1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ xem xét dự luật "tung đòn" tổng lực đối phó Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Các nhà lập pháp Mỹ sẽ họp vào tuần tới để xem xét dự luật nhằm đối phó với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Mỹ xem xét dự luật tung đòn tổng lực đối phó Trung Quốc - 1

Quan chức ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Alaska hồi tháng 3 (Ảnh: AFP).

Tuần tới, các nhà lập pháp Mỹ đã lên kế hoạch giới thiệu dự luật nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu. Dự luật bao gồm việc áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với quan chức Trung Quốc, xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn giữa Mỹ với Đài Loan, theo dõi chặt chẽ hơn các hoạt động quân sự và yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Menendez cho biết Dự luật Cạnh tranh Chiến lược 2021 sẽ được đề xuất trước ủy ban vào ngày 14/4.

"Tôi vô cùng tự hào khi thông báo nỗ lực chưa từng có của lưỡng đảng nhằm huy động tất cả các công cụ chiến lược, kinh tế và ngoại giao của Mỹ cho một chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cho phép chúng ta thực sự đối đầu với những thách thức do Trung Quốc đặt ra đối với an ninh quốc gia và kinh tế của chúng ta", ông Menendez nói.

Dự luật kêu gọi trừng phạt các quan chức Trung Quốc vì cáo buộc ngược đãi lao động tại Tân Cương, mặc dù Bắc Kinh đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc này.

Dự luật cũng đề xuất chi 10 triệu USD "để thúc đẩy dân chủ ở Hong Kong" và yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra báo cáo về việc chính phủ Trung Quốc đang sử dụng tình trạng Hong Kong ở mức độ nào để lách luật, đồng thời có các biện pháp để bảo vệ Mỹ.

Nếu được thông qua, dự luật sẽ xóa bỏ mọi rào cản trong việc tương tác giữa các quan chức Mỹ với các đối tác Đài Loan, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.

Dự luật kêu gọi nỗ lực thêm để củng cố quan hệ quân sự với đồng minh và đối tác của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Một điều khoản khác của dự luật cũng sẽ hạn chế việc Mỹ giúp đỡ các quốc gia có đặt các cơ sở vật chất quân sự của Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh đang sử dụng Sáng kiến Vành đai và Con đường để mở rộng ảnh hưởng quân sự.

Dự luật cũng sẽ buộc Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài thường trực hồi năm 2016. Phán quyết bác bỏ yêu sách "đường chín đoạn" phi lý do Trung Quốc tự ý vẽ ra trên Biển Đông.

Dự luật của Mỹ sẽ nhắc lại rằng, phán quyết của tòa là "cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý đối với các bên", đồng thời khẳng định yêu sách của Trung Quốc đối với tài nguyên biển trên phần lớn diện tích Biển Đông là "phi pháp".

Nhằm giải quyết các mối đe dọa tiềm tàng trong quan hệ kinh tế của Mỹ với Trung Quốc, dự luật sẽ mở rộng quy mô của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) nhằm giám sát mối quan hệ giữa các tổ chức giáo dục Mỹ và Trung Quốc.

CFIUS chịu trách nhiệm rà soát các giao dịch tài chính có nguy cơ đe dọa tới an ninh quốc gia của Mỹ, liên quan tới việc chuyển giao các công nghệ hiện đại cho các công ty nước ngoài.

Dự luật được công bố trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang trên nhiều mặt trận. Dự luật được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố tài liệu chính sách an ninh quốc gia, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường quan hệ đồng minh, đồng thời gọi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh duy nhất có khả năng kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để tạo ra thách thức lâu dài đối với một hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở".