1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc cảnh báo EU gia tăng hiện diện quân sự ở Ấn Độ-Thái Bình Dương

Đức Hoàng

(Dân trí) - Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lu Shaye, nhà ngoại giao nổi tiếng với những phát ngôn quyết liệt bảo vệ quyền lợi của Bắc Kinh, đã cảnh báo EU về chiến lược quân sự của khối này ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Trung Quốc cảnh báo EU gia tăng hiện diện quân sự ở Ấn Độ-Thái Bình Dương - 1

Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lu Shaye (Ảnh: Global News).

Trả lời phỏng vấn báo Pháp L'Opinion, Đại sứ Lu cho biết: "Chúng tôi hy vọng rằng chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Liên minh châu Âu EU và Pháp có thể thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong khu vực, thay vì biến nó thành chiến lược chống Trung Quốc, đặc biệt liên quan tới đối đầu quân sự. Thật không may, từ trước tới nay, chúng tôi chỉ nhìn thấy khía cạnh quân sự. Pháp nên tập trung hơn vào hợp tác kinh tế và thương mại".

Hội đồng châu Âu công bố chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương hồi tháng 4, nhấn mạnh vào định hướng kinh tế, nhưng cũng tập trung vào khía cạnh hợp tác an ninh tại khu vực. Chiến lược này ủng hộ các tuyến đường hàng hải tự do, cởi mở và an toàn, đồng thời Pháp, Đức và Anh đang tăng cường sự hiện diện hải quân của họ trong khu vực.

Năm 2018, Pháp công bố chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương của riêng họ, trở thành quốc gia châu Âu lớn đầu tiên thực hiện điều này, và đã tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực thông qua việc điều tàu ngầm tấn công hạt nhân và các chiến hạm tới khu vực và đi qua Biển Đông.

Phát biểu của Đại sứ Lu được đưa ra sau cuộc họp thượng đỉnh G7 vào cuối tuần qua, sự kiện mà các lãnh đạo cho biết họ "quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông, Hoa Đông và phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng ở khu vực".

Quan chức Trung Quốc cũng vạch ra quan hệ thương mại và kinh tế với Pháp, nhấn mạnh rằng có 1.100 doanh nghiệp Pháp hiện đang vận hành ở Trung Quốc. Ông Lu nói rằng, với các mối quan hệ giải quyết các mối quan hệ Trung - Mỹ, Trung - Âu và Trung - Pháp, "chúng tôi luôn ủng hộ các nguyên tắc không xung đột, không đối đầu, cùng có lợi".

Ông Lu, 56 tuổi, là một trong những nhà ngoại giao nổi bật của Trung Quốc đi theo phong cách "chiến lang" - thuật ngữ ám chỉ việc Bắc Kinh triển khai "đội quân" gồm các nhà ngoại giao với tiếng nói ngày càng cứng rắn để bảo vệ lập trường của nước này, cũng như đáp trả bất kỳ lập luận nào chống lại Trung Quốc.

Trước đây, ông Lu đã nhiều lần đưa ra những tuyên bố quyết liệt, chỉ trích mạnh mẽ những bên có quan điểm chống lại Trung Quốc. Hồi tháng 3, Pháp đã triệu tập ông Lu vì các bình luận mà Paris mô tả là "những lời lẽ xúc phạm và đe dọa liên tục" nhằm vào các nhà làm luật và nhà nghiên cứu Pháp.