1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc có thể xây boong-ke đạn gần khu tranh chấp với Ấn Độ, Bhutan

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc có thể xây dựng boong-ke chứa đạn mới ở khu vực Doklam - khu vực nằm giữa biên giới Bhutan, Trung Quốc và Ấn Độ.

Trung Quốc có thể xây boong-ke đạn gần khu tranh chấp với Ấn Độ, Bhutan - 1

Hệ thống boong-ke chứa đạn nghi do Trung Quốc xây gần Doklam (Ảnh: Maxar)

Công ty công nghệ không gian Maxar Technologies (Mỹ) công bố ảnh chụp vệ tinh hôm 28/10 cho thấy “rõ ràng có hoạt động xây dựng quy mô lớn trong năm nay dọc theo khu vực thung lũng sông Torsa ở Himalaya. Ngoài ra, Maxar cũng cho biết các bức ảnh cho thấy “có những boong-ke quân sự mới” được xây gần khu vực Doklam.

Kênh NDTV của Ấn Độ là bên đầu tiên đưa tin về các hình ảnh này. NDTV nghi ngờ Trung Quốc có thể xây boong-ke chứa đạn tại đây. 

Theo các bức ảnh của Maxar, ở khu vực tranh chấp chủ quyền về phía Bhutan, dường như có sự xuất hiện của một ngôi làng mới mang tên Pangda do Trung Quốc xây.

Trong khi đó, bên lãnh thổ do Trung Quốc quản lý, có sự xuất hiện của công trình bị nghi là các nhà kho cung cấp cho Trung Quốc. Công trình này nằm rất gần Doklam - khu vực Ấn Độ và Trung Quốc từng nổ ra giao tranh vào năm 2017. 

Sau đó, Đại sứ Bhutan ở Ấn Độ Vetsop Namgyel đã tuyên bố “không có ngôi làng Trung Quốc nào được xây ở phía Bhutan”. Phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa đưa ra bình luận về các thông tin trên, trong khi Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng chưa lên tiếng.

Cả Bhutan và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền với Doklam, và khu vực này được xem có tầm quan trọng chiến lược với Ấn Độ vì nó nằm gần Hành lang Siliguri, một tuyến đường huyết mạch quan trọng nối giữa New Delhi và các bang phía đông bắc của nước này. Vì vậy, khi tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Bhutan nóng lên năm 2017, Ấn Độ - đồng minh quan trọng của Bhutan - đã tham gia và nổ ra xung đột với Trung Quốc trong nhiều tuần.

Trong bài viết đăng trên Thời báo Hoàn Cầu ngày 13/11, các chuyên gia Trung Quốc đã bác bỏ những thông tin của Maxar và thông tin từ truyền thông Ấn Độ rằng Bắc Kinh đã xây làng trên lãnh thổ Bhutan.