Tranh luận Tổng thống Mỹ 2012: Mitt Romney và “Bất ngờ tháng 10”
(Dân trí) - Kết quả thăm dò dư luận Mỹ trước buổi tranh luận trực tiếp đầu tiên những tưởng đã dập tắt hy vọng chiến thắng của ứng cử viên đảng Cộng hoà Mitt Romey. Nhưng trong các kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ, mọi bất ngờ đều có thể xảy ra, đặc biệt trong tháng 10 này.
Tổng thống Obama (trái) và ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney cùng nở nụ cười rạng rỡ sau khi kết thúc buổi tranh luận trực tiếp đầu tiên.
Lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ đã rút ra rất nhiều quy luật. Nổi bật nhất phải kể đến quy luật “không ứng cử viên nào của đảng Cộng hòa bước vào Nhà Trắng mà không giành chiến thắng cử tri đoàn ở bang Ohio”; “không ứng cử viên đương kim Tổng thống nào tái đắc cử khi tỷ lệ thất nghiệp cao hơn 7,2%” và “người giành được nhiều phiếu hơn ở bang Missouri trong ngày bầu cử cũng sẽ là người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ”…
Nhưng ngoài các quy luật trên, người dân Mỹ cũng rất quan tâm tới một thuật ngữ chính trị khác trong tháng vận động tranh cử cuối cùng. Thuật ngữ đó mang tên: “Bất ngờ tháng 10”.
Lịch sử ra đời thuật ngữ
Khi cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon tái tranh cử vào năm 1972, ông phải đối mặt với đối thủ là TNS George McGovern đến từ bang South Dakota. Khi ấy, George McGovern là một ứng viên chủ trương hòa bình, nhận được sự ủng hộ rất lớn của cử tri nhờ quan điểm phản đối cuộc chiến tại Việt Nam. Trong khi đó, Nixon đang phải đối mặt với làn sóng dư luận chỉ trích gay gắt về việc ông không thể hiện thực hóa cam kết chấm dứt chiến tranh Việt Nam như đã hứa khi tranh cử vào Nhà Trắng trước đó 4 năm.
Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra vào ngày 26/10 năm đó, chưa đầy hai tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Nhờ một câu nói kịp thời “hòa bình đang trong tầm tay” của cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger, Trưởng đoàn đàm phán hòa bình Paris của Mỹ khi ấy, sự ủng hộ dành cho Nixon đã tăng mạnh trong những cuộc thăm dò dư luận ngay sau đó.
Và kết quả là, vào thời điểm bỏ phiếu, Nixon đã giành thắng lợi vượt xa đối thủ tới 20%, dù rằng mọi việc sau đó không diễn ra theo đúng những gì mà Henry Kissinger đã tuyên bố.
Cũng kể từ đó, thuật ngữ “Bất ngờ tháng 10” đã tồn tại trong kho tàng thuật ngữ chính trị bầu cử Mỹ và có nghĩa là một sự kiện tin tức bất ngờ có khả năng đảo ngược dự đoán kết quả, khi chỉ còn vài tuần là đến ngày bầu cử chính thức theo quy định được tổ chức vào ngày thứ Ba đầu tiên của tháng 11.
Bởi vậy, tháng 10 cũng là khoảng thời gian công luận Mỹ tập trung tối đa vào mọi diễn biến của cuộc chạy đua tranh cử nước rút, khi mà tháng này sẽ chứng kiến tới 3 vòng tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa các ứng cử viên Tổng thống. Khả năng “lội ngược dòng” của các ứng cử viên, vì thế, cũng hoàn toàn có thể xảy ra ở giai đoạn này, cho dù các cuộc thăm dò trước đó có đưa ra dự đoán gần như chắc chắc về một kết quả nào đó.
Lịch sử lặp lại?
Trong cuộc đua tranh cử vào tòa Bạch Ốc năm nay, đương kim Tổng thống Barack Obama và ứng cử viên của đảng Cộng hòa Mitt Romney bước vào tháng 10 với tâm thế hoàn toàn khác nhau.
Theo nhiều cuộc thăm dò dư luận tiến hành trước tháng 10, ông Obama nhận được nhiều sự ủng hộ của cử tri hơn đối thủ Mitt Romney với tỷ lệ tương ứng là 50% - 47%. Thậm chí có những thời điểm, tỷ lệ ủng hộ đối với ông Mitt Romney còn xuống thấp hơn mức này (từ 49% trước đó) do ông đã vô tình “sẩy miệng” gọi 47% dân chúng Mỹ là những người không đóng thuế và tự coi mình là “nạn nhân” được quyền nhận trợ cấp của chính phủ.
Bởi vậy, nhiều người tỏ ra quan ngại thay cho chính trị gia 65 tuổi này khi ông có quá nhiều điểm yếu thế hơn đối thủ đang sung sức ở tuổi 51.
Nhưng một lần nữa, “Bất ngờ tháng 10” đã xảy ra, nhưng không phải do tuyên bố của một ai đó (như dưới thời Nixon) mà do chính những gì ông Romney đã thể hiện được trong vòng tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình vừa diễn ra sáng nay theo giờ Việt Nam tại Denver, Calorado.
Với phong thái có phần tự tin hơn Tổng thống Obama khi bước vào cuộc tranh luận với trọng tâm về kinh tế, chăm sóc y tế và vai trò của chính phủ Mỹ trong đời sống hàng ngày của người dân, ông Mitt Romney đã dần lấy lại phong độ sau hơn 4 tuần đuối sức trước đó do ảnh hưởng của câu nói lỡ miệng “47%”.
Trong hầu hết các vấn đề, ông Mitt Romney đều “phản pháo” thành công đối với những đề xuất chính sách của ông Obama, đồng thời bảo vệ những kế hoạch của mình cho dù không ít lần bị Tổng thống Obama công kích là đi vào vết xe đổ của chính sách thảm họa dưới thời cựu Tổng thống George Bush của đảng Cộng hòa.
Theo các kết quả thăm dò hãng CNN thực hiện ngay sau buổi tranh luận trực tiếp, có tới 67% số người trả lời phỏng vấn cho rằng ông Romney đã thắng trong “lần ra quân” đầu tiên này. Tỷ lệ này ở ông Obama chỉ là 25%.
Về nhận định ai sẽ là nhà lãnh đạo quyết đoán hơn, tỷ lệ ủng hộ dành cho Mitt Romney là 58%, Obama là 37%.
Về khả năng thể hiện của các ứng cử viên, 82% cho rằng ông Romney thể hiện tốt hơn khả năng, 10% cho rằng ông thể hiện kém hơn và 7% cho rằng thể hiện đúng phong độ. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Obama lần lượt là 21% (tốt hơn), 61% (kém hơn) và 16% (đúng phong độ).
Đối với từng nội dung tranh luận cụ thể về chính sách y tế, giảm thuế, cắt giảm thâm hụt ngân sách và khả năng điều hành của chính phủ, ông Romney cũng luôn dẫn trước Tổng thống Barack Obama với tỷ lệ ủng hộ dành cho hai ứng cử viên tương ứng là 55% và 45%.
Cũng theo một kết quả điều tra nhanh ngay sau cuộc tranh luận, 35% cử tri cho rằng họ sẽ bầu cho Mitt Romney, 18% bầu cho Obama và 47% chưa đưa ra quyết định.
Tất nhiên, những con số này mới chỉ là kết quả bước đầu khi trước mắt các ứng cử viên còn tới những 2 vòng tranh luận trực tiếp về các vấn đề đối ngoại, lần lượt diễn ra tại Hempstead (New York) ngày 16/10 và Boca Raton (Florida) 22/10. Mặc dù vậy, đối với cả ông Romney và Obama, đây vẫn là những bài học vô giá cho việc tăng thêm quyết tâm và nỗ lực chuẩn bị trước khi bước vào vòng quyết đấu tiếp theo.
Còn đối với người dân Mỹ và các nhà phân tích chính trị, những thay đổi “Bất ngờ tháng 10” này đang tạo thêm những gam màu mới cho bức tranh chính trị Mỹ và làm tăng thêm mức độ khó đoán định của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay.
Việt Giang