1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung - Nga xích lại gần nhau hơn sau thượng đỉnh Biden - Putin

Thanh Thành

(Dân trí) - Chỉ trong một tháng, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm trực tuyến 2 lần và đều ca ngợi mối quan hệ song phương phát triển chặt chẽ hơn.

Trung - Nga xích lại gần nhau hơn sau thượng đỉnh Biden - Putin - 1

Hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Vladimir Putin đã 2 lần hội đàm trực tuyến chỉ trong một tháng (Ảnh: Reuters).

Chỉ vài tuần sau khi các nhà lãnh đạo Nga và Mỹ gặp nhau ở Geneva (Thụy Sĩ), một cuộc gặp được đánh giá là một phần trong nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ với Nga của Tổng thống Joe Biden, Bắc Kinh và Moscow đã củng cố quan hệ bằng cách gia hạn Hiệp ước hữu nghị 20 năm.

Hôm 28/6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp trực tuyến lần thứ hai chỉ trong tháng này, trong đó cả hai đã nhất trí gia hạn Hiệp ước láng giềng tốt và hợp tác thân thiện.

Đây chính là hiệp ước mà Tổng thống Putin đã ký tại Điện Kremlin với cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân vào tháng 7/2001. Hiệp ước này sẽ hết hạn vào tháng tới.

Theo Tân Hoa Xã, ông Tập hết lời ca ngợi mối quan hệ Trung - Nga là một "ví dụ điển hình của kiểu quan hệ quốc tế mới", mang lại "năng lượng tích cực" cho thế giới. Ông nói rằng, việc gia hạn hiệp ước là một "thực tiễn sống động trong tiến trình xây dựng một kiểu quan hệ quốc tế mới và một cộng đồng vận mệnh chung cho nhân loại". "Tôi tin rằng với Hiệp ước này, cho dù phải vượt qua bao nhiêu trở ngại trên con đường phía trước, Trung- Nga sẽ tiếp tục đoàn kết nỗ lực và quyết tâm tiến lên", ông Tập nói.

Theo hãng thông tấn TASS, trong cuộc điện đàm ngày 28/6, ông chủ Điện Kremlin nói rằng, quan hệ Nga - Trung đang ở "điểm cao nhất". "Hiện tại, theo nội dung và tinh thần của hiệp ước, chúng tôi đã nỗ lực đưa quan hệ Nga - Trung lên mức cao chưa từng có, để hiệp ước này trở thành một ví dụ điển hình về hợp tác liên chính phủ trong thế kỷ 21", ông Putin nói.

Cuộc điện đàm giữa ông Tập và ông Putin diễn ra sau Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Geneva ngày 16/6. Cả hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ nhất trí bắt đầu đối thoại về kiểm soát vũ khí hạt nhân và đưa các đại sứ trở lại thủ đô của nhau. Tuy nhiên, có ít tiến bộ cụ thể về các vấn đề khác như an ninh mạng, Ukraine hay nhân quyền. Moscow và Bắc Kinh đã thiết lập hàng loạt cơ chế và dự án hợp tác chiến lược theo hiệp ước năm 2001, đặc biệt là trong những năm gần đây khi mối quan hệ với Washington xấu đi đáng kể.

Theo phó giáo sư Artyom Lukin tại Đại học Liên bang Viễn Đông của Nga, Moscow xích lại gần Bắc Kinh từ năm 1996 với "quan hệ đối tác chiến lược" nhằm chống lại sự thống trị toàn cầu của Mỹ, một xu hướng càng rõ ràng hơn kể từ khi quan hệ Nga - phương Tây rơi xuống mức thấp nhất do vấn đề Ukraine và các vấn đề khác vào năm 2014.

Trong cuộc điện đàm hôm 28/6, ông Putin cũng gửi lời chúc mừng nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc, đài truyền hình nhà nước CCTV đưa tin. Ông Tập và ông Putin cũng bày tỏ lo ngại về việc quân đội Mỹ và NATO tăng tốc rút khỏi Afghanistan, cho rằng động thái này sẽ khiến tình hình an ninh ở quốc gia Nam Á này càng phức tạp và nghiêm trọng hơn.

Giới quan sát cho rằng, nếu Mỹ tiếp tục chính sách "ngăn chặn kép" thì sẽ không thể nói trước được liên minh Bắc Kinh - Moscow có thể phát triển sâu rộng như thế nào. Nhưng chuyên gia của Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga Danil Bochkov cũng lưu ý có một số rạn nứt nhỏ trong mối quan hệ, chẳng hạn như các hoạt động của Trung Quốc ở Trung Á thông qua Sáng kiến Vành đai, con đường và cả tham vọng ở Bắc Cực.

"Điểm mấu chốt là Trung Quốc và Nga đang xích lại gần nhau hơn, nhưng theo thời gian, điều đó có thể thay đổi, vì Bắc Kinh đang dần thu hẹp khoảng cách với Moscow trong nhiều lĩnh vực mà Nga vẫn luôn thống trị", chuyên gia này nói.