1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc chật vật khắc phục thiếu sót trên máy bay chiến đấu

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trung Quốc gặp nhiều trở ngại trong mục tiêu tự chủ động cơ máy bay chiến đấu J-20 - điểm yếu cố hữu của các tiêm kích nước này.

Trung Quốc chật vật khắc phục thiếu sót trên máy bay chiến đấu - 1

Tiêm kích tàng hình J-20 (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Theo National Interest, trong những năm qua quân đội Trung Quốc đang tích cực trong việc chế tạo các phi đội máy bay chiến đấu, ném bom tàng hình. Tuy nhiên, một trong những vấn đề cố hữu có thể khiến các khí tài này hoạt động không hiệu quả như mong muốn chính là việc Bắc Kinh vẫn đang gặp khó trong việc sản xuất động cơ phù hợp cho những máy bay trên.

Do chưa tự chủ được về động cơ máy bay, Trung Quốc trong nhiều năm dường như buộc phải dùng các mô hình động cơ đời cũ, bao gồm những thiết bị nhập từ Nga.

Tuy nhiên, một nguồn thạo tin nói với SCMP rằng Trung Quốc có thể sẽ dừng dùng động cơ AL-31F của Nga trên tiêm kích tàng hình J-20 của Bắc Kinh. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ sử dụng động cơ WS-10C do họ tự sản xuất trong nước.

"Trung Quốc không thể phụ thuộc mãi vào động cơ Nga vì Nga đã yêu cầu Trung Quốc mua thêm máy bay Su-35 để đổi lại thương vụ bán động cơ AL-31F", nguồn tin cho hay.

Cuối năm ngoái, bức ảnh tiêm kích J-20 sử dụng động cơ WS-10C đã được đăng tải lên mạng internet. Tuy nhiên, nguồn tin nói rằng động cơ này vẫn đang chỉ là lựa chọn tạm thời.

"Việc dùng động cơ WS-10C thay thế động cơ của Nga vì sự thất bại của động cơ WS-15 do Trung Quốc phát triển khi trải qua vòng đánh giá cuối cùng năm 2019. Không quân không hài lòng với kế quả này, yêu cầu các kỹ thuật viên phải sửa chữa và nâng cấp cho tới khi động cơ họ chế tạo ra đạt được mọi tiêu chuẩn, ví dụ tương đương với động cơ F119 trên tiêm kích F-22 của Mỹ", nguồn tin cho hay.

Tháng 6 năm ngoái, phiên bản cải tiến của J-20B đã đi vào sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, những tiêm kích này vẫn sẽ phải dùng động cơ Nga vì quá trình thử nghiệm WS-10C cần ít nhất 1 năm.

Trung Quốc đã phát triển động cơ WS-15 cho J-20 từ năm 2006 nhưng nỗ lực này chưa thành công. Năm 2015, động cơ này từng bị nổ trong một buổi thử nghiệm trên mặt đất.

Giới chuyên gia quân sự cho rằng việc tạm dừng dự án WS-15 có thể ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài của máy bay chiến đấu Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang hướng tới chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ 6 trong 10 năm tới.  

Mặt khác, việc sử dụng động cơ nhập từ Nga cũng không phải là lựa chọn tối ưu nhất khi những động cơ này có thể không đủ mạnh hoặc không phù hợp với công nghệ mới dẫn tới sự thiếu tin cậy trong khi vận hành. 

Ví dụ, trong những lần xuất hiện công khai, J-20 thường dùng động cơ AL-31 do Nga sản xuất. Động cơ này được cho là không phù hợp với một máy bay chiến đấu siêu âm, tầm xa, hạng nặng, theo 2 chuyên gia Carlo Kopp và Peter Goon của tổ chức Air Power Australia.

Trong khi đó, Trung Quốc đã bắt đầu lên kế hoạch cho việc sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 6 thay thế cho J-20. Tuy nhiên, nếu họ chưa thể sản xuất động cơ phù hợp, tham vọng nói trên có thể sẽ không thành sự thật trong tương lai gần.