1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

5 phương án cho Mỹ đối phó với Triều Tiên: Quá ít, quá rủi ro

Tổng thống Donald Trump gặp nhiều khó khăn hơn những người tiền nhiệm khi năng lực quân sự của Triều Tiên phát triển vượt bậc trong hơn 2 thập kỷ qua.

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trên trang Twitter của mình hồi tháng 1 năm nay rằng, việc Triều Tiên thử một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng vươn tới lục địa Mỹ “sẽ không xảy ra”, có 2 điều mà ông không đánh giá đầy đủ. Một là nhà lãnh đạo Triều Kim Jong-un đã tiến gần đến đâu tới mục tiêu phát triển tên lửa cho nước này? Hai là một tổng thống Mỹ bị hạn chế ra sao về các phương án để ngăn chặn Triều Tiên?


Giới phân tích vạch ra 5 phương án mà Tổng thống Donald Trump có thể dùng để đối phó với Triều Tiên song chừng đó còn quá ít và tất cả đều có rủi ro cho nước Mỹ. (Ảnh minh họa: AP)

Giới phân tích vạch ra 5 phương án mà Tổng thống Donald Trump có thể dùng để đối phó với Triều Tiên song chừng đó còn quá ít và tất cả đều có rủi ro cho nước Mỹ. (Ảnh minh họa: AP)

Những gì diễn ra trong nửa năm qua là một bài học khắc nghiệt với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Việc khả năng tấn công của Triều Tiên có thể vươn tới lục địa Mỹ, như cựu Bộ trưởng Quốc phòng William J. Perry gần đây nhận định, đã “thay đổi mọi toan tính”.

Nỗi lo không nằm ở việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào bờ Tây nước Mỹ hay không, bởi đó là hành động “tự sát”.

Mấu chốt ở chỗ, nếu nhà lãnh đạo Kim Jong-un có khả năng phản công Mỹ thì điều này sẽ định hình mọi quyết định mà ông Donald Trump, và có thể là cả người trong tương lai sẽ kế nhiệm ông, phải đưa ra nhằm bảo vệ các đồng minh của Washington ở khu vực. Vậy ông Donald Trump hiện có những phương án nào?

Phương án 1: Trừng phạt

Đây là phương án truyền thống nhằm hạn chế khả năng mở rộng ảnh hưởng của Triều Tiên. Tổng thống Donald Trump có thể tăng cường các lệnh trừng phạt cũng như sự hiện diện của hải quân Mỹ quanh bán đảo Triều Tiên. Thực tế, hồi tháng 4, ông đã cử một hạm đội tới khu vực này và thúc đẩy các chương trình bí mật trên mạng để phá hoại những vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

Nhưng rõ ràng nếu các biện pháp phối hợp đó thành công thì Triều Tiên đã không thể tiến hành vụ phóng tên lửa đúng ngày Quốc khánh Mỹ vừa qua, bất chấp việc biết rằng động thái này chỉ khiến họ chịu thêm các lệnh trừng phạt cũng như áp lực về mặt quân sự, thậm chí còn khiến Trung Quốc, một đồng minh chủ chốt của Bình Nhưỡng, không có cách nào khác là phải can thiệp một cách quyết liệt hơn vào vấn đề này.

Phương án 2: Tấn công phủ đầu

Việc tên lửa tầm trung của Triều Tiên có thể dễ dàng bắn tới Hàn Quốc và Nhật Bản đã là chuyện nhiều năm trước, và các quan chức tình báo của Mỹ tin rằng các tên lửa này đều có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Tuy nhiên, vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên thì khác. Nó cho thấy rằng nước Mỹ cũng có thể trở thành mục tiêu. Và điều đó, theo một cựu quan chức tình báo hàng đầu của Mỹ nhận định, sẽ tạo một áp lực rất lớn lên hệ thống phỏng thủ tên lửa của Mỹ mà ít người tin là có tác dụng.

Ông Trump vì thế có thể đe dọa tấn công quân sự phủ đầu nếu Mỹ phát hiện một vụ phóng tên lửa xuyên lục địa nhằm vào bờ Tây nước này.

Từ năm 2006, cựu Bộ trưởng Quốc phòng William J. Perry đã đề cập phương án này. Song mới đây ông cũng phải thừa nhận rằng “giờ đây đó không phải là một ý kiến hay”. Lý do đơn giản là vì trong 11 năm qua, Triều Tiên đã chế tạo được quá nhiều quả tên lửa, khiến cho ý định tấn công phủ đầu như vậy trở nên nguy hiểm. Đặc biệt, Triều Tiên đã phóng thử tên lửa thế hệ mới sử dụng nguyên liệu rắn, loại có thể dễ dàng che giấu trong hang động và phóng ra rất nhanh.

Bên cạnh đó, Triều Tiên vẫn đang sở hữu vũ khí cuối cùng để trả đũa Mỹ. Đó là lực lượng pháo binh dọc Khu vực phi quân sự, bất cứ lúc nào cũng có thể “san bằng” thủ đô Seoul của Hàn Quốc, thành phố với khoảng 10 triệu dân và là một trong những trung tâm kinh tế sôi động nhất châu Á. Triều Tiên dám chắc rằng thậm chí đến người liều lĩnh và “mạnh mồm” như ông Donald Trump cũng không thể chấp nhận rủi ro đó.

“Một cuộc xung đột với Triều Tiên”, theo chia sẻ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trên kênh CBS mới đây, “có thể là cuộc xung đột tồi tệ nhất đời người”.

Phương án 3: Ngoại giao

Những lập luận trên dẫn tới phương án tiếp theo, điều mà tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vừa đề cập trong chuyến thăm Mỹ cuối tuần trước. Đó là “đàm phán”. Kế hoạch này có thể bắt đầu bằng việc đóng băng các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên để đổi lấy việc Mỹ đồng ý hạn chế hoặc đình chỉ các cuộc tập trận với Hàn Quốc.

Đàm phán với Triều Tiên cũng không phải là ý tưởng mới khi cựu Tổng thống Bill Clinton đã thử cách này năm 1994, rồi cựu Tổng thống Bush cũng cố gắng thúc đẩy nó vào 2 năm cuối nhiệm kỳ. Song cả 2 đều phát hiện rằng, một khi Triều Tiên nhận thấy lợi ích kinh tế cho họ chẳng là bao, thỏa thuận sẽ sụp đổ.

Thêm vào đó, có lẽ đã quá muộn để nước Mỹ áp dụng quân bài này. Bởi hiện nay Triều Tiên được cho là đã có 10 tới 20 vũ khí hạt nhân. Và giờ đây nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng không cho thấy ông sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa của nước này.

Nhưng điều đó không có nghĩa rằng phương án này không có nguy cơ tiềm ẩn, cụ thể là với Mỹ. Bởi nó giúp Trung Quốc và Triều Tiên hoàn thành mục tiêu là hạn chế hoạt động quân sự tự do của Mỹ ở Thái Bình Dương và về lâu dài sẽ làm giảm chất lượng phối hợp quân sự Mỹ - Hàn.

Phương án 4: Lôi kéo Trung Quốc

Phía Trung Quốc từ lâu đã kêu gọi đối thoại với Triều Tiên và cách tiếp cận này cũng đã nhận được sự tán đồng của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 4/7.\Ban đầu, Tổng thống Donald Trump rất hăng hái lôi kéo Trung Quốc kiềm chế Triều Tiên nhưng kết quả lại đáng thất vọng. Có lẽ chính cách nói “nước đôi” của ông Donald Trump rằng Mỹ vẫn sẵn sàng “hành động một mình” mà không cần Trung Quốc khi đối đầu với Triều Tiên đã khiến Bắc Kinh cảm thấy bị đe dọa.

Phương án 5: Học cách “sống chung với lũ”

Có thể khó tin nhưng cũng không phải không có khả năng Mỹ đành chấp nhận rằng họ chẳng thể làm gì để ngăn cản Triều Tiên. Washington sẽ phải vạch ra kế hoạch “sống chung” với một Triều Tiên sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Dẫu sao sự phát triển của chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa Triều Tiên vốn không phải là bất ngờ quá lớn nếu theo dõi tốc độ thử tên lửa và hạt nhân của nước này. Vì thế có lẽ giờ đây việc Mỹ vạch ra kế hoạch “sống chung với lũ” cũng không còn là quá sớm./.

Theo Diệu Hương

VOV