Triều Tiên cảnh báo hành động được xem là lời tuyên chiến với Bình Nhưỡng
(Dân trí) - Một quan chức ngoại giao cấp cao của Triều Tiên cảnh báo động thái mà họ xem là lời tuyên chiến với nước này giữa lúc căng thẳng khu vực đang leo thang.
Hãng thông tấn nhà nước KCNA dẫn lời ông Jo Chol-su, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên, cho biết hôm 22/3 rằng, động thái gây áp lực để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân tương đương như lời tuyên chiến với quốc gia Đông Á.
Theo Reuters, đây là tuyên bố đáp trả phát biểu của Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield trước đó. Theo bà Thomas-Greenfield, đã đến lúc Triều Tiên phải "từ bỏ các chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hủy diệt hàng loạt bất hợp pháp một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược (gọi tắt là cơ chế CVID)".
Ông Jo nói: "Đại diện của Mỹ tại Liên hợp quốc một lần nữa lại đưa ra loạt luận điệu về CVID đã lỗi thời. Bất kỳ lực lượng nào nên ghi nhớ rằng nếu họ cố gắng áp dụng CVID đối với Triều Tiên, họ sẽ bị đáp trả theo luật của Triều Tiên về chính sách lực lượng hạt nhân".
"Gây áp lực buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân có nghĩa là một lời tuyên chiến", nhà ngoại giao Bình Nhưỡng tuyên bố.
Tháng 9 năm ngoái, Triều Tiên thông qua luật mới trong đó tuyên bố là quốc gia hạt nhân, và cho phép quyền sử dụng tấn công phủ đầu bằng hạt nhân để tự vệ.
Theo Reuters, luật mới được thông qua đã khiến cho tình trạng hạt nhân của Triều Tiên trở nên không thể đảo ngược, đồng thời cấm mọi cuộc đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa.
Triều Tiên sau đó nói rằng, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng chính sách này do điều mà họ cáo buộc là sự thù địch của Washington.
Triều Tiên đã thử nghiệm thiết bị hạt nhân đầu tiên vào năm 2006 và thử nghiệm đầu đạn nhiệt hạch vào năm 2017, trước khi tuyên bố đơn phương ngừng các vụ thử hạt nhân. Bình Nhưỡng luôn khẳng định rằng chỉ dùng các vũ khí này cho mục đích phòng thủ.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un từng tuyên bố quốc gia này sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân dù bị trừng phạt "hàng trăm năm".