Tri thức Việt kiều hiến kế để Việt Nam tạo nên kỳ tích phát triển

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tiến sĩ Trần Hải Linh, một Việt kiều Hàn Quốc, đã đóng góp những ý tưởng và khuyến nghị cho văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII với niềm tin Việt Nam sẽ tạo nên những kỳ tích trong tương lai.

Tri thức Việt kiều hiến kế để Việt Nam tạo nên kỳ tích phát triển - 1

Tiến sĩ ông Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) (Ảnh: Đức Hoàng)

Trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII, các dự thảo văn kiện trình lên Đại hội đã được lấy ý kiến đóng góp từ nhân dân, trong đó có cộng đồng kiều bào đang sinh sống, làm việc, học tập ở nước ngoài.

Việc Đảng và chính quyền lắng nghe các ý kiến góp ý cởi mở, có tính xây dựng có ý nghĩa trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc hoạch định chính sách, đường lối, chủ trương quan trọng của đất nước trong tương lai.

Với tinh thần đó, ông Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) đã đưa ra các đóng góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Coi chuyển đổi số là giải pháp phát triển nhanh, bền vững

Một trong những đột phá được nêu ra trong dự thảo báo cáo chính trị lần này là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ông Linh cho rằng dư luận xã hội đang đồng tình và ủng hộ với chủ trương của Chính phủ trong việc xây dựng "Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt phục vụ người dân và doanh nghiệp". Ông nhận định hướng đi này rất phù hợp với việc xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam giai đoạn hiện nay.

Ông cho hay để có thể đạt được mục tiêu trên, nền kinh tế thị trường phải giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực xã hội, kết hợp được trong và ngoài nước, tạo động lực thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển bền vững, hội nhập thành công; đời sống vật chất, tinh thần, quyền làm chủ của nhân dân không ngừng được nâng lên; môi trường sinh thái được bảo vệ; thực hiện được mục tiêu, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Với tư cách là một chuyên gia, ông Linh khuyến nghị Việt Nam cần phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng như "Chính phủ điện tử", ứng dụng giải quyết vấn đề xã hội liên quan tới tài chính, giao thông, giáo dụ, y tế... để thực hiện các mục tiêu trên.

Ông Linh cũng cho rằng Việt Nam cần có ít nhất một trung tâm tài chính đẳng cấp khu vực và quốc tế với các hệ thống ngân hàng, tổ chức tài chính, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán… nhằm đóng vai trò huy động, phân bổ vốn tới các hoạt động của nền kinh tế.

Song song với đó, ông nhận định Việt Nam cần hướng tới mục tiêu chuyển đổi số đồng bộ và xây dựng chính phủ số để tận dụng thời cơ và tăng tốc đột phá trong cuộc Cách mạng 4.0.

Vấn đề nguồn nhân lực và bài học từ Hàn Quốc

Là người học tập, công tác, sinh sống ở Hàn Quốc nhiều năm, ông Linh tâm đắc với câu chuyện phát triển thần tốc của quốc gia Đông Á dựa vào nguồn lực của đội ngũ trí thức Hàn Quốc được đào tạo ở các nước phát triển và những chính sách hiệu quả về phát triển nguồn nhân lực.

Ông Linh lấy ví dụ rằng ở Việt Nam, các học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông không thua kém so với trình độ của các nước bạn. Tuy nhiên, ông cho rằng, sau khi tốt nghiệp đại học, nguồn nhân lực ở Việt Nam còn nhiều điểm chưa bằng được so với nước ngoài trong các mảng kiến thức chuyên môn thực hành, kỹ năng mềm…

Dự thảo văn kiện Đại hội đảng XIII cũng nhắc tới: "Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao" như là một điểm đột phá. Chính vì vậy, ông Linh khuyến nghị rằng việc đào tạo đại học và đào tạo nghề ở Việt Nam cần có sự thay đổi để cải thiện tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp hay phải làm trái ngành nghề.

Ông đã vạch ra những khuyến nghị chi tiết cho mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam. Một trong những điểm nổi bật mà ông Linh nhấn mạnh là việc cần chia cụ thể ra 2 mô hình: đại học nghiên cứu khoa học và đại học, cơ sở giáo dục đào tạo nghề mà xã hội đang cần. Điều này giúp cho Việt Nam có thể tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường việc làm.

Ngoài ra, ông Linh cho rằng song song với việc đào tạo ngành nghề phù hợp với thị trường, Việt Nam cần có chính sách nhằm đề cao giá trị của nghiên cứu khoa học có chất lượng vì chúng có khả năng áp dụng vào thực tiễn để đạt bước đột phá. Điều này đòi hỏi chính quyền, nhà trường, nguồn nhân lực chất lượng cao, sự phát triển công nghệ và doanh nghiệp phải duy trì mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ.

Thêm vào đó, ông Linh nhận định Việt Nam cần có các chương trình chiến lược như mô hình Brain Korea 21 của Hàn Quốc nhằm tài trợ cho chương trình của các nhóm nghiên cứu mạnh tại các trường đại học và viện nghiên cứu của Hàn Quốc với mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Mặt khác, ông Linh cũng kêu gọi việc phát triển hoàn chỉnh hơn nữa hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia để tạo nên các doanh nghiệp đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu.

Ông cũng đồng thời khuyến nghị Đảng và Chính phủ thêm tin tưởng và giao trách nhiệm cho đội ngũ trí thức của Việt Nam ở nước ngoài để có có thể có cơ hội cống hiến cho quê hương, cội nguồn. Nhà nước có thể lập ra các nhóm nghiên cứu, giao đề bài cụ thể với sản phẩm cụ thể để thúc đẩy việc tận dụng nguồn lực và tài năng của các trí thức ở nước ngoài.

"Là những người đang sinh sống, làm việc, nghiên cứu và học tập tại Hàn Quốc, cũng là những người luôn theo dõi bước chuyển mình của quê hương, chúng tôi có một niềm tin mạnh mẽ rằng Việt Nam sẽ tạo ra những "kỳ tích" như Hàn Quốc", ông Linh nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm