Tranh cãi chuyện trả tiền khách sạn cho ông Kim Jong-un tại Singapore
(Dân trí) - Vấn đề chi trả tiền ăn ở cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un và phái đoàn Triều Tiên tại Singapore trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh với Mỹ vẫn là chủ đề gây tranh cãi trước khi sự kiện này chính thức diễn ra.
Nhà Trắng tuần này thông báo cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ diễn ra vào ngày 12/6 tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa ở Singapore. Một vấn đề đang được đặt ra trước thềm hội nghị là ai sẽ trả tiền cho các khoản chi phí ăn ở của phái đoàn Triều Tiên trong thời gian họ lưu lại Singapore khi Bình Nhưỡng được cho là không sẵn sàng thực hiện điều này. Một bài viết trên Washington Post gần đây dẫn hai nguồn tin quan chức Mỹ cho biết chính quyền Kim Jong-un đã yêu cầu một nước khác chi trả các khoản tiền này và Washington được cho là đang “bí mật” tìm cách để xử lý vấn đề theo hướng hợp lý nhất.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un dự kiến sẽ ở khách 5 sao Fullerton - một trong những khách sạn đẹp nhất tại Singapore. Giá thuê một phòng hạng sang dành riêng cho các nhà lãnh đạo tại khách sạn Fullerton lên tới 6.000 USD. Triều Tiên hiện có đại sứ quán tại Singapore, tuy nhiên đây không phải là một lựa chọn tối ưu vì đại sứ quán không thể đáp ứng đủ nhu cầu về an ninh và hậu cần cho chuyến đi của phái đoàn Triều Tiên tới dự một hội nghị thượng đỉnh.
Triều Tiên có thể sẽ cử một phái đoàn đông đảo để hộ tống nhà lãnh đạo Kim Jong-un và bảo đảm vấn đề an ninh cho chuyến đi của ông tới Singapore. Do vậy, kinh phí để lo chuyện ăn ở cho phái đoàn này cũng đặt ra không ít thách thức. Đối với một quốc gia đang gặp khó khăn về tài chính do phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế như Triều Tiên, đây là một bài toán khó.
Mặc dù Triều Tiên chưa tuyên bố công khai rằng nước này sẽ không trả tiền cho chuyến đi của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Singapore, song lịch sử cho thấy Bình Nhưỡng dường như không sẵn sàng gánh trách nhiệm này.
Hàn Quốc từng trả những số tiền "khủng"
Gần đây nhất, tại Thế vận hội mùa Đông ở Pyeongchang hồi tháng 2, Hàn Quốc được cho là chi khoảng 2,6 triệu USD để thanh toán cho những khoản kinh phí đi lại ăn ở khi phái đoàn Triều Tiên gồm hơn 400 người tới dự Thế vận hội. Trong khi đó, Ủy ban Olympic Quốc tế được cho là cũng phải trả tiền cho 22 vận động viên Triều Tiên khi họ tới Hàn Quốc thi đấu tại Thế vận hội.
Trước đó, tại Đại hội Thể thao châu Á ở Busan năm 2002, nước chủ nhà Hàn Quốc cũng phải chi tới 1,3 triệu USD cho phái đoàn Triều Tiên, tiếp đó là 836.000 USD cho Đại hội thể thao sinh viên Universiade vào năm 2003 và 385.000 USD cho Đại hội Thể thao châu Á vào năm 2014.
Ngoài các sự kiện thể thao, Hàn Quốc cũng phải chi những khoản tiền không nhỏ cho các hội nghị thượng đỉnh có sự tham gia của nước láng giềng Triều Tiên. Seoul được cho là phải thanh toán khoảng 5 triệu USD cho cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại khu phi quân sự liên Triều hồi tháng 4. Trước đó, chính quyền cựu Tổng thống Kim Dae-jung cũng bí mật chi trả 500 triệu USD để cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il dự hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào năm 2000.
“Thông lệ này đã có từ đầu thập niên 2000 khi Hàn Quốc bắt đầu thực thi chính sách Ánh Dương. Triều Tiên có thể chế tạo hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa, nhưng họ thường cho rằng mình không đủ tiền để chi trả cho các chuyến đi nước ngoài”, Sung Yoon Lee, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Tuft, nói với Washington Post.
Nước nào sẽ chi trả cho thượng đỉnh Mỹ-Triều?
Một số nguồn tin ban đầu nói rằng Mỹ sẽ là nước chịu trách nhiệm lo kinh phí cho chuyến đi của nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Singapore. Tuy nhiên, giới chức Mỹ đã lên tiếng phản bác ý tưởng này.
“Chúng tôi sẽ không chi trả cho chuyến đi của họ”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nói với Fox News hôm 7/5.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert tuần này cũng xác nhận rằng Washington sẽ không “bao” tiền ăn ở cho phái đoàn Triều Tiên trong thời gian họ lưu lại Singapore.
Theo các chuyên gia, phản ứng của giới chức Mỹ như vậy là điều dễ hiểu vì ngay cả khi chính quyền Donald Trump đồng ý thanh toán các khoản chi phí, Triều Tiên cũng sẽ không chấp nhận, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang cố gắng hạn chế ảnh hưởng từ bên còn lại trước khi bước vào bàn đàm phán. Hơn nữa, một nhà lãnh đạo cứng rắn như ông Kim Jong-un, người luôn muốn được xếp ngang hàng với Tổng thống Trump, sẽ không muốn nhận tiền từ Mỹ. Ngoài ra, Mỹ sẽ không thể giúp Triều Tiên thanh toán các khoản chi phí khi chính nước này đang áp đặt các lệnh trừng phạt lên Bình Nhưỡng.
Trong trường hợp Mỹ không chi trả các khoản tiền cho Triều Tiên, Singapore có thể sẽ nhận trách nhiệm này. Đây cũng là thông lệ thường thấy của nước chủ nhà khi đăng cai các sự kiện lớn.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen gần đây xác nhận Singapore sẵn sàng thanh toán một phần chi phí, song từ chối tiết lộ liệu Mỹ và Triều Tiên có đưa ra yêu cầu cụ thể nào hay không.
“Chúng tôi muốn đóng góp một phần nhỏ của mình để hội nghị thượng đỉnh có thể diễn ra”, Bộ trưởng Hen cho biết.
Công ty chuyên về khách sạn tại Mỹ HotelPlanner ngày 7/5 nói với Fox News rằng công ty này sẵn sàng trả tiền cho phái đoàn Triều Tiên, song cũng cho biết họ vẫn chưa thể liên lạc trực tiếp với Triều Tiên.
“Chúng tôi đã gửi fax cho lãnh sự quán Triều Tiên ở Trung Quốc, nhưng họ vẫn chưa hồi đáp”, phát ngôn viên của HotelPlanner cho biết.
Giám đốc điều hành của HotelPlanner Tim Hentschel nói rằng công ty của ông “đủ điều kiện” để thanh toán các khoản phí cho phía Triều Tiên.
“Chúng tôi nghĩ đó là điều đúng đắn cần làm. Chúng tôi có thể giúp đỡ và chúng tôi muốn giúp đỡ. Rõ ràng đây là bước đi quan trọng cho hòa bình thế giới”, ông Hentschel cho biết.
Theo ông Hentschel, mặc dù công ty của ông muốn làm việc với các khách sạn là đối tác hiện thời của HotelPlanner hơn, song vẫn sẵn sàng hỗ trợ cho ông Kim Jong-un nếu ông chọn khách sạn Fullerton để ở. Ông Hentschel ước tính chi phí thuê phòng, ăn uống và các khoản phí khác của phái đoàn Triều Tiên tại khách sạn này vào khoảng 100.000 USD.
Một tổ chức khác cũng tuyên bố sẵn sàng trả tiền cho phái đoàn Triều Tiên là Chiến dịch Quốc tế Giải trừ Vũ khí hạt nhân ICAN - một tổ chức đoạt giải Nobel năm 2017. ICAN cho biết có thể dùng tiền thưởng từ giải Nobel để chi trả chi phí ăn ở và thuê địa điểm phục vụ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều “nhằm ủng hộ nỗ lực vì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và một thế giới không vũ khí hạt nhân".
Thành Đạt
Tổng hợp