1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc có thể bị đứng ngoài lề trong tiến trình hòa bình Triều Tiên?

(Dân trí) - Sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến diễn ra trong vài tuần tới, giới quan sát cho rằng Trung Quốc có thể sẽ bị đẩy ra ngoài lề tiến trình đàm phán hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.


Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un ký văn kiện tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4 (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un ký văn kiện tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4 (Ảnh: Reuters)

Theo các chuyên gia Trung Quốc, Bắc Kinh nên tham gia vào quá trình đàm phán hiệp ước hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Mặc dù vậy, họ cũng cho rằng vẫn có khả năng Trung Quốc sẽ chỉ là "người đứng ngoài cuộc", do các chính sách của nước này đối với Bình Nhưỡng trong những năm gần đây.

Sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra vào ngày 27/4 vừa qua, tình hình bán đảo Triều Tiên đã đạt được những bước tiến nhất định. Bình Nhưỡng đã cam kết sẽ đóng cửa bãi thử hạt nhân vào tháng sau và sẵn sàng mời các chuyên gia quốc tế tới giám sát. Hai miền cũng có những động thái cho thấy thiện chí và mong muốn hòa bình và đoàn kết sau nhiều trong tình trạng chiến tranh về mặt kỹ thuật.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng bác bỏ các khẳng định của một số chuyên gia Trung Quốc nói rằng Bình Nhưỡng đồng ý đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri vì nó đã bị sập một phần sau vụ thử ngày 3/9/2017 và có nguy cơ làm phát tán phóng xạ.

Thư ký báo chí của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Yoon Young-chan, cho biết ông Kim nói rằng bãi thử Punggye-ri vẫn hoạt động tốt cho tới thời điểm hiện tại. Mặc dù vây, các chuyên gia của Bắc Kinh vẫn tỏ ra hoài nghi về tuyên bố sẽ phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, cho rằng không có gì chắc chắn là Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ kho vũ khí hạt nhân.

Ngày 27/4, ông Kim và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã thống nhất sẽ nỗ lực vì mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên nhưng tuyên bố chung của 2 nhà lãnh đạo chưa nêu rõ các bước đi cụ thể cho mục tiêu này.

Hai miền Triều Tiên sẽ bàn thảo về việc kết thúc cuộc chiến kéo dài 65 năm về mặt kỹ thuật vào cuối năm nay, hoặc có thể sẽ có một bên thứ 3 là Mỹ tham gia, và cũng không loại trừ khả năng Trung Quốc cũng sẽ ngồi vào cùng bàn đàm phán. Song, đến nay chưa có điều gì chắc chắn.

Lập trường của Trung Quốc

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Xinhua)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Xinhua)

Trung Quốc là một trong ba bên ký vào hiệp định đình chiến năm 1953 cùng với Mỹ và Triều Tiên. Hàn Quốc phải là một bên ký kết của hiệp định này. Về mặt nguyên tắc, nếu các bên muốn chuyển hiệp định này thành hiệp ước hòa bình, việc Trung Quốc tham gia vào quá trình này là điều không có gì ngạc nhiên.

Nhưng theo ông Zhang Liangui, chuyên gia đến từ Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, chính sách của Bắc Kinh về vấn đề Triều Tiên những năm gần đây có thể sẽ đẩy nước này ra khỏi bàn đàm phán.

“Lập trường của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là vấn đề khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên không phải là việc của họ và Triều Tiên và Mỹ nên tự thương lượng trực tiếp. Vì vậy, hiện mọi việc dường như đã đi quá tầm kiểm soát của Bắc Kinh và nếu họ có bị đẩy ra khỏi bàn đàm phán về vấn đề Triều Tiên, đó không phải là điều quá ngạc nhiên”, ông Zhang nhận định.

Một nhà ngoại giao kỳ cựu từ thủ đô Seoul, Hàn Quốc nói với SCMP rằng cả 2 miền Triều Tiên dường như muốn làm giảm ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.

Nhà sử học nổi tiếng Shen Zhihua cũng cảnh báo rằng ảnh hưởng của Trung Quốc tới bán đảo Triều Tiên đang có xu hướng giảm đi. Ông Shen cảnh báo Trung Quốc không nên quá lạc quan về tình hình hiện tại vì sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, Washington có thể thương lượng thừa nhận Bình Nhưỡng là quốc gia hạt nhân, đổi lại việc Triều Tiên sẵn lòng từ bỏ các tên lửa tầm trung và tầm xa có khả năng gây ra đe dọa cho Mỹ.

Ông Zhang cho rằng hiện giờ Mỹ là bên đang nắm quyền chủ động với sự thành bại của tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn khu vực và nếu Mỹ đủ kiên định và không chỉ tập trung vào lợi ích riêng của Mỹ, quá trình này mới có thể thành công.

Vào ngày 2-3/5 tới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ tới thăm Bình Nhưỡng, theo lời mời của người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong Ho. New York Times cho rằng chuyến đi của ông Vương dường như có ý nghĩa trong việc cải thiện quan hệ căng thẳng gần đây giữa 2 quốc gia về vấn đề hạt nhân khi Trung Quốc thực hiện các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc lên Triều Tiên.

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng các động thái cấm vận của Trung Quốc, đối tác thương mại chính của Bình Nhưỡng, dường như đã một phần buộc quốc gia này nhanh chóng đồng ý ngồi vào bàn đàm phán với Hàn Quốc và Mỹ.

Đức Hoàng

Tổng hợp