1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Trông đợi Thủ tướng Việt Nam nói về Biển Đông"

Hôm nay (31/5), Đối thoại Shangri La diễn ra tại Singapore quy tụ quan chức và nhà nghiên cứu an ninh hàng đầu thế giới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài diễn văn khai mạc dự kiến vào tối nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị COP 2, sáng 30/5. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị COP 2, sáng 30/5. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Ông Murray Hiebert, Phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington DC (Mỹ) đã trao đổi với Tiền Phong về tình hình an ninh khu vực. Ông bày tỏ: "Tôi trông đợi Thủ tướng Việt Nam nói về biển Đông, kêu gọi có giải pháp giải quyết tranh chấp".

Ganh đua đánh cá có thể tạo ra sự cố

Ông đánh giá thế nào về tình hình biển Đông gần đây?

Nhìn chung, tôi cho là số lượng các sự vụ ở biển Đông đã giảm một phần nào đó trong năm qua, so với những năm gần đây. Có lẽ bởi Trung Quốc đang chú tâm vào tranh chấp ở biển Hoa Đông với Nhật Bản.

Tất nhiên những rắc rối như lệnh cấm đánh bắt cá vẫn tiếp tục, đặc biệt là ganh đua trong đánh bắt cá có vẻ như tăng lên trong khu vực.

Cho đến giờ, dư luận vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ đến Shangri La thế nào. Ông có thông tin gì không?

Tôi từng nghe họ sẽ không cử lãnh đạo cấp cao đến, nhưng tôi cũng không biết họ có cử ai đó ở cấp thấp hơn đến không.

Tại Đối thoại năm nay, tôi trông đợi các bên tham dự bày tỏ mối quan ngại về biển Đông và khả năng xảy ra sự cố sơ suất (inadvertent accident) do ganh đua về phát triển nghề cá cũng như dầu khí. Tôi trông đợi các nước sẽ tiếp tục kêu gọi đảm bảo tự do hàng hải, giải quyết hòa bình tranh chấp và thúc giục đàm phán về COC giữa Trung Quốc và ASEAN.

Trung Quốc liên tục gây hấn trên Biển Đông.

Trung Quốc liên tục gây hấn trên Biển Đông.

Mỹ - Ấn không 'giảm tông' về Biển Đông

Vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đến Ấn Độ (từ ngày 19-22.5), bàn về xây dựng niềm tin. Và dự kiến từ 7-8/6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp gỡ Tổng thống Mỹ Barack Obama. Theo ông mục đích của Trung Quốc là gì?

Tôi nghĩ Thủ tướng Trung Quốc đến Ấn Độ có nhiều việc phải làm cho quan hệ song phương. Đó là nỗ lực của các nhà lãnh đạo hai nước lớn nhất châu Á thiết lập mối quan hệ hợp tác (working relationship).

Mục đích này cũng giống như trong chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình đầu tháng 6. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên từ khi ông Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch Trung Quốc. Họ sẽ cố gắng thiết lập một mối quan hệ hợp tác (working relationship). Vấn đề biển Đông có thể sẽ được đề cập, nhưng tâm điểm các cuộc thảo luận chắc chắn là vấn đề Triều Tiên, an ninh mạng và kinh tế toàn cầu.

Liệu Mỹ và Ấn Độ có thay đổi chút ít về quan điểm ở biển Đông không? trong khi đang tăng cường quan hệ với Trung Quốc?

Không, tôi không nghĩ Ấn Độ và Mỹ sẽ “giảm tông” quan điểm của họ về biển Đông để khiến Trung Quốc đồng ý hợp tác trong các lĩnh vực khác. Tự do hàng hải là điều then chốt đối với cả Mỹ và Ấn Độ. Họ không muốn giảm bớt chút nào trong “cách một tranh chấp có thể được giải quyết”, để làm ví dụ cho những xung đột hàng hải khác trong tương lai.

Đề cập tới COC, ông thấy tiến độ ra sao?

Tôi lạc quan là Trung Quốc và ASEAN sẽ gặp gỡ để thảo luận COC năm nay, nhưng tôi không lạc quan nó sẽ được hoàn thành trong năm 2013. Nó vẫn sẽ mất thời gian, giống như mất nhiều năm để hoàn thành “các nguyên tắc thực hiện DOC” (sau gần 10 năm đàm phán, ký hồi 2011 tại Bali –PV).

Các nước có liên quan cần thể hiện quan điểm gì ở Shangri La thưa ông?

Tất nhiên tôi trông đợi Thủ tướng Việt Nam nói về biển Đông, kêu gọi có giải pháp giải quyết tranh chấp. Và có thể thúc đẩy việc nhanh chóng hoàn thành COC giữa ASEAN và Trung Quốc. Tôi dự đoán Thủ tướng Việt Nam cũng sẽ có cuộc gặp song phương, trong đó có tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel.

Ông Murray Hiebert nhận định: Ngoài thảo luận về COC, các nước có yêu sách ở biển Đông chưa có nhiều tiến triển trong tìm kiếm phương cách, để khiến Trung Quốc tham gia vào đàm phán giải quyết tranh chấp. Trung Quốc vẫn giữ quan điểm về đàm phán song phương với từng nước hơn là đa phương.

Ông Murray Hiebert.
Ông Murray Hiebert.

Philippines đã đi một nước cờ mới là yêu cầu Tòa án LHQ ra phán quyết về đường 9 đoạn của Trung Quốc, đồng thời hướng dẫn về những vùng đất nào là đảo, mà có thể tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế. Điều này khiến Trung Quốc buồn bực và đã từ chối hợp tác, nhưng Bắc Kinh có thể sẽ cảm thấy áp lực ngoại giao đáng kể nếu Tòa án có phán quyết chống lại Trung Quốc. Có thể Việt Nam nên cân nhắc việc tự mình kiện Trung Quốc theo Công ước Luật biển năm 1982 của LHQ (UNCLOS) hoặc tham gia cùng Philippines.

Xin cảm ơn ông!
Theo Phương Anh
Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm