1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tranh cãi “hộ chiếu miễn dịch” Covid-19

(Dân trí) - Một số nước đã tính đến ý tưởng "hộ chiếu miễn dịch" khi bắt đầu nới phong tỏa, mở cửa kinh tế trở lại giữa đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo đây có thể là giải pháp nhiều rủi ro.

Tranh cãi “hộ chiếu miễn dịch” Covid-19 - 1
Người đi bộ đeo khẩu trang ở London, Anh. (Ảnh: Reuters)

Hộ chiếu miễn dịch

Một số chính phủ và tổ chức khắp thế giới đang cân nhắc sử dụng “hộ chiếu miễn dịch”, coi đó là một biện pháp nới lỏng phong tỏa và nới lỏng các lệnh hạn chế đi lại giữa đại dịch Covid-19.

Hộ chiếu này có thể xác định những người có kháng thể giúp họ ít có nguy cơ lây nhiễm Covid-19, nhờ vậy họ có thể nối lại các hoạt động, quay trở lại làm việc.

Tuy nhiên, giới chức y tế và các chuyên gia cho rằng cần thận trọng với ý tưởng. Lý do được đưa ra là mức độ tin cậy của các xét nghiệm kháng thể không cao cũng như ảnh hưởng đến vấn đề bảo mật đời tư và thậm chí là nguy cơ lạm dụng.

Những người ủng hộ ý tưởng này nói rằng, những người đủ điều kiện có thể nhận được các giấy chứng nhận số hóa hoặc chứng nhận trên giấy. “Nếu tình hình này (dịch Covid-19) kéo dài thêm 6 tháng hoặc 9 tháng hoặc xảy ra làn sóng dịch bệnh thứ hai, bạn phải tính đến kịch bản mọi người sẽ muốn ra khỏi nhà. Do vậy cần cơ chế để xác nhận miễn dịch của mỗi người”, Husayn Kassai, giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp chuyên về nhận diện kỹ thuật số Onfido, bình luận.

Onfido đã trao đổi với chính phủ Anh và chính phủ một số nước về ý tưởng “hộ chiếu miễn dịch”. Công ty này cho biết, miễn dịch sẽ được xác định bởi một loại kit xét nghiệm tại nhà tương tự que thử thai và mức độ tin cậy đã được giới y tế kiểm chứng. Đó có thể là hộ chiếu xanh nghĩa là miễn dịch hoàn toàn, hoặc hộ chiếu hổ phách nghĩa là miễn dịch một phần hoặc hộ chiếu đỏ dành cho người thuộc diện có nguy cơ lây nhiễm cao.

Công ty Socios của Pháp cũng đang phát triển hộ chiếu miễn dịch dành cho các sự kiện thể thao để chỉ những cổ động viên có nguy cơ thấp hoặc không có nguy cơ lây truyền bệnh được phép có mặt tại trận đấu.

Không đủ bằng chứng

Tranh cãi “hộ chiếu miễn dịch” Covid-19 - 2
Hiện chưa có đủ bằng chứng để khẳng định người có kháng thể Covid-19 sẽ không nhiễm bệnh. (Ảnh: Time)

Đầu tháng này, chính phủ Chile bắt đầu phát hành giấy chứng nhận người đã hồi phục sau khi mắc Covid-19. Vấn đề này cũng được bàn bạc ở Đức và một số nơi khác trên thế giới.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đưa ra cảnh báo rằng, hiện chưa có đủ bằng chứng để khẳng định một người đã mắc Covid-19 thì không bị tái nhiễm. Vài giờ sau khi đưa ra cảnh báo này, WHO có đính chính lại một chút, nói rằng một người sau khi mắc Covid-19 sẽ có phản ứng kháng thể giúp họ được bảo vệ ở một mức độ nào đó trước nguy cơ tái nhiễm, song bảo vệ ở mức độ nào và trong thời gian bao lâu thì vẫn là “điều chưa ai biết”.

Claire Standley, giáo sư nghiên cứu chuyên về y tế công tại Trung tâm An ninh và Khoa học Y tế thuộc Đại học Georgetown, cho biết bà hoài nghi về tính hiệu quả của hộ chiếu miễn dịch, một phần do thiếu sự chắc chắn về mức độ mà các kháng thể bảo vệ con người trước nguy cơ tái nhiễm.

Nhà nghiên cứu bệnh học Alan Wu cũng đưa ra những quan ngại tương tự. “Mọi người muốn tin mình có kháng thể, mình có miễn dịch. Nhưng chúng ta không chắc chắn được điều đó. Xét nghiệm kháng thể với virus này không đủ để khẳng định người có kháng thể không bị nhiễm bệnh.

Ý tưởng giấy chứng nhận miễn dịch không phải là mới. Ở nhiều nơi trên thế giới, trẻ em được sử dụng vắc xin để ngăn ngừa các dịch bệnh như sởi, bại liệt và một số dịch bệnh khác và phải có giấy chứng nhận miễn dịch khi đăng ký học.

Trong khi đó, một số người lo ngại thái độ kỳ thị đối với những người không có “hộ chiếu miễn dịch” khi thông tin không được bảo mật. Về điều này, ông Kassai nói có thể khắc phục bằng việc sử dụng mã QR cùng với ảnh cá nhân.

Dakota Greuner, giám đốc điều hành của ID2020, một tổ chức về nhận diện kỹ thuật số và bảo mật thông tin, nói bất cứ chương trình cấp giấy chứng nhận nào cũng nên sử dụng công nghệ nhận diện cho phép người dùng kiểm soát hoàn toàn thông tin cá nhân của mình.

Bất chấp những lập luận này, chuyên gia Standley cho rằng hộ chiếu miễn dịch có thể kéo theo hàng loạt vấn đề khác như một người có thể sẽ cố tình để mình mắc Covid-19 để có kháng thể và có giấy chứng nhận miễn dịch sau đó. “Con người cần hoạt động, cần sinh nhai và cần giao tiếp xã hội. Các lệnh hạn chế càng kéo dài lâu thì càng có khả năng nhiều người liều lĩnh với chính sức khỏe của họ nếu họ cho rằng đó là cách có thể giúp họ thoát khỏi phong tỏa”, bà Standley nói.

Minh Phương
Theo AFP