangladesh, Myanmar và Sri Lanka được tin là đã ngả theo Bắc Kinh.
Giới chức quân sự Ấn Độ chia sẻ với Reuters rằng, sự hiện diện của căn cứ hải quân Trung Quốc tại Djibouti sẽ khiến quân đội Ấn Độ phải tính tới thêm một khía cạnh nữa trong các kế hoạch ứng phó.
Cùng với sự xuất hiện của Trung Quốc tại cảng Gwadar của Pakistan, việc Bắc Kinh có thêm một căn cứ nữa sẽ nâng cao năng lực của hải quân nước này, và trở thành một mối đe dọa với hải quân Án Độ, đại tá quân đội Mandip Singh bình luận trên tờ báo của Viện Nghiên cứu và Phân tích quân sự Ấn Độ.
“Djibouti cũng giúp Trung Quốc có thể đồn trú các khí tài hải quân tầm xa tại đây. Và những khí tài đó có khả năng duy trì sự giám sát trên biển Arập cũng như các đảo của Ấn Độ ngoài khơi bờ biển phía Tây”, ông Singh viết.
Trong bài phát biểu hồi tháng này trước quốc hội, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã úp mở về khả năng Trung Quốc có thêm nhiều căn cứ ở nước ngoài. Hiện nước này cùng các doanh nghiệp đang xây dựng nhiều cảng tại châu Phi. Dù chúng có bản chất thương mại, tất cả các cảng một ngày nào đó đều có thể đón tàu hải quân Trung Quốc.
Một nguồn tin ngoại giao Trung Quốc giấu tên tiết lộ, ý tưởng về cơ sở tại Djibouti xuất hiện hồi năm ngoái, khi hải quân Trung Quốc sơ tán người dân khỏi Yemen. Chiếc tàu khu trục tham gia sơ tán đã phải dành hầu hết nhu yếu phẩm cho những người được sơ tán, khiến thủy thủ đoàn gặp khó khăn trong tìm nguồn cung ứng mới.
Thanh Tùng
Tổng hợp