1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bị phương Tây bủa vây, đội "chiến lang" Trung Quốc hung hăng đáp trả

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trước bầu không khí ngày càng căng thẳng trong cuộc đối đầu với phương Tây, đội các nhà ngoại giao "chiến lang" của Trung Quốc đã hung hăng đáp trả trên truyền thông và thậm chí mạng xã hội.

Bị phương Tây bủa vây, đội chiến lang Trung Quốc hung hăng đáp trả - 1

Nhà ngoại giao Trung Quốc Li Yang (phải) gây tranh cãi công kích Thủ tướng Canada Justin Trudeau gần đây (Ảnh: Apple Daily, AFP).

Theo Asia Times, ngoại giao "chiến lang" của Trung Quốc đã được đẩy lên một mức độ mới trong thời gian qua khi nhiều quan chức nước này sử dụng từ ngữ mạnh, quyết liệt và đôi lúc thiếu tính ngoại giao cần thiết để đáp trả các chỉ trích và cáo buộc từ phương Tây.

Một ví dụ điển hình gần đây chính là vụ ông Li Yang, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Rio de Janeiro, Brazil, đã công kích trực tiếp Thủ tướng Canada Justin Trudeau vào ngày 29/3.

"Này cậu bé, thành tựu lớn nhất của ông chính là phá hủy quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và Canada", ông Li viết trên Twitter, và thậm chí còn so sánh Canada là "con cún chạy theo Mỹ".

Theo giới quan sát, bình luận trên sẽ không gây tranh cãi quá lớn nếu người viết nó là một cư dân mạng Trung Quốc bình thường. Tuy nhiên, tác giả của nó lại là một nhà ngoại giao và ông này thậm chí còn không liên quan gì tới quá trình hoạch định chính sách của Bắc Kinh với Canada vì ông đang làm nhiệm vụ ở Brazil.

Thậm chí, khi bị những người dùng Twitter ở Canada chỉ trích rằng ông đã "vi phạm các quy chuẩn ngoại giao" và "can thiệp vào tình hình chính trị Ottawa", ông Li đã không ngần ngại tranh luận gay gắt với họ trên Twitter.

"Đừng can thiệp với chính trị Canada? Được thôi. Hãy thả (giám đốc tài chính Huawei) Mạnh Vãn Chu trước", ông Li đáp trả, nhắc lại vụ việc Canada bắt bà Mạnh cuối năm 2018 theo yêu cầu của Mỹ. Diễn biến này cộng với việc Trung Quốc bắt 2 công dân Canada đã khiến quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và Ottawa leo thang căng thẳng trong thời gian qua.

Asia Times dẫn lời một tùy viên phụ trách vấn đề văn hóa tại Đại sứ quán Bắc Kinh ở Mexico City nhận định rằng, đây có thể là lần đầu tiên một nhà ngoại giao Trung Quốc sử dụng ngôn ngữ gay gắt như vậy để công kích một lãnh đạo nước ngoài.

Quan chức trên cho rằng lời lẽ của ông Li có thể không phù hợp khi thể hiện sự giận dữ trong cương vị một nhà ngoại giao, nhưng nhiều người Trung Quốc dường như  "muốn các nhà ngoại giao phải nói thẳng và cứng rắn với phương Tây".

"Trong quá khứ, một số người Trung Quốc gửi các viên canxi tới Bộ Ngoại giao vì các nhà ngoại giao Trung Quốc bị xem là không đủ mạnh mẽ để bảo vệ quan điểm của Bắc Kinh. Điều này đã không còn xảy ra kể từ khi ông Vương Nghị trở thành Ngoại trưởng", quan chức trên cho biết.

"Ngoại giao cừu non" là dĩ vãng

Bị phương Tây bủa vây, đội chiến lang Trung Quốc hung hăng đáp trả - 2

Ông Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - một nhân vật tiêu biểu theo chiến lược "ngoại giao chiến lang" (Ảnh: Kyodo).

Trước vụ của ông Li, Đại sứ Trung Quốc tại Paris (Pháp) Lu Shaye cũng gây tranh cãi khi chỉ trích mạnh mẽ các thượng nghị sĩ và một nhà nghiên cứu của Pháp với những ngôn từ cứng rắn liên quan tới vấn đề Đài Loan. Ông Lu thậm chí gọi nhà nghiên cứu Pháp là "con linh cẩu điên cuồng" hay "lưu manh tiểu nhân".

Pháp sau đó đã triệu tập ông Lu vì những nội dung mà Paris mô tả là "lời lẽ xúc phạm và đe dọa liên tục" nhằm vào các nhà làm luật và nhà nghiên cứu.

Trong một bài viết đăng tải trên trang web của Đại sứ quán Trung Quốc ở Pháp, tác giả đã viết rằng "nếu có ngoại giao chiến lang, đó là vì có quá nhiều đối tượng dưới danh nghĩa là trao đổi học thuật, tự do ngôn luận và nhân quyền, cố gắng bêu xấu Trung Quốc… Thời của 'ngoại giao cừu non' đã là dĩ vãng rồi", bài viết cho hay.

Ông Lu sau đó đã cáo bận để không đến Bộ Ngoại giao Pháp theo lệnh triệu tập vào đúng ngày 23/3, mà hoãn lại tới ngày hôm sau. Một ngày sau đó, Tân Hoa Xã cho biết ông Lu đã gọi điện cho phía cơ quan ngoại giao pháp để bày tỏ quan điểm phản đối của Trung Quốc.

Theo Asia Times, ông Lu trước đó từng nổi tiếng với nhiều phát ngôn cứng rắn và không ngại tranh cãi quyết liệt.

Các nhà quan sát cho rằng việc Trung Quốc tăng cường sử dụng "ngoại giao chiến lang" đã đi ngược lại với phong cách của nhà cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình trước đó.

Triết lý ngoại giao nổi tiếng của ông Đặng cho rằng Trung Quốc nên "ẩn mình" chờ thời cơ, không nên quá cứng rắn. Những người kế nhiệm ông Đặng sau đó là ông Giang Trạch Dân hay ông Hồ Cẩm Đào được cho cũng áp dụng triết lý này.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Trung Quốc hiện đã thể hiện sự cứng rắn và quyết liệt trong việc bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc. Họ lập tài khoản trên các nền tảng Twitter, Facebook để tương tác trực tiếp với cư dân mạng nước ngoài và không ngại sử dụng những từ ngữ mạnh để bày tỏ quan điểm.

Một trong những người tiên phong với phong cách "ngoại giao chiến lang" là ông Triệu Lập Kiên, cựu tham tán tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Pakistan.

Ông Triệu hiện là phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc và ông có tần suất sử dụng Twitter dày đặc, với những phát ngôn quyết liệt để bảo vệ Trung Quốc. Ví dụ, tháng 3 năm ngoái, ông Triệu đăng tải lên Twitter thuyết âm mưu rằng quân đội Mỹ bị nghi đưa virus SARS-CoV-2 tới Vũ Hán vào tháng 10/2019 nhằm đáp trả những nghi vấn rằng virus này bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm Trung Quốc. Ngay lập tức, động thái này đã bị Mỹ phản ứng dữ dội và ông Triệu bị cáo buộc phát tán thông tin sai lệch.

Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì, một trong những nhà ngoại giao cấp cao nhất của Bắc Kinh, gần đây dường như cũng áp dụng "ngoại giao chiến lang".

Trong cuộc gặp tháng trước với các phái đoàn Mỹ ở Alaska, ông Dương đã dùng từ ngữ mạnh mẽ để đáp trả lại bài phát biểu chỉ trích Bắc Kinh của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken.

Tính toán của Trung Quốc

Bị phương Tây bủa vây, đội chiến lang Trung Quốc hung hăng đáp trả - 3

Cuộc họp giữa phái đoàn Mỹ và Trung Quốc tại Alaska (Ảnh: AFP).

Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc dường như có mục tiêu rõ ràng trong việc sử dụng "ngoại giao chiến lang". Fang Kecheng, chuyên gia tại Đại học Trung văn Hương Cảng (Hong Kong), nhận định rằng chiến thuật "chiến lang" dường như để phục vụ cho công chúng trong nước nhiều hơn. "Tôi không nghĩ nó có hiệu quả trong việc xây dựng hình ảnh của Trung Quốc, vì nó mang tính đối đầu không cần thiết", ông Fang nói.

Trên thực tế, các thông điệp quảng bá rằng Trung Quốc dường như bị phương Tây "bắt nạt" đã thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ từ người dân và thúc đẩy tinh thần đồng cảm dân tộc.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, sự cứng rắn của Trung Quốc có thể liên quan tới sự trỗi dậy của họ trong những năm gần đây sau 120 năm chờ đợi.

"Trung Quốc bây giờ không phải là Trung Quốc của 120 năm trước. Người Trung Quốc không dễ nổi nóng, nhưng nếu đã nổi nóng, họ rất khó kiểm soát", phát ngôn viên Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu trong buổi họp báo ngày 24/3 khi yêu cầu liên minh tình báo Ngũ Nhãn (gồm Australia, Canada, New Zealand, Anh và Mỹ) dừng can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.

Sự cứng rắn của Trung Quốc thông qua những phát ngôn hay cuộc "khẩu chiến" trong cuộc họp cấp cao ở Alaska có thể được xem là thể hiện cho vị thế của Trung Quốc đã khác xưa.