Nghị sỹ Mỹ đòi trừng phạt Trung Quốc vì hành động ở Biển Đông
Trong một bước đi phản ánh rõ mối lo ngại về hoạt động của Trung Quốc trong các vùng biển tranh chấp, ngày càng có nhiều nhà lập pháp của Mỹ đề nghị chính quyền Tổng thống Barack Obama có các biện pháp trừng phạt để ngăn chặn Bắc Kinh.
Hãng tin “Bloomberg” ngày 5/5 cho biết một số nhà lãnh đạo Quốc hội và giới quân sự Mỹ, trong đó có Thượng nghị sỹ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện, đã nhiều lần lên tiếng đề nghị chính quyền của Tổng thống Obama hủy lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới của Mỹ (RIMPAC-2016) ở vùng biển Thái Bình Dương ngoài khơi Honolulu vào mùa Hè năm 2016.
Các chính khách Mỹ lo ngại rằng với cách làm như hiện nay, trong đó có việc ráo riết bồi lấp các đảo nhỏ, xây dựng các tháp phòng không, thậm chí cả đường băng ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ chiếm cứ được vùng biển chiến lược này mà không cần phải phát động một cuộc chiến tranh. Như lời Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, các bức ảnh vệ tinh công bố hồi tháng 4 cho thấy trong năm qua, Trung Quốc đang xây dựng bức “Vạn lý trường thành cát” trên Thái Bình Dương.
Thượng nghị sỹ McCain phát biểu: “Tôi thiết nghĩ không nên mời Trung Quốc vì lối hành xử tệ hại của họ. Trong vài năm qua họ đã bồi lấp 30 hécta xung quanh các đảo và bãi đá ngầm, nhưng riêng trong năm qua họ đã bồi lấp hơn 300 hécta rồi xây dựng cả đường băng. Tôi không nghi ngờ gì về những tham vọng lãnh thổ của họ”. Ông McCain cho rằng chiến dịch xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông có thể dẫn tới việc Trung Quốc thiết lập một Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở vùng biển tranh chấp này như họ đã từng làm với vùng biển Hoa Đông năm 2013. Mỹ phản đối việc Bắc Kinh thiết lập ADIZ ở Hoa Đông. Tuy nhiên, ông McCain cho rằng Nhà Trắng cần làm nhiều hơn để ngăn chặn Trung Quốc thiết lập ADIZ thứ hai.
Năm 2014, Trung Quốc lần đầu tiên được mời tham gia cuộc diễn tập RIMPAC cùng 21 quốc gia, mang tới cuộc diễn tập này một bất ngờ lớn là một tàu trinh sát mà chủ nhà Mỹ không nghĩ tới và không hoan nghênh. Hiện nay, trong nội bộ chính quyền Mỹ có sự tranh cãi giữa hai phái khác nhau trong quan hệ với Trung Quốc. Một trường phái cho rằng Washington cần gia tăng hợp tác và can dự với Bắc Kinh, trong khi trường phái còn lại cho rằng nên giữ khoảng cách, nhất là giữa quân đội hai nước.
Tư lệnh các chiến dịch Hải quân, Đô đốc Jonathan Greenert, là người theo trường phái thứ nhất, có quan hệ làm việc gần gũi với Tư lệnh hải quân Trung Quốc, Đô đốc Wu Shengli. Năm ngoái, Đô đốc Greenert đã rất vội vã chấp nhận đề nghị của Bắc Kinh đưa một tàu sân bay Mỹ tới thăm và mở cửa cho các sỹ quan Trung Quốc lên thăm con tàu này. Tháng Hai vừa qua, Thượng nghị sỹ McCain viết thư cho Bộ trưởng Quốc phòng khi đó, ông Chuck Hagel, phản đối mạnh mẽ đề xuất trên đây của Trung Quốc.
Một tháng sau đó, khi lên giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng thay ông Chuck Hagel, ông Ashton Carter đã viết thư phúc đáp, cam kết với ông McCain rằng một chuyến thăm như vậy sẽ không xảy ra. Bức thư của ông Carter gửi ông McCain viết: “Xuất phát từ môi trường khu vực hiện nay và từ những tính toán cân nhắc về quân sự của Bộ Quốc phòng, như Ngài đề xuất, chuyến thăm của một tàu sân bay Mỹ tới Trung Quốc sẽ không có lợi cho các mục tiêu của chúng ta hiện nay”. Kể từ khi lên nắm chức người đứng đầu Lầu Năm Góc, ông Carter đã chú tâm nhiều hơn tới các vấn đề an ninh liên quan tới châu Á.
Một quan chức Mỹ cho biết Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng gần đây đã nói với quân chủng hải quân rằng họ không muốn Trung Quốc được mời tham gia RIMPAC-2016 vì các hành xử gần đây của nước này. Tuy nhiên, hải quân Mỹ, được sự hậu thuẫn của Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear, vẫn quyết định mời Trung Quốc tham gia cuộc diễn tập hải quân lớn nhất này. Một quan chức phụ trách các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương cho biết Nhà Trắng sẵn sàng hủy lời mời Trung Quốc tham gia RIMPAC và theo đuổi thái độ cứng rắn hơn với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông, nhưng chủ trương này cho tới nay vẫn chưa được quyết định vì vẫn còn nhiều tranh cãi.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Patrick Ventrell từ chối bình luận về việc mời Trung Quốc tham gia RIMPAC, nói rằng chính quyền Tổng thống Barack Obama “đang gia tăng hợp tác quân sự với Trung Quốc trong các vấn đề cứu trợ cứu nạn và hải tặc đồng thời với việc xây dựng lòng tin nhằm giảm thiểu các rủi ro và tính toán nhầm”.
Ông Patrick Cronin, người đứng đầu chương trình an ninh châu Á-Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mới cho nước Mỹ cho rằng Mỹ cần sử dụng các biện pháp ngoại giao để bắt Trung Quốc phải trả giá cho những hành xử xấu và tăng cường hợp tác với các quốc gia khác trong khu vực. Tuy nhiên, theo ông Cronin, cái giá Trung Quốc phải trả cho những hành động xấu không nhất thiết là loại bỏ nước này ra khỏi cuộc diễn tập RIMPAC vì mục tiêu của RIMPAC là thúc đẩy quan hệ hợp tác thực thi luật pháp, bảo vệ an toàn, tìm kiếm và cứu trợ nhân đạo.
Trái lại, ông Michael Austin, chuyên gia Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) thì cho rằng ngay cả trong trường hợp không có rủi ro về mặt an ninh khi mời Trung Quốc tham gia RIMPAC thì việc mời Bắc Kinh cũng là không nên.
Theo TTK/baotintuc.vn