1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc khiến thế giới mất thiện cảm vì "ngoại giao chiến lang"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Với chiến lược "ngoại giao chiến lang", Trung Quốc ngày càng cứng rắn và quyết liệt trên trường quốc tế, nhưng Bắc Kinh cũng phải chịu những "tác dụng phụ" từ đường lối này.

Trung Quốc khiến thế giới mất thiện cảm vì ngoại giao chiến lang - 1

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Ảnh: Xinhua).

Trong thời gian qua, giới quan sát chính trị và truyền thông nhiều lần nhắc tới việc Trung Quốc đang áp dụng chiến thuật "ngoại giao chiến lang". Thuật ngữ  này ám chỉ việc Bắc Kinh triển khai "đội quân" gồm các nhà ngoại giao với tiếng nói ngày càng cứng rắn để bảo vệ lập trường của nước này, cũng như đáp trả bất kỳ lập luận nào chống lại Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế số 2 thế giới chọn cách tiếp cận ngày càng cứng rắn, thiện cảm của thế giới với quốc gia này ngày cảm giảm sút. Các khảo sát thực hiện năm ngoái bởi trung tâm nghiên cứu Pew của Mỹ chỉ ra, tại 9/14 nền kinh tế lớn, Trung Quốc nhận được phản ứng tiêu cực cao kỷ lục kể từ khi Pew bắt đầu thực hiện các thống kê dạng này hơn 10 năm qua. Tại Mỹ, 73% người được hỏi nói rằng họ có ấn tượng "rất không tốt" hoặc "không tốt ở một khía cạnh nào đó" với Trung Quốc.

Theo Bloomberg, đội quân ngoại giao chiến lang đang gây ra thiệt hại lớn tới hình ảnh toàn cầu của quốc gia Đông Á ở mọi nơi trên thế giới từ Brazil tới Papua New Guinea.

Tháng 3 năm ngoái, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên liên tục nhắc đi nhắc lại giả thuyết rằng người Mỹ đã mang mầm bệnh gây Covid-19 tới Vũ Hán dù không có bằng chứng. Tháng 11/2020, Thủ tướng Australia Scott Morrison yêu cầu một lời xin lỗi sau khi ông Triệu đăng một bức ảnh dựng bằng phần mềm cho thấy một quân nhân của Canberra kề dao vào cổ một em bé người Afghanistan. Nhiều vụ việc tương tự khác xảy ra trong thời gian qua cho thấy Trung Quốc đang ngày càng cứng rắn hơn khi bị công kích.

Những động thái của Trung Quốc dường như đã khiến phía Mỹ ngày càng trở nên cứng rắn, làm xóa tan hy vọng ở Bắc Kinh rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden mới nhậm chức sẽ có cách tiếp cận dễ chịu hơn so với người tiền nhiệm Donald Trump. Tháng trước, cố vấn được ví như "kiến trúc sư" về chính sách châu Á của ông Biden, Kurt Campbell, tuyên bố rằng "kỷ nguyên gắn kết với Trung Quốc đã chấm hết".

Tại châu Âu, hiệp định đầu tư giữa Trung Quốc và EU đã bị đóng băng, một phần do cách tiếp cận quá quyết liệt của Trung Quốc khi trừng phạt các nhà làm luật EU chỉ trích chính sách Tân Cương của Bắc Kinh. Các nước Australia, Canada và Anh cũng đang có những lập trường ngày càng cứng rắn hơn nữa với Trung Quốc.  

Giới tinh hoa Trung Quốc lo ngại

Nhiều quan chức cấp cao và giới tinh hoa Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về việc hình ảnh toàn cầu của nước này ngày càng xấu đi và cảnh báo rủi ro của việc "ngoại giao hiếu chiến". Tuy nhiên, giới quan sát nhận định chính quyền Trung Quốc khó thay đổi được điều này, dù Mỹ đang xây dựng mạng lưới liên minh và đối tác khắp Á - Âu, trong một nỗ lực nhằm tận dụng chính sách cứng rắn của Bắc Kinh để thuyết phục các nước xích lại gần với Mỹ hơn.

Các chuyên gia chỉ ra rằng môi trường chính trị hiện tại ở Trung Quốc khiến họ khó thay đổi chiến lược cứng rắn, với sự tự tin ngày càng gia tăng đáng kể, thậm chí là quá mức từ phía Bắc Kinh. Nó được cho là bắt đầu từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hơn 10 năm trước, khi Mỹ và châu Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong khi Trung Quốc gần như không gặp các vấn đề quá lớn.

Quan điểm tự tin của Bắc Kinh có dấu hiệu gia tăng sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền, đánh dấu sự xuất hiện của một cách tiếp cận tăng cường đối đầu trong chính sách đối ngoại.

Ngoài ra, sự cứng rắn của Trung Quốc dường như là do họ đang tin vào quan điểm rằng phương Tây và đặc biệt là Mỹ, đang có dấu hiệu suy yếu. Trong 20 năm qua, chính giới Trung Quốc quan sát Mỹ bị "sa lầy" tại các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, trong khi nội bộ Mỹ đang chia rẽ sâu sắc khiến Washington nhiều lần đối mặt với cảnh bế tắc. Ngoài ra, việc Mỹ ứng phó với đại dịch Covid-19 không thực sự hiệu quả, khi trở thành vùng dịch lớn nhất toàn cầu với 600.000 người chết, để lại ấn tượng không tốt với Trung Quốc.

Ngoài ra, nhiều quan chức Trung Quốc tin rằng, các động thái quốc tế nhằm vào chính phủ nước này là bằng chứng cho thấy Mỹ và các đồng minh đang muốn kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, khi thiện cảm với Trung Quốc đang dần xấu đi trên thế giới, ông Tập dường như đã nhận thấy Bắc Kinh có thể đang "vượt quá giới hạn". Trong một cuộc họp gần đây, ông kêu gọi quan chức cấp dưới giữ "thái độ kiềm chế" khi giao tiếp với thế giới và "cởi mở, tự tin nhưng cũng khiêm tốn". 

Ông Tập mong muốn có thể xây dựng hình ảnh tốt đẹp và mở rộng vòng tròn bạn bè của Bắc Kinh trên thế giới.