1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trump và sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ

Đến hôm nay, ứng cử viên Tổng thống Donald Trump không còn được nhìn nhận như một hiện tượng kỳ quặc trong mùa bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, mà đã trở thành chỉ dấu dẫn tới hàng loạt câu hỏi nghiên cứu trong giới quan sát chính trị nội bộ Mỹ.

Khủng hoảng nhân sự đảng Cộng hòa

Sự xuất hiện của Donald Trump và từng nấc thang chiến thắng mà ứng viên này chinh phục trong mùa bầu cử sơ bộ, dần loại bỏ khỏi đường đua những đối thủ là những chính trị gia kỳ cựu, những ứng viên được “chọn mặt gửi vàng” của đảng Cộng hòa, đã làm dấy lên không ít ngờ vực về tình cảnh túng thiếu nhân sự lãnh đạo nghiêm trọng mà đảng Cộng hòa đang lâm vào.

Những câu hỏi về tình trạng khủng hoảng nhân sự trong đảng Cộng hòa không phải là không đáng nghi ngại, khi lần lượt những cái tên sáng giá như cựu Thống đốc bang Texas Rick Perry, cựu Thống đốc bang Louisiana Bobby Jidal và ngay cả “người được chọn” - cựu Thống đốc bang Florida Jeb Bush, đều nhanh chóng bị loại khỏi cuộc đua.

Dù kinh nghiệm thực tế chính trường của Thượng nghị sỹ bang Florida Marco Rubio được xem là già dặn hơn Trump, song trong cuộc đua giành vé ứng viên của đảng, “ngôi sao đang lên” lại tỏ ra thiếu kinh nghiệm khi cố gắng “tự họa” hình ảnh một chính trị gia hoàn hảo và rồi ông bị Trump miêu tả là một Rubio "bé nhỏ” và “non trẻ” trước công chúng.

Trong khi đó, Thượng nghị sỹ bang Texas Ted Cruz vốn đã không được nhiều người yêu mến thì tên tuổi lại bị chính đối thủ Donald Trump bôi nhọ bằng biệt danh “Ted dối trá”.

Trump và sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ - 1

Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa, diễn ra trong 4 ngày 19-22/7 tại Cleveland, bang Ohio. (Nguồn: Fox)

Câu chuyện có chăng chỉ dừng ở những đồn đoán về khoảng trống lãnh đạo trong nội bộ đảng Cộng hòa, nếu như sau khi tất cả những chính trị gia dày dạn kinh nghiệm chính trường bị “một kẻ ngoại đạo” như Trump hất cẳng khỏi cuộc đua, nhóm lãnh đạo đảng ngồi lại, đưa ra một chiến lược thống nhất và được tính toán kỹ lưỡng để hỗ trợ Trump, hướng tới mục tiêu củng cố lại sự đoàn kết trong đảng.

Gạt bỏ những bất đồng và chia rẽ nội bộ sẽ là bước đi khôn ngoan của đảng Cộng hòa để chuẩn bị cho chặng đua nước rút cam go với đảng Dân chủ. Tuy nhiên, không khí trong 4 ngày diễn ra Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa tại nhà thi đấu Quicken Loans Arena ở thành phố Cleveland (bang Ohio) lại cho thấy hoàn cảnh ngược lại, thể hiện sự chia rẽ sâu sắc ngay trong chính nội bộ đảng này.

Thực vậy, những gì được trình diễn ở Đại hội đảng Cộng hòa cho thấy, tình trạng khủng hoảng đang diễn ra trong đảng Cộng hòa không đơn thuần trên khía cạnh thiếu hụt nhân sự lãnh đạo, mà còn là tình trạng tê liệt do những chia rẽ về quan điểm chính trị và giá trị truyền thống mà đảng này đại diện, cũng như những bất đồng về đường hướng lãnh đạo nước Mỹ trong tương lai.

Sự chia rẽ trong đảng Cộng hòa không còn diễn ra âm thầm giữa những thành viên trong nhóm tinh hoa lãnh đạo đảng. Giờ đây, với việc tỷ phú Trump giành được sự ủng hộ của đa số cử tri của đảng bất chấp mọi nỗ lực cản phá của nhóm lãnh đạo truyền thống, sự chia rẽ trong đảng đã bộc lộ rõ nét hơn, đó là sự bất đồng giữa giới tinh hoa bảo thủ với đại đa số cử tri.

Chiến lược của Trump

Nghịch lý xảy ra khi ông Trump thu hút được sự ủng hộ của đa số cử tri phổ thông trong đảng nhưng lại làm mất lòng giới lãnh đạo truyền thống. Nguyên nhân giải thích cho thực trạng này chính là việc những quan điểm chính sách của ông Trump dường như “trái khoáy” và đi ngược hoàn toàn với quan điểm mà giới lãnh đạo đảng Cộng hòa vẫn kêu gọi.

Về kinh tế, trong khi đảng Cộng hòa vốn ủng hộ thương mại tự do thì ông Trump lại tuyên bố sẽ xóa bỏ Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và thẳng thừng yêu cầu đàm phán lại Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Chính quyền Obama vừa ký kết với 11 đối tác Thái Bình Dương và vẫn đang đấu tranh để Quốc hội Mỹ sớm thông qua.

Về đối ngoại, điều khiến những “cây đa, cây đề” trong lĩnh vực này bên đảng Cộng hòa như cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Richard Armitage hay cựu quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ Paul Wolfowitz “muộn phiền” về tỷ phú Trump chính là thái độ "ngưỡng mộ thái quá" của ông dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và xu hướng gần gũi Nga, trong khi có những phát biểu rời xa các đồng minh truyền thống trong NATO hay “mỏ neo” tại châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Trump và sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ - 2

Ông Trump được cho là có thái độ "ngưỡng mộ thái quá" đối với Tổng thống Nga V. Putin. (Nguồn: BBC)

Việc nhóm lãnh đạo truyền thống tỏ ra thờ ơ, thậm chí chỉ trích gay gắt tỷ phú Trump ở giai đoạn tranh cử, dường như đã dẫn tới tác dụng ngoài mong muốn của nhóm này: nhóm cử tri nam da trắng, thuộc tầng lớp lao động phổ thông và trình độ học vấn thấp - vốn là bộ phận tạo nên “nền tảng” của đảng Cộng hòa, trở nên quan tâm hơn tới chính trị và tham gia bỏ phiếu để thể hiện tiếng nói.

Thực vậy, đảng Cộng hòa năm nay đã lập được dấu mốc mới khi thu hút được 13,4 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu ở vòng bầu cử sơ bộ, vượt hơn 1,2 triệu cử tri so với năm 2000 và vượt xa 9,6 triệu cử tri của năm 2008 và 10 triệu cử tri năm 2012. Điều không thể chối cãi là nhờ sức hút của tỷ phú Trump, số lượng cử tri Cộng hòa tham gia bỏ phiếu ở vòng sơ bộ năm nay đã đạt mức kỷ lục.

Lý giải về sức hút của Trump, đa số các phương tiện truyền thông đều cho rằng, vị tỷ phú này thu hút được sự chú ý của dư luận nhờ áp dụng những chiêu trò hút khách tích lũy được từ thời gian tham gia các chương trình giải trí thực tế, mà không phải tiêu tốn lượng tài chính khổng lồ dành cho hoạt động quảng cáo hay điều tra dư luận như các ứng viên khác.

Tuy nhiên, nếu xem xét lại những phát ngôn của ông Trump và bóc tách yếu tố “bạo miệng”, “gây sốc” để thu hút sự chú ý thì có thể thấy, vị tỷ phú này đang cố gắng gửi đi thông điệp về sự thấu hiểu mối lo lắng hàng ngày của một số lượng lớn cử tri lao động phổ thông của đảng Cộng hòa, vốn luôn cảm thấy bất an trước thách thức cạnh tranh về công ăn việc làm đến từ nhóm người nhập cư có trình độ học vấn thấp.

Qua đó, ông cũng muốn truyền đi quan điểm chính sách rõ ràng trên những vấn đề mà đại bộ phận cử tri phổ thông của đảng Cộng hòa quan ngại, đặc biệt là vấn đề nhập cư và thương mại ảnh hưởng tới việc làm.

“Con sóng ngầm” nguy hiểm

Khi thực trạng bất đồng giữa nhóm lãnh đạo truyền thống với đa số cử tri được bộc lộ qua hiện tượng Trump, việc ông Trump thành công hay thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng không còn mang ý nghĩa quá quan trọng và cấp bách đối với đảng Cộng hòa lúc này.

Hiện tượng này thực tế đã đặt ra cho ban lãnh đạo đảng Cộng hòa trách nhiệm phải điểu chỉnh và đổi mới để tiếp tục duy trì sự thống nhất trong đảng, hài hòa quan tâm và lợi ích giữa tầng lớp “chóp bu” với nhóm cử tri “nền tảng” của đảng, bảo đảm sự tồn vong của đảng Cộng hòa trước nguy cơ chia tách do sự khác biệt về đường hướng cần theo đuổi.

Trong khi cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn còn phải chờ 1 tuần nữa mới ngã ngũ, song hiện tượng Trump không còn đơn thuần là chỉ dấu báo hiệu sự rạn nứt trong đảng Cộng hòa mà còn là một “con sóng ngầm” về sự chia rẽ sâu sắc trong lòng nước Mỹ.

“Con sóng ngầm” được hình thành từ sự bất an của nhóm cử tri da trắng, những người mang trong mình mối lo lắng không thể cạnh tranh với những người nhập cư đang ngày càng trở thành một lực lượng không nhỏ có đủ điều kiện lên tiếng và tham gia vào chính trường Mỹ.

Trump và sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ - 3

Một người gốc Latin giương biểu ngữ ủng hộ ông Trump. (Nguồn: Politico)

Những lo lắng này không phải là thiếu cơ sở khi xuất hiện xu hướng tái phân bổ tỷ lệ sắc tộc trong cơ cấu cử tri, trong bối cảnh khoảng cách giàu nghèo và nhiều vấn đề xã hội không có tiến triển, dẫn tới tình trạng mâu thuẫn trong lòng xã hội Mỹ trở nên gay gắt hơn giữa một bên là nhóm cử tri da trắng (ủng hộ các quan điểm truyền thống, bảo thủ...) và một bên là nhóm cử tri da màu và gốc Latin (ủng hộ các quan điểm tự do, đòi hỏi bình đẳng...)

Một nghiên cứu của Trung tâm Pew đã cho thấy sự chuyển dịch sắc tộc trong cơ cấu cử tri, khi nhóm cử tri da trắng giảm dần đều từ 78% (2000), 75% (2004), 73% (2008), 71% (2012) và còn 69% (2016), trong khi nhóm cử tri gốc Latin lại tăng dần từ 7% (2000) lên 12% (2016).

Nếu vị tổng thống tiếp theo của nước Mỹ là bà Hillary Clinton, công việc của bà trên cương vị mới chắc chắn sẽ khó khăn hơn ông chủ Nhà Trắng hiện nay trong việc xử lý vấn đề chia rẽ sắc tộc. Trong trường hợp ông Trump giành chiến thắng, đây sẽ là hiện tượng đánh dấu sự thay đổi căn bản trong nền chính trị Mỹ với những quan điểm mà ông đại diện trong suốt quãng đường chạy đua vào Nhà Trắng.

Kịch bản này không chỉ là bước ngoặt đáng kể trong đường lối của đảng Cộng hòa mà còn khiến đảng Dân chủ phải suy nghĩ nghiêm túc hơn về chiến lược mà đảng này bấy lâu nay vẫn thay đổi khi chỉ tập trung vào các nhóm thiểu số (da màu, nhóm nhập cư Latin, nữ giới...) và bỏ qua nhóm lao động phổ thông da trắng.

Theo NCS.

Thế giới và Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm