1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Điểm yếu của Trung Quốc trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội

Đức Hoàng

(Dân trí) - Dù chi ngân sách "khủng" cho nỗ lực hiện đại hóa nền quân sự, nhưng Trung Quốc vẫn còn những điểm yếu cần khắc phục để đạt được mục tiêu này.

Điểm yếu của Trung Quốc trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội - 1

Máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Trong những năm qua, Trung Quốc đã mạnh tay chi tiền để hiện đại hóa các đơn vị thuộc lực lượng quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Ngân sách quân sự của Bắc Kinh tăng 9 lần trong 18 năm qua từ 20 tỷ USD năm 2002 lên 178 tỷ USD năm 2020. Động thái này đã đặt ra câu hỏi trong giới quan sát rằng liệu khi nào Trung Quốc sẽ bắt kịp Mỹ trong lĩnh vực quân sự.

Một trong những lĩnh vực hưởng lợi nhất từ chiến lược của Trung Quốc là không quân. Lực lượng này đã mua các máy bay hiện đại từ Nga như Su-27. Vào những năm 1990 - thời khi hậu Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc cũng có cơ hội tiếp cận công nghệ quân sự từ Phương Tây, bao gồm công nghệ radar và động cơ máy bay.

Đây được xem là một trong những tiền đề quan trọng cho nền công nghiệp hàng không quân sự nội địa Trung Quốc. Trong những năm qua, họ đã chế tạo được các máy bay chiến đấu, máy bay ném bom. Họ cũng nghiên cứu công nghệ tàng hình, mặc dù tiêm kích J-20 được cho là vẫn còn kém hơn hẳn máy bay F-22 và F-35 của Mỹ về tính năng này.

Ngoài không quân, Trung Quốc cũng hướng sự chú ý tới việc phát triển tên lửa siêu thanh, vũ khí có khả năng bay nhanh gấp ít nhất 5 lần tốc độ âm thanh. Giới quan sát cho biết có những bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang tiến hành các thử nghiệm những tên lửa trên với máy bay ném bom tầm xa.

Những hạn chế

Dù Trung Quốc đã đạt được nhiều bước tiến trong nhiều năm qua, song các chuyên gia vẫn nhận định nỗ lực của Bắc Kinh trong ngành công nghiệp quốc phòng và chế tạo động cơ máy bay vẫn đang ở quá trình phát triển.

Sau gần 10 năm nâng cấp các động cơ tự thiết kế và sản xuất nội địa, Trung Quốc vẫn chưa thể lắp các thiết bị này lên máy bay một động cơ và máy bay phóng từ tàu sân bay. Điều này cho thấy, quân đội Trung Quốc chưa đủ tự tin để sử dụng công nghệ động cơ do chính họ phát triển.

Phần lớn máy bay Trung Quốc hiện vẫn đang phụ thuộc vào động cơ nhập khẩu, chủ yếu là từ Nga, bao gồm phi đội máy bay ném bom, máy bay vận tải chiến lược và ngay cả tiêm kích tàng hình. Đây được xem là "gót chân Asin" của Trung Quốc cho tới khi nào họ có thể chủ động trong việc chế tạo ra các động cơ máy bay đáng tin cậy.

Điểm yếu của Trung Quốc trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội - 2

Tiêm kích J-20 của Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Giới quan sát cho rằng Trung Quốc còn nhiều việc cần làm để hướng tới mục tiêu phát triển nền quân sự, bao gồm khắc phục những hạn chế trong chất lượng và tính thực tế trong các hoạt động huấn luyện.

Trong báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ về năng lực quân sự của Trung Quốc, phía Washington cho rằng Bắc Kinh không những cần tổ chức thêm các hoạt động huấn luyện mà các hoạt động này cần trở nên "nghiêm ngặt và thực tế hơn cũng như giải quyết các vấn đề trong hệ thống đào tạo và giáo dục của PLA liên quan đến việc tiến hành các hoạt động chung phức tạp và thích ứng với các khía cạnh khác của chiến tranh hiện đại".

Trước đó, các chuyên gia nhiều lần nhấn mạnh về việc Trung Quốc phải đối mặt với những rào cản từ chính nội bộ PLA trong nỗ lực hiện đại hóa quân sự, như việc PLA chưa tham chiến thực sự trong nhiều năm dẫn tới việc quân đội nước này thiếu kinh nghiệm tác chiến thực tế, cộng với các quan chức đầu não chưa quen với lối tác chiến mới.

Ngoài ra, giới quan sát cho rằng có nhiều lý do khiến các nước chưa mặn mà với việc nhập khẩu khí tài quân sự của Trung Quốc dù Bắc Kinh đổ rất nhiều ngân sách vào phát triển công nghệ mới.

Lý do đầu tiên là việc Trung Quốc được cho vận hành một hệ thống hai cấp độ rõ ràng, nghĩa là vũ khí phát triển cho mục tiêu xuất khẩu thường kém hơn so với vũ khí nội địa của PLA.

Điểm yếu của Trung Quốc trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội - 3

Một máy bay JF-17 của Pakistan (Ảnh: Wikipedia)

Ví dụ, Myanmar, quốc gia không thể mua máy bay phương Tây vì lý do chi phí và chính trị, đã mua máy bay chiến đấu tiền tuyến như JF-17 Thunder do Trung Quốc và Pakistan hợp tác phát triển. Tuy nhiên, các biến thể này được cho kém xa các máy bay tương tự mà PLA đang vận hành.

Giới quan sát cho rằng Trung Quốc dường như khó thay đổi chính sách này một sớm một chiều và họ chưa thể mở rộng thị trường ra ngoài những khách hàng truyền thống của Bắc Kinh.

Ngoại lệ lớn nhất chính là máy bay không người lái (UAV). Nhiều quốc gia thân Mỹ như Jordan hay Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) đã mua UAV của Trung Quốc. Tuy nhiên, lý do chủ yếu của các thương vụ này là do Mỹ từ chối bán UAV vũ trang cho các quốc gia trên.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm