1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ liệu đủ khả năng đánh chặn tên lửa liên lục địa của Triều Tiên?

(Dân trí) - Lầu Năm Góc khẳng định có thể bảo vệ nước Mỹ trước mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên. Tuy nhiên, không ít chuyên gia vẫn tỏ ra hoài nghi về tuyên bố này.

Mỹ liệu đủ khả năng đánh chặn tên lửa liên lục địa của Triều Tiên? - 1

Triều Tiên ngày 4/7 tuyên bố phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên. Theo tuyên bố của Bình Nhưỡng, tên lửa này bay được chặng đường 933km, cao 2.802km và đã đánh trúng mục tiêu giả định ở vùng biển Nhật Bản.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis xác nhận, tên lửa Triều Tiên là tên lửa đạn đạo liên lục địa và tầm bắn thực tế có thể đạt hơn 5.500km. Điều này có nghĩa là Alaska của Mỹ nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên.

Mặc dù nói rằng tên lửa Triều Tiên vừa phóng là loại hoàn toàn mới, quan chức này khẳng định: “Chúng tôi tin vào khả năng bảo vệ của mình trước các mối đe dọa hạn chế”. Ông Davis dẫn lại minh chứng tên lửa của Mỹ đã đánh chặn thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa mô phỏng từ Triều Tiên trong vụ thử nghiệm hồi tháng 5.

Tuy nhiên, sau vụ thử nghiệm thành công đó, vụ thử nghiệm tiếp theo vào tháng 6 của quân đội Mỹ lại thất bại. “Dù kết quả khác nhau nhưng chúng tôi cũng có khả năng đánh chặn hơn một lần”, ông Davis cho biết.

Điều này làm dấy lên hoài nghi về khả năng đánh chặn ICBM của Mỹ mặc dù Washington đã đổ hàng trăm tỷ USD cho hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp.

Kinh ngạc khoảnh khắc lá chắn Mỹ tiêu diệt tên lửa liên lục địa

Giới chuyên gia cảnh báo, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ hiện giờ có thể bắn hạ một hoặc số ít loại tên lửa cơ bản. Mỹ thậm chí có thể bị áp đảo nếu không theo kịp công nghệ và sản xuất tên lửa của Triều Tiên.

“Trong 4 năm tới, Mỹ phải tăng năng lực của hệ thống phòng thủ đang triển khai, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai thêm”, Riki Ellison, nhà sáng lập tổ chức Liên minh phòng thủ tên lửa, nhận định.

Ngoài ra, kết quả thử nghiệm của Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) cũng không giống nhau.

Cụ thể, tỷ lệ thành công khi thử nghiệm hệ thống tên lửa đánh chặn trên mặt đất (GMD) là trên 55%. Tỷ lệ này với hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis triển khai trên các tàu hải quân Mỹ và trên đất liền khoảng 83%. Trong khi đó, Hệ thống phòng thủ tên lửa giai đoạn cuối (THAAD) thành công 100% trong tổng số 13 cuộc thử nghiệm kể từ năm 2006.

Một đến hai năm nữa


Triều Tiên đã đạt những bước tiến đáng kể trong công nghệ chế tạo tên lửa. (Ảnh: Reuters)

Triều Tiên đã đạt những bước tiến đáng kể trong công nghệ chế tạo tên lửa. (Ảnh: Reuters)

Những bước tiến đáng kể của Triều Tiên trong công nghệ phát triển tên lửa và hạt nhân những năm gần đây đang gây quan ngại lớn cho giới quốc phòng Mỹ.

Chuyên gia về tên lửa của Mỹ, John Schilling, mới đây nhận định, tốc độ phát triển tên lửa của Triều Tiên nhanh hơn dự đoán.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng: “Triều Tiên có thể phải mất thêm 1 đến 2 năm nữa trước khi phát triển được tên lửa có khả năng tấn công chính xác các mục tiêu quan trọng ở Mỹ”.

Michael Elleman, một chuyên gia về phòng thủ tên lửa tại Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng mặc dù Triều Tiên chưa thể tạo ra một ICBM đáng tin cậy, nhưng "không có gì đảm bảo" rằng Mỹ có thể tự bảo vệ mình khỏi mối đe dọa này”. “Trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa, thậm chí kết quả thử nghiệm thành công 100%, cũng không thể đảