1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Tổng thống Trump đối mặt thách thức lớn từ Triều Tiên

(Dân trí) - Vụ phóng tên lửa mới nhất mà Triều Tiên tuyên bố là thành công đã đặt ra thách thức lớn đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump và thậm chí có thể khiến Washington phải thay đổi các chính sách tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.


Triều Tiên phóng tên lửa ngày 4/7 (Ảnh: KCNA)

Triều Tiên phóng tên lửa ngày 4/7 (Ảnh: KCNA)

Triều Tiên phóng tên lửa ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) diễn ra ở Đức vào cuối tuần này. Vụ phóng diễn ra đúng ngày quốc khánh Mỹ 4/7 rõ ràng đã đặt Tổng thống Donald Trump trước những thách thức không hề nhỏ.

Theo CNN, khi tới Đức tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt với những mối nghi ngại về vai trò và khả năng của Mỹ không chỉ trong việc đảm bảo thực thi các lệnh trừng phạt Triều Tiên mà còn về các nỗ lực của Washington nhằm thay đổi các tính toán chiến lược đối với Bình Nhưỡng.

Ông Trump sẽ phải đối mặt với một phép thử về khả năng sử dụng “sức mạnh Mỹ” trong việc xây dựng các liên minh quốc tế dựa trên những mục tiêu chính sách đối ngoại của Washington, đồng thời định hình các cách tiếp cận mới có thể không phù hợp với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” mà ông từng cam kết.

Việc Triều Tiên phóng thử tên lửa đúng này quốc khánh Mỹ đã buộc ông Trump đối diện với nguy cơ nhãn tiền là Bình Nhưỡng có thể tấn công các mục tiêu trên đất Mỹ bằng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

Tuy nhiên vấn đề khó khăn nhất hiện nay là Tổng thống Trump phải lựa chọn các cách tiếp cận nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Nếu những cách này thất bại thì ông Trump sẽ phải chấp nhận một thực tế là Washington đã nằm trong tầm ngắm của Bình Nhưỡng.

Nói cách khác, Tổng thống Trump đang phải chịu áp lực đối mặt với một vấn đề đối ngoại “không thể thương lượng được”. Tổng thống Donald Trump phải quyết định làm cách nào để đối phó với các mối đe dọa từ Bình Nhưỡng và hạn chế tối đa việc sử dụng vũ khí.

Theo các chuyên gia, vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên cho thấy nước này đã đạt được bước tiến mới trong chương trình hạt nhân và tên lửa và điều này đã đặt Mỹ đứng trước những lựa chọn thay đổi chính sách đối với Triều Tiên. Tuy nhiên giới quan sát nhận định, cho đến nay, Washington vẫn chưa có động thái điều chỉnh chính sách đối với Bình Nhưỡng trong khi những chính sách cũ rõ ràng không phát huy hiệu quả.

Trên thực tế, Tổng thống Trump có rất ít lựa chọn để kiềm chế Triều Tiên bên cạnh các giải pháp ngoại giao, bởi việc tấn công quân sự Bình Nhưỡng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường, đe dọa hàng triệu sinh mạng ở bán đảo Triều Tiên và thậm chí dẫn tới các cuộc xung đột tại nhiều khu vực khác.

Đau đầu tìm chính sách mới


Mỹ tiếp tục dùng các lệnh trừng phạt để gây sức ép với Triều Tiên. (Ảnh: AFP)

Mỹ tiếp tục dùng các lệnh trừng phạt để gây sức ép với Triều Tiên. (Ảnh: AFP)

Sau vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, Mỹ vẫn chỉ tìm kiếm sự ủng hộ của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc trong việc lên án các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng, đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt mới. Mỹ và Hàn Quốc cũng tiến hành các cuộc tập trận chung như một lời đáp trả Triều Tiên.

Sau khi tiếp quản Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích cách tiếp cận “kiên nhẫn chiến lược” của chính quyền tiền nhiệm đối với Triều Tiên. Tuy nhiên cho tới nay, ông Trump vẫn chưa thể đưa ra chính sách mới nào cứng rắn hơn nhằm đối phó với Bình Nhưỡng.

“Chiến lược” ban đầu của Tổng thống Trump vẫn là thuyết phục Trung Quốc sử dụng tầm ảnh hưởng của mình, gây áp lực lên Triều Tiên nhằm kiềm chế Bình Nhưỡng theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa. Tuy nhiên, nỗ lực này dường như đã thất bại khi Bắc Kinh không hề có động thái cho thấy sẽ quyết liệt hơn trong vấn đề này.

Có ý kiến cho rằng Washington có thể đã đánh giá quá cao khả năng và tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trong việc gây áp lực lên Bình Nhưỡng. Hơn nữa, các chuyên gia nhận định việc Trung Quốc không muốn gây quá nhiều sức ép lên Triều Tiên có thể là do Bắc Kinh lo ngại sẽ gây ra sự hỗn loạn trong khu vực và điều này tất nhiên không có lợi cho Trung Quốc.

Chuyên gia Harry Kazianis, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quốc phòng Mỹ, cho biết Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới sẽ là cơ hội để Tổng thống Trump thể hiện vai trò của Mỹ cũng như thể hiện khả năng lãnh đạo của cá nhân ông. Nếu không Trump không đủ sức thuyết phục các nhà lãnh đạo khác thì Washington sẽ đơn thương độc mã trên con đường áp đặt các chính sách cứng rắn đối với Bình Nhưỡng.

Cũng theo ông Harry Kazianis, Mỹ có thể tìm cách áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên như một cách gián tiếp gây áp lực lên Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này có thể sẽ gây ra sự phiền phức mới, làm phức tạp thêm các chính sách của Washington đối với Bắc Kinh mà rộng hơn là đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Một cách khác là đối thoại với Triều Tiên. Đây dường như cũng không phải một lựa chọn tốt, bởi Bình Nhưỡng đã từng cam kết đóng băng chương trình hạt nhân rồi lại rút khỏi thỏa thuận, với lý do đây chỉ là cách nước này “tự vệ” trước các mối đe dọa.

Giới quan sát nhận định Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa và mọi nỗ lực đàm phán đều là vô ích.

Bất kể Tổng thống Donald Trump lựa chọn cách tiếp cận nào trong vấn đề Triều Tiên thì những phát ngôn cứng rắn của ông cũng không thay đổi được tình hình nếu Washington không thực sự có động thái quyết liệt.

Nhật Minh