1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Những kiều bào nặng lòng với quê hương

Đức Hoàng

(Dân trí) - Học tập, sinh sống và có sự nghiệp ở nước ngoài, nhưng chị Mimi Vũ, ông Đặng Lương Mô, hay ông Trần Hải Linh đã trở về Việt Nam để góp phần cống hiến cho quê hương.

Ngày 27/11, Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh Nghị quyết 36-CT/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của các lãnh đạo nhà nước, bộ, ban, ngành, đoàn thể cùng với hơn 300 kiều bào.

Thay mặt cho tiếng nói của 5,3 triệu người Việt sinh sống ở nước ngoài, các đại biểu kiều bào đã có những đóng góp tâm huyết cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc cải thiện chính sách với người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài, để thu hút lực lượng này góp sức phát triển xây dựng đất nước.

Bên lề Hội nghị, các kiều bào cũng đã chia sẻ với phóng viên Dân trí các đánh giá về chính sách của Đảng, Nhà nước với người Việt sinh sống ở nước ngoài và đưa ra những góp ý thiết thực để tăng cường hiệu quả hơn nữa cho các hoạt động trong tương lai.

"Việt Nam chống Covid-19 thành công hàng đầu thế giới"

Những kiều bào nặng lòng với quê hương  - 1

Việt kiều Mỹ Vũ Mimi (Ảnh: Đức Hoàng)

Vũ Mimi, một Việt kiều Mỹ và hiện đang là chuyên gia trong lĩnh vực phòng chống buôn người, cho biết dù chị sinh ra, lớn lên và học tập ở nước ngoài, nhưng luôn hướng về Việt Nam vì lòng yêu thương tổ quốc và nguồn cội. Mimi chia sẻ rằng chị luôn hướng tới mục tiêu muốn đất nước phát triển một cách chiến lược và hướng tới tương lai tốt đẹp.

Chị Mimi với tư cách là một kiều bào đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam, nhận định rằng các chính sách hiện tại của nhà nước với kiều bào khá tốt và hiệu quả nhưng vẫn có thể được cải thiện để trở nên tốt hơn. Một trong những điều mà chị trăn trở và đã trình bày trực tiếp trong dịp Hội nghị lần này chính là các chính sách dành cho những kiều bào làm việc trong các tổ chức phi chính phủ về xã hội hay môi trường còn nhiều hạn chế. Cô mong muốn Nhà nước có thể cải thiện các thủ tục để có thêm nhiều kiều bào hoạt động trong các lĩnh vực về xã hội như cô có thể trở về Việt Nam đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Ngoài ra, Mimi cũng cho rằng ngày càng nhiều người Việt học tập và làm việc ở nước ngoài muốn trở về xây dựng đất nước, cũng như ngày càng có nhiều kiều bào muốn trở về sinh sống, hoạt động ở Việt Nam. 

Mimi nói cô rất tự hào khi Việt Nam là một trong những nước đối phó với đại dịch Covid-19 thành công hàng đầu trên thế giới. Vì vậy, Việt Nam trở thành một quốc gia an toàn và có ngày hàng nhiều cơ hội kinh doanh và phát triển ở Việt Nam.

"Bây giờ không chỉ người Việt muốn trở về đất nước mà nhiều người kiều bào cũng muốn trở về Việt Nam vì đây là nơi an toàn và có nhiều cơ hội trong tương lai", Mimi chia sẻ.

Vũ Mimi cho rằng cần có những chiến dịch truyền thông để quảng bá rằng Việt Nam là nơi kiều bào có thể trở về để vừa phát triển đất nước, vừa phát triển bản thân và nhấn mạnh thông điệp rằng kiều bào cũng là một phần trong tương lai của Việt Nam.

Giáo sư Việt thành danh ở Nhật Bản: Còn sức là còn trở về

Những kiều bào nặng lòng với quê hương  - 2

Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Lương Mô (Ảnh: Đức Hoàng)

"Tôi ở nước ngoài trên 40 năm. Tôi ra nước ngoài khi mới 20 tuổi và trở về khi 65 tuổi. Hầu hết cuộc đời nghiên cứu của một nhà khoa học tôi đều ở nước ngoài. Tôi nghĩ rằng mình vẫn còn sức nên trở về để giúp đất nước phát triển hơn. Trong những năm qua, tôi đã trợ giúp 20 tiến sĩ Việt Nam", Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Lương Mô chia sẻ.

