1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tổng thống Trump: Những "sóng gió" trong tháng đầu tiên tại vị

(Dân trí) - Tổng thống Trump đã trải qua một tháng đầu tiên đầy sóng gió, bất chấp tuyên bố của ông về “mọi việc đang diễn ra rất êm thấm ở Nhà trắng” và “chính quyền đang chạy như một cỗ máy tinh chỉnh".


Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Getty)

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Getty)

Hãng tin AP gọi ông Donald Trump là một tổng thống Twitter: Gần như ngày nào ông Trump cũng bắt đầu và cả kết thúc với Twitter bất cứ điều gì - về các chương trình truyền hình, về các sự kiện sắp diễn ra, hoặc chọc giận truyền thông. Đôi khi, ông thậm chí khiến chính các trợ lý Nhà Trắng phải toát mồ hôi diễn giải.

Mạng tin Standard (Anh) nhận xét, Tổng thống Trump đã trải qua một tháng đầu tiên đầy sóng gió, bất chấp tuyên bố của ông về “mọi việc đang diễn ra rất êm thấm ở Nhà trắng” và “chính quyền đang chạy như một cỗ máy tinh chỉnh".

“Rối loạn”, hay “hỗn loạn”, là từ không phải đợi đến tròn một tháng mới được báo chí nhắc đến, mà trước đó, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain đã dùng từ này. Tại Hội nghị An ninh Munich cuối tuần trước, ông McCain nói: "Chính quyền này đang hỗn loạn và họ còn nhiều việc phải làm. Theo tôi, Tổng thống Trump đã đưa ra những tuyên bố và trong nhiều trường hợp đã mâu thuẫn với chính bản thân ông”.

Dồn dập và choáng váng


Ông Trump ký hàng loạt sắc lệnh ngay sau khi nhậm chức. (Ảnh: Reuters)

Ông Trump ký hàng loạt sắc lệnh ngay sau khi nhậm chức. (Ảnh: Reuters)

Sau khi tổng thống đã ký khoảng 20 sắc lệnh hành pháp, phát biểu trong cuộc họp báo tuần trước, Tổng thống Donald Trump nói: "Tháng vừa qua cho thấy mức độ hành động chưa từng có mà tôi thay mặt những công dân vĩ đại của đất nước chúng ta tiến hành. Một lần nữa, tôi phải nói rằng chưa bao giờ có một nhiệm kỳ tổng thống mà làm được nhiều trong một thời gian ngắn như vậy”. Tổng thống Trump đã nói đúng, ít nhất là dưới góc nhìn của báo chí.

“Sau 4 tuần lễ đầy biến động, ông Trump đã phải chứng kiến một cố vấn an ninh quốc gia từ chức, một ứng cử viên trong nội các rút lui, chính sách nhập cư bị chặn ở tòa án và một loạt các thông tin bị rò rỉ...”, hãng tin AFP tổng kết.

Trong khi đó, hãng tin ABC News thống kê, với tốc độ gây choáng váng, ông Trump đã liên tiếp làm phật lòng các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó phải kể đến vụ làm giới lãnh đạo Trung Quốc nổi giận khi đặt nghi vấn về chính sách “Một Trung Quốc”. Ông còn khiến các đồng minh thất vọng khi chỉ trích liên minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là “lỗi thời”, đòi hỏi Nhật Bản và Hàn Quốc chia sẻ gánh nặng quân sự, hay những bình luận thiếu cân nhắc về đồng minh Australia…

Sắc lệnh di trú của ông phải hứng một đòn pháp lý chỉ vài ngày sau khi được ban hành. Ngày 27/1, ông đã ký ban hành sắc lệnh hành pháp đình chỉ việc cho phép người tị nạn vào Mỹ trong vòng 120 ngày, cấm người tị nạn từ Syria vào Mỹ vô thời hạn, đồng thời cấm công dân từ 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số là Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria, và Yemen nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày. Tuy nhiên, thẩm phán liên bang tại thành phố Seattle đã ra phán quyết đình chỉ thực thi sắc lệnh trên toàn nước Mỹ, và phán quyết cũng nhận được sự ủng hộ của Tòa phúc thẩm số 9 ở San Francisco.

Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn do Trump tiến cử đã từ chức. Ông Flynn quyết định từ chức trong bối cảnh ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy ông không trung thực với Phó Tổng thống Mike Pence và giới chức Nhà Trắng về mối quan hệ với Đại sứ Nga tại Mỹ. Báo chí Mỹ cho rằng vụ việc đã khoét sâu thêm mâu thuẫn chính trị, đảng phái, vốn đã trầm trọng trong suốt thời gian qua trong nội bộ nước Mỹ. Phe Dân chủ và thậm chí một số nghị sĩ Cộng hòa đã yêu cầu điều tra sâu hơn về mối liên hệ giữa chính quyền và cá nhân ông Trump với Nga.

Ông Trump cũng chứng kiến lực lượng trong chính phủ mà ông xây dựng nổi lên chống lại các chính sách của ông, đặc biệt là sắc lệnh nhập cư, và vụ rò rỉ thông tin mật.

Để chứng minh rằng chính quyền của ông đang chạy như một "cỗ máy tinh chỉnh", ông Trump viện dẫn thị trường chứng khoán tăng giá và sự cống hiến của những người ủng hộ vẫn trung thành với ông.

Ngoài ra, trong bảng liệt kê “kết quả hành động” của tân Tổng thống Mỹ, BBC AP không bỏ qua chi tiết tuyên bố của ông Trump nhằm vào báo chí, mà họ gọi là “chưa từng có của các tổng thống Mỹ” hay “đã bắt đầu một cuộc chiến đúng nghĩa giữa một bên là ông Trump và một bên là báo chí”.

Ngày 16/2, vị Tổng tư lệnh thứ 45 của Mỹ đã xóa bỏ hoàn toàn mọi quy chuẩn của một tổng thống. Trong bài độc thoại mở đầu kéo dài 23 phút tại cuộc họp báo, ông cáo buộc truyền thông “thiếu trung thực” khi cố tình khuấy động các cuộc khủng hoảng khiến tỷ lệ ủng hộ ông sụt giảm đáng kể. Ông gọi tin tức báo chí đưa là "những thông tin giả” do “kẻ thù của người dân cung cấp”.

Tương lai ra sao?


Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng. (Ảnh: Reuters)

“Ông Trump đã hành động nhiều. Nhưng rõ ràng nhiều hành động nhanh chóng của ông đã hứng chịu sự tức giận nhiều hơn là đạt được thực chất”, AP bình luận.

Tổng thống Trump đã chọn ông Neil Gorsuch - Thẩm phán bang Colorado - vào vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, vốn bị bỏ trống sau khi Thẩm phán Antonin Scalia qua đời năm ngoái. Đề cử này đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ phe bảo thủ.

Tổng thống Mỹ đang tập trung vào vấn đề nhập cư, sau khi các thẩm phán liên bang vô hiệu hóa sắc lệnh của ông. Ngày 16/2, ông tuyên bố sẽ đưa ra một sắc lệnh hành pháp mới về nhập cư vào tuần tới. Trong khi đó, một số sắc lệnh về các vấn đề như bức tường biên giới Mỹ-Mexico và luật chăm sóc sức khỏe do cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama xúc tiến đang có hiệu lực hạn chế.

Giáo sư sử học và các vấn đề công Julian Zelizer, hiện làm việc tại trường Đại học Princeton, nói: "Rất nhiều sắc lệnh đã chậm lại. Ông Trump không nên nhầm lẫn thực tế là một số người ủng hộ ông thích phong cách của ông - với thực tế là nhiều người trong đảng Cộng hòa chỉ muốn các chính sách mà ông đã hứa sẽ được triển khai”.

Một nhà bình luận nói với BBC về những bất lợi với Tổng thống Trump: “Tất nhiên còn có những khó khăn khác, nhưng tôi nghĩ vụ việc ông Michael Flynn từ chức là khó khăn nhất mà hiện nay mà ông Trump đang gặp phải”.

Theo các chuyên gia Mỹ, việc cố vấn an ninh Flynn từ chức đã phần nào cho thấy sự lục đục trong chính quyền Tổng thống Trump.

Lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mitch McConnell góp ý: "Tôi không phải là người hâm mộ lớn của Twitter hàng ngày. Ông Trump nên tham dự vào các cuộc thảo luận thực chất”.

Tuy nhiên, theo BBC, cũng trên một số mạng xã hội và một bộ phận truyền thông Mỹ ít nhiều được cho là thân thiện và ủng hộ ông Trump. Một số ý kiến cho rằng tân Tổng thống và nội các, các cộng sự đã và đang làm được nhiều việc tốt và quan trọng cho đất nước. Ngoài ra, ông còn giúp cho vị thế của nước Mỹ được coi trọng hơn ở khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Đó là những ý kiến mà có thể ông Trump có lẽ đều biết. Nhưng vấn đề ông sẽ lắng nghe như thế nào? Trong trả lời báo giới về cách tiếp cận mới của Mỹ trong việc thông báo về chính sách quốc phòng và đối ngoại, ông Trump nói: “Tôi không cần phải thông báo với các bạn. Tôi không muốn là một trong những người phải nói rằng: "Sau đây là những gì chúng tôi sắp làm".

Tuệ An

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm