1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói gì về biển Đông, Trung Quốc?

Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu nội dung lược dịch bài phỏng vấn Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel, phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, đăng trên tờ The Diplomat, xung quanh các vấn đề: chính sách tái cân bằng của Mỹ tại châu Á, biển Đông, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái bình Dương (TPP) và quan hệ Mỹ - Trung.

The Diplomat: Từ quan điểm của nước Mỹ thì đâu là những mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh tại châu Á – Thái Bình Dương?

Ông Daniel Russel. (Ảnh:
Ông Daniel Russel. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ)

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Russel: Mỗi khu vực lại phải đối diện với các mối đe dọa về an ninh của riêng nó, và chúng ta không thể tự mãn.

Bất kỳ quốc gia nào trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương không tuân thủ theo luật pháp và các quy tắc do hệ thống quốc tế lập nên đều gây nên mối lo ngại. 

Về vấn đề biển Đông, các tranh chấp về hàng hải và lãnh thổ đang gây nên căng thẳng. Vì những tranh chấp này vô cùng phức tạp, nên các quốc gia phải có rất nhiều biện pháp ngoại giao và pháp lý cần thiết để giải quyết.

Nước Mỹ không có tuyên bố chủ quyền tại đây, nhưng chúng tôi quan tâm sâu sắc tới việc các tuyên bố này được theo đuổi như thế nào. Chúng tôi ủng hộ các quốc gia nêu rõ các tuyên bố chủ quyền của họ và các nền tảng cho tuyên bố đó phù hợp với Công ước luật biển của LHQ. Chúng tôi ủng hộ quyền của các quốc gia đưa vụ việc ra tòa án quốc tế, chẳng hạn như Philippines đã làm trong vụ tranh chấp với Trung Quốc theo Công ước Luật biển, mặc dù chúng tôi không ủng hộ quan điểm của bên này để chống lại bên kia. Và chúng tôi phản đối việc bên nào có tuyên bố chủ quyền cưỡng ép hay đe dọa hay sử dụng vũ lực khi giải quyết tranh chấp.

Chúng tôi phản đối hành động của bất kỳ bên nào khiến tranh chấp thêm phức tạp hoặc leo thang và gây tác động tiêu cực tới hòa bình, ổn định trong khu vực. Những hành động cải tạo đảo hoặc quân sự hóa các tiền đồn trong tranh chấp đều gây ra tác động tiêu cực, và đi ngược lại Tuyên bố về quy tắc ứng xử DOC mà Trung Quốc và các quốc gia ASEAN đã ký năm 2002.

Trong thông điệp Liên bang, Tổng thống Obama kêu gọi Mỹ nên “soạn thảo luật” cho thương mại tại châu Á – Thái Bình Dương. Vậy thì Đối tác Xuyên Thái bình Dương (TPP) đã thể hiện tầm nhìn của Mỹ về thương mại tại châu Á – Thái bình Dương như thế nào? Quan điểm của Mỹ ra sao về các khối thương mại khu vực khác đang được đề xuất (từ Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP cho tới Khu vực Tự do thương mại châu Á – Thái Bình Dương)?

Để hiểu tầm nhìn của Tổng thống Obama, hãy bắt đầu bằng câu hỏi lớn hơn: Làm thế nào để chúng ta đảm bảo rằng châu Á – TBD sẽ được xây dựng nên hệ thống cởi mở, minh bạch và trên cơ sở luật pháp từng là nền tảng cho các tiến bộ khổng lồ về kinh tế và xã hội như suốt 70 năm qua?

TPP chiếm phần rất lớn trong câu trả lời này, bởi vì đó còn hơn là một thỏa thuận thương mại mở cửa thị trường. Đó là một thỏa thuận về lao động, về môi trường, bảo vệ nền kinh tế cách tân, và là sự biểu thị nhất quán chính sách tái cân bằng của chúng tôi đối với châu Á - TBD. Đó bao gồm 40% GDP toàn cầu và 1/3 thương mại toàn cầu.

Tầm quan trọng chiến lược của thỏa thuận này rất lớn, vì nó đem lại cho các thành viên lựa chọn về kinh tế. TPP mở rộng tiếp cận thị trường và giúp các thành viên đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế. Cùng lúc, TPP là một nền tảng mở, điều đó có nghĩa là các nền kinh tế khác đáp ứng tiêu chuẩn cao và cơ chế thực thi nghiêm ngặt của TPP sẽ có thể gia nhập.  

Chúng tôi đang trong các giai đoạn đàm phán cuối cùng, và tôi hoàn toàn tin tưởng rằng lãnh đạo của 12 đối tác đang quyết tâm sớm đi đến chặng cuối vào năm nay.

Về phần cuối trong câu hỏi của báo, Mỹ đang mở rộng các nỗ lực để tăng cường thương mại, đầu tư, và mở cửa kinh tế. Các đề xuất như RCEP không loại trừ TPP, Cộng đồng Kinh tế ASEAN hoặc với hội nhập thêm nữa qua WTO. Nhưng, chúng tôi coi TPP là một hướng đi hứa hẹn cho một Khu vực Tự do Thương mại của CA-TBD và cách tiếp cận đó có khả năng đạt được các kết quả kinh tế quan trọng nhất.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ tư từ phải) họp với các vị khách trong lễ ra mắt AIIB tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, ngày 24/10

Mặc dù tái cân bằng bao gồm các thành phần kinh tế và ngoại giao quan trọng, nhưng còn có một khía cạnh quân sự không thể bác bỏ, khi Mỹ tìm cách củng cố các liên minh chính thức và quan hệ đối tác khu vực sâu sắc thêm. Từ quan điểm của Hoa Kỳ thì đâu là mục đích cuối cùng của khía cạnh quân sự trong việc tái cân bằng?

Việc tái cân bằng chiến lược của Tổng thống Obama bao gồm cả khía cạnh an ninh cũng như kinh tế, ngoại giao và các yếu tố dựa trên giá trị.

Để hiểu rõ nhất về sự hiện diện quân sự của chúng tôi thì cần nhìn vào bối cảnh rộng hơn của việc tái cân bằng. Chúng tôi có một “mục tiêu vẫn đang triển khai” chứ không phải là “mục tiêu cuối cùng” khi duy trì các mối quan hệ hữu hảo, đôi bên có lợi với một châu Á năng động, phồn vinh, hòa bình. Đây là một mối quan hệ “mới và bình thường” giữa Mỹ - châu Á, và tôi nghĩ rằng khu vực này cũng đang ngày càng nhận ra điều đó.

Mỹ có lợi ích quốc gia sống còn ở CA-TBD, nên chúng tôi chọn ở lại đây. TPP, cùng những chuyến thăm cấp cao gần như không ngớt, đầu tư kinh doanh ở các cấp độ không gì sánh bằng, các ngân sách viện trợ tăng, và sự hiện diện về an ninh của chúng tôi đã thể hiện cam kết lâu dài của Mỹ đối với châu Á.

Hồi tháng Tư tại Đại học Arizona, tân Bộ trưởng Quốc phòng của chúng tôi là Ash Carter đã có bài phát biểu về CA-TBD và cam kết của cá nhân nhân mà tôi rất muốn nói với độc giả. Trong đó, ông nói về “một giai đoạn kế tiếp của việc tái cân bằng” mà đối với quân đội của chúng tôi thì có bốn phần: thứ nhất là đầu tư vào các tiềm lực trong tương lai như các hệ thống vũ khí mới; thứ hai là phát triển một số hệ thống tối tân nhất hiện có, như tàu ngầm và máy bay trinh sát; thứ ba là điều chỉnh tư thế của chúng tôi để trải ra thậm chí rộng hơn trên khắp khu vực; và thứ tư là củng cố các liên minh và đối tác. 

Chúng tôi có các dự án xây dựng quan trọng để hiện đại hóa các cơ sở ở Hàn Quốc, Nhật Bản và các thỏa thuận luân chuyển lực lượng tại Philippines và Australia. Và chúng tôi đang trên đà để có thể đưa 60% lực lượng Hải quân đóng tại TBD vào năm 2020.

Một số nhà phân tích tin là Trung Quốc đang xây dựng nên một mạng lưới các thể chế khu vực để cạnh tranh và có thể thậm chí thay thế các phương án của Mỹ hiện nay. Vậy Washington diễn giải thế nào về các sáng kiến này của Mỹ? Liệu Mỹ và Trung Quốc có thể tránh một cuộc đua tranh chiến lược để giành quyền lãnh đạo trong khu vực?

Như Tổng thống Obama đã nhấn mạnh: một nước Trung Quốc ổn định và thịnh vượng đóng góp cho hệ thống tài chính quốc tế chính là lợi ích cho Mỹ. Trung Quốc tiến bộ thì Mỹ có lợi, và ngược lại.

Tôi nghĩ là vấn đề của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) đã được diễn giải như một kiểu trò chơi kéo co một mất một còn. Điều đó thật không may vì thực tế rất khác.

Tổng thống Obama nói về AIIB vào hôm 28/4, và tôi nghĩ là độc giả nên xem lại những gì ông ấy nói. Để tóm tắt ngắn gọn ở đây, tôi nêu ra 5 điểm chính:

Thứ nhất, châu Á cần hạ tầng.

Thứ hai, Trung Quốc có kho dự trữ ngoại tệ dồi dào, và việc họ muốn đầu tư khắp khu vực là tốt. Chúng tôi hoan nghênh điều này.

Thứ ba, mọi người và cộng đồng đều phải thực thi đúng đắn các dự án mà mọi thể chế, kể cả AIIB, đang xây dựng tại đó.

Các thể chế mới cần đáp ứng các tiêu chuẩn cao tương đương như những thể chế hiện có đang làm – các tiêu chuẩn và biện pháp bảo vệ có thể hỗ trợ phát triển bền vững bằng cách kiềm chế tham nhũng, ngăn hủy hoại môi trường, bảo vệ người lao động, và mọi quốc gia thành viên đều tham gia vào quá trình đưa ra quyết định.

Thứ tư, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ nếu AIIB đáp ứng các tiêu chuẩn đó. Bất kỳ ý kiến nào cho rằng Mỹ phản đối AIIB hay các quốc gia tham gia vào thể chế này đều là không đúng sự thật.

Khoảng chừng một năm trước, Trung Quốc và một số thành viên dự kiến của AIIB có nói rằng họ muốn AIIB thực hiện các thực tiễn quản trị lành mạnh và biện pháp bảo vệ môi trường và xã hội của những ngân hàng phát triển đa phương hiện có. Chúng tôi hy vọng rằng điều này sẽ mang tới các cam kết nhất quán như được ghi trong các tài liệu thành lập AIIB.

Và một khi điều đó thành hiện thực, thì tôi sẽ nói tới điểm thứ năm trong phát biểu của Tổng thống Obama, đó là chúng tôi mong muốn hợp tác với AIIB, đặc biệt là thông qua Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới.

Tóm lại, chúng tôi ủng hộ việc Trung Quốc đóng vai trò tích cực trong khu vực và toàn cầu – và chúng tôi cũng đang làm việc với Trung Quốc để giúp họ thực hiện điều đó. Trên khắp toàn cầu, chúng ta hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề quan trọng như chống cướp biển, gìn giữ hòa bình, các bệnh dịch, biến đổi khí hậu, và sẽ còn tiếp tục duy trì việc này. Chúng tôi sẽ xây dựng sự hợp tác trong các lĩnh vực đó, thậm chí kiểm soát các bất đồng một cách xây dựng. Chúng tôi tin là điều này mang lại hướng đi tốt nhất để phát triển một mối quan hệ hữu ích với Trung Quốc.

Theo Lê Thu/Diplomat
Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm