Tranh cãi kế hoạch thả 200 triệu con muỗi chống sốt xuất huyết ở Indonesia
(Dân trí) - Kế hoạch thả 200 triệu con muỗi biến đổi gen tại một vùng của Indonesia nhằm chống sốt xuất huyết đang vấp phải sự phản đối của người dân địa phương và giới chuyên môn.
Theo kế hoạch ban đầu, 200 triệu con muỗi biến đổi gen Aedes aegypti mang vi khuẩn Wolbachia, loại vi khuẩn thường thấy ở một nửa số loài côn trùng, sẽ được thả trên đảo Bali từ giữa tháng 11.
Khi muỗi mang Wolbachia sinh sản với muỗi thông thường, chúng sẽ truyền vi khuẩn, tạo ra cộng đồng nhiễm Wolbachia rộng hơn và do đó làm giảm sự lây lan của bệnh tật.
Sau Bali, chương trình thí điểm dự kiến sẽ được thực hiện tại Semarang, Bandung và Jakarta ở Java và Kupang ở Đông Nusa Tenggara. Chương trình này là một phần sáng kiến giữa tổ chức phi chính phủ Chương trình Muỗi Thế giới, Đại học Monash (Australia) và Đại học Gadjah (Indonesia).
Nghiên cứu chỉ ra cho thấy tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết giảm khoảng 77% ở các cộng đồng có sự xuất hiện của muỗi mang Wolbachia.
Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng, nghiên cứu thí điểm thả muỗi biến đổi gen ở đảo Bali để chống sốt xuất huyết không đủ thuyết phục vì không thực hiện với mẫu dân số đủ lớn và lượng muỗi đáng kể.
Michael Northcott, giáo sư tại Đại học Edinburgh ở Scotland, cũng tỏ ra quan ngại về chương trình. "Điều này không nên được thực hiện ở Bali cho đến khi có sự nhân rộng quy mô lớn ở Yogyakarta", ông nói.
Ông lập luận: "Người ta nói rằng những con muỗi này được nhân giống trong các phòng thí nghiệm ở Australia và chúng sẽ không còn mang mầm bệnh gây hại cho sức khỏe nữa. Không ai trong chúng ta thích bị muỗi đốt, và bây giờ chúng ta phải trở thành chuột thí nghiệm cho những con muỗi này".
Trước những tranh cãi, Bộ Y tế Indonesia đã hoãn vô thời hạn chương trình trên.