Trực thăng Trung Quốc do thám chiến hạm Mỹ gần đá Vành Khăn
(Dân trí) - Trong lúc hướng về đá Vành Khăn hôm 23/3, bầu không khí trên chiến hạm USS Chancellorsville của Mỹ đã trở nên căng thẳng, khi một trực thăng xuất phát từ chiến hạm Trung Quốc bay thẳng tới mà không trả lời liên lạc qua bộ đàm.
Bầu không khí căng thẳng khi cuộc chạm trán diễn ra trên Biển Đông đã được phóng viên của tờ New York Times có mặt trên tàu USS Chancellorsville ghi lại.
Chiếc tuần dương hạm của Hải quân Mỹ khi đó đang ở vùng biển có tranh chấp trong khu vực quần đảo Trường Sa thì một cảnh báo vang lên trên hệ thống điện đàm yêu cầu đội trinh sát trên tàu vào vị trí.
Khi các thủy thủ nhận cảnh báo và vào vị trí quan sát trên khắp con tàu, một tàu hộ vệ của hải quân Trung Quốc xuất hiện ở phía xa, di chuyển cùng hướng với USS Chancellorsville từ hướng đá Vành Khăn. Một chiếc trực thăng cất cánh từ chiếc tàu hộ vệ và hướng thẳng về chiến hạm Mỹ.
“Đây là chiến hạm Hải quân Mỹ đang đi tuần”, thủy thủ Ensign Anthony Giancana nói qua điện đàm, cố gắng liên lạc với chiếc trực thăng. “Hãy chuyển sang tần số 121.5 hoặc 243”. Vậy nhưng không hề có phản hồi nào.
Bầu không khí căng thẳng cứ tăng dần khi chiếc trực thăng Trung Quốc từ chối trả lời, cứ bay lượn vòng trước khi quay trở lại chiếc tàu hộ vệ, trong lúc tàu này tiếp tục hướng về phía tàu Mỹ. Ở phía mũi, thuyền trưởng Curt A. Renshaw đã bỏ luôn thói quen tắm đầu giờ sáng, để chạy lên đài chỉ huy hội ý với các sỹ quan.
Ngày hôm trước, ông Renshaw đã cảnh báo toàn bộ thủy thủ đoàn qua điện đàm rằng, Chancellorsville sẽ di chuyển qua vùng biểnquanh quần đảo Trường Sa, và yêu cầu họ sẵn sàng, cảnh giác trước khả năng có rắc rối. Ông Renshaw đã chuẩn bị trước cho khả năng tàu Trung Quốc xuất hiện, bởi những tháng gần đây, các tàu chiến Mỹ di chuyển qua Biển Đông đều bị tàu Trung Quốc bám đuôi như hình với bóng.
Trên một bục gần ghế của thuyền trưởng, cuốn sách “Jane’s Fighting Ships”, tổng hợp thông tin các loại chiến hạm, được mở tới trang 144, có ghi dòng chữ “Tàu hộ vệ Trung Quốc”.
Cuối cùng, khi chiếc tàu hộ vệ Trung Quốc chỉ còn cách 10km, và có thể thấy rõ bằng mắt thường, điện đàm liên lạc trên USS Chancellorsville mới vang lên: “Chiến hạm Hải quân Mỹ 62...Đây là chiến hạm Trung Quốc 575”.
Và từ đây bắt đầu những trao đổi mang tính ngoại giao.
“Đây là Chiến hạm Mỹ 62. Xin chào quý vị. Hôm nay quả là một ngày dễ chịu trên biển. Hết”.
Không có phản hồi nào.
Thuyền trưởng Renshaw quay sang thủy thủ Ensign Li, một trong vài người có thể nói tiếng Trung. “Anh lên đi”, ông Renshaw nói. “Họ không thể giả vờ không biết tiếng Trung”.
“Chiến hạm Trung Quốc 575, đây là chiến hạm Mỹ 62”, Ensign Li nói bằng tiếng Trung. “Hôm nay là một ngày nắng đẹp để đi biển, hết”.
Thêm vài phút trôi qua trong im lặng. Ensign Anthony Giancana, một sỹ quan trên khoang tỏ ra sốt ruột.
Đột nhiên, điện đàm lại vang lên khi phía tàu Trung Quốc phản hồi. “Chiến hạm Mỹ 62. Đây là chiến hạm Trung Quốc 575. Thời tiết hôm nay thật tuyệt. Rất vui khi gặp quý vị trên biển”. Ensign Li đáp lại: “Đây là chiến hạm Mỹ 62. Thời tiết quả là rất tuyệt. Chúng tôi cũng vui khi gặp quý vị trên biển, hết”.
Sau màn chào hỏi, tàu Trung Quốc chuyển sang hỏi bằng tiếng Anh: “Quý vị đã rời khỏi cảng chính được bao lâu? Hết”. Thuyền trưởng Renshaw lập tức lắc đầu. “Không, chúng ta sẽ không trả lời. Tôi không bao giờ hỏi họ câu đó”.
Ensign Giancana đưa điện đàm lên. “Chiến hạm Trung Quốc 575, đây là chiến hạm Hải quân Mỹ 62. Chúng tôi không nói về lịch trình của mình. Nhưng chúng tôi đang tận hưởng thời gian trên biển, hết”.
Và các cuộc đối thoại cứ vậy tiếp diễn giữa hai chiến hạm, tất cả đều chất đầy tên lửa, ngư lôi cùng pháo hạng nặng, hỏi thăm nhau về thời tiết dễ chịu trên biển. Để thử xem tàu Trung Quốc có đeo bám không, tàu Chancellorsville bẻ lái, và các sỹ quan trên tàu đứng nghe ngóng.
Một sỹ quan cấp dưới của thuyền trưởng Renshaw hô lên: “Báo cáo, họ vừa chuyển hướng”. Và từ đây Chancellorsville chính thức bị bám đuôi.
Tàu Trung Quốc sau đó còn hỏi Chancellorsville dự định lưu lại bao lâu trên Biển Đông. Nhưng câu hỏi không được trả lời, bởi nếu làm vậy có nghĩa là thừa nhận tàu Trung Quốc có quyền được biết về lịch trình của Chancellorsville, thuyền trưởng Renshaw lý giải.
Sự việc xảy ra hôm thứ Ba. Sang hôm sau, chiếc tàu hộ vệ Trung Quốc được thay thế bằng một khu trục hạm. Tàu này tiếp tục đeo bám thuyền trưởng Renshaw và thủy thủ đoàn cho tới nửa đêm thứ Năm, khi chiếc tàu Mỹ ra khỏi Biển Đông.
Mục tiêu của Mỹ lâu nay là nhằm đảm bảo Biển Đông, khu vực với những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, mở cửa cho tất cả các bên. Nhưng Washington ngày càng lo ngại rằng, căng thẳng sẽ chỉ xấu đi một khi tòa án tại Hà Lan đưa ra phán quyết trong những tháng tới, về vụ kiện của Philippines, cáo buộc Trung Quốc có những tuyên bố chủ quyền “quá đáng” với hầu hết Biển Đông.
Hai tuần trước tại Lầu Năm Góc, chỉ một ngày trước cuộc họp của Tổng thống Obama với các cố vấn an ninh quốc gia, để thảo luận về sự bành trướng của Trung Quốc trên Thái Bình Dương, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ tướng Joseph F. Dunford Jr. đã trao đổi với đô đốc Harry B. Harris Jr., tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ.
Một phóng viên có mặt tại đây đã vô tình nghe được câu hỏi của ông Dunford. “Anh sẽ tham chiến vì bãi cạn Scarborough à?”, vị Chủ tịch Tham mưu trưởng liên quân hỏi Đô đốc Harris. Dù vậy không rõ sau đó vị tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương trả lời ra sao.
Cả Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đều nói không muốn xảy ra chiến tranh với Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng Washington cũng không để Trung Quốc chiếm Biển Đông, điều mà giới chức Washington đang lo ngại sẽ xảy ra nếu Bắc Kinh tiếp tục hành xử như hiện nay..
Giám đốc tình báo quốc gia James R. Clapper hồi tháng trước từng khẳng định trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện rằng, sang đầu năm 2017, Trung Quốc “sẽ có được năng lực đáng kể để triển khai sức mạnh quân sự lớn tới khu vực này”.
Thanh Tùng
Theo NY Times