Ông Đặng Lương Mô là nhà khoa học người Việt có uy tín trong lĩnh vực vi mạch trên thế giới. Phần lớn cuộc đời ông sống và làm việc ở Nhật Bản nhưng trở về lại Việt Nam gần 20 năm trước và được xem đã đi tiên phong trong việc phát triển ngành công nghệ vi mạch tại Việt Nam. Ông hiện là cố vấn cao cấp tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong những năm qua, ngoài đóng góp trong hoạt động nghiên cứu khoa học, ông Đặng Lương Mô còn tích cực tham gia vào các hoạt động hỗ trợ Nhà nước thu hút Việt kiều trở về quê hương. Mười lăm năm trước, ông là trưởng ban vận động thành lập câu lạc bộ khoa học kỹ thuật Việt kiều - hoạt động quy tụ những tài năng Việt kiều về một mối để cống hiến cho đất nước. Câu lạc bộ này đã một phần đặt nền móng cho những mô hình tương tự sau này nhằm thu hút những nguồn lực, nhân tài từ trên khắp thế giới để phát triển đất nước.

Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Lương Mô nhận định rằng vấn đề về kiều bào không đơn giản và không có một chính sách nào có thể bao quát toàn bộ mọi trường hợp và cần có thời gian để thực hiện. Tuy nhiên, ông cho rằng Việt Nam dần dần đã tìm cách giải quyết hầu như tất cả mọi vấn đề còn tồn tại. "Đó là một điều rất tốt để giúp cho kiều bào có thể tham gia một cách dễ dàng vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc", ông Đặng Lương Mô nhận định.

Ông cũng nhấn mạnh rằng Nghị quyết 36 đã nêu rõ rằng kiều bào là phần không tách rời của dân tộc và kiều bào nên được đối đãi như mọi người khác ở trong nước. Vì vậy, ông cho rằng Nhà nước cần có thêm các cơ chế tạo cơ hội và điều kiện để kiều bào có thể dễ dàng trở về và đóng góp cho đất nước.

Kiều bào tự hào vì vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng gia tăng

Những kiều bào nặng lòng với quê hương  - 3

Tiến sĩ Trần Hải Linh (Ảnh: Đức Hoàng)

Tiến sĩ Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA), nhận định sau 10 năm (Việt Nam) thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, sau đó là Chỉ thị 45 từ ngày 19/5/2015, có một điều đã được khẳng định rõ là vị trí của cộng đồng kiều bào ở các nước trên thế giới với Việt Nam là bộ phận không tách rời. Công tác đối với kiều bào của Nhà nước trong những năm qua đã có nhiều khởi sắc.

"Cộng đồng kiều bào đã dần dần hướng về quê hương, đất nước nhiều hơn. Các thế hệ thứ 2, thứ 3 cũng đã có những niềm tự hào đối với Việt Nam thông qua một loạt các hoạt động. Ví dụ, Việt Nam trong thời gian qua đã trở thành Chủ tịch ASEAN, thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Những điều này đã khiến cho các kiều bào đều tự hào về quê hương của mình và cũng khẳng định Việt Nam đang trong quá trình hội nhập", ông Trần Hải Linh, một Việt kiều tại Hàn Quốc, nhận định.

Trong thời gian qua, ông Trần Hải Linh luôn mong muốn có thể trở thành cây cầu nối giữa Việt Nam và Hàn Quốc, nhằm góp công sức để phát triển quê hương, nguồn cội.

Ông cho rằng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây tổn hại đến kinh tế trên toàn cầu, đa số cộng đồng kiều bào từ khắp nơi trên thế giới đều mong có thể cống hiến cho quê hương và cộng đồng doanh nhân, cộng đồng tri thức kiều bào sẽ là nguồn lực rất lớn cho sự phát triển của Việt Nam sau này.     

Vì vậy, ông Trần Hải Linh đề xuất rằng Nhà nước cần giao trách nhiệm, niềm tin nhiều hơn cho cộng đồng kiều bào trong thời gian tới, và đưa ra những yêu cầu cụ thể để kiều bào được cùng tham gia phát triển nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.

Ông cho rằng Việt Nam nên coi chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong những năm tới đây là một giải pháp quan trọng để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

"Nếu chúng ta biết cách phối hợp, liên kết tốt và thực sự hiệu quả, Việt Nam hoàn toàn chủ động và có cơ hội tận dụng cuộc Cách mạng 4.0 để bứt phá và phát triển từ một quốc gia có thu nhập trung bình trở thành một quốc gia có thu nhập cao, bằng cách chuyển đổi mô hình tăng trưởng: từ tăng trưởng dựa trên năng suất yếu tố tổng hợp sang tăng trưởng dựa vào tri thức", ông Trần Hải Linh nhận định.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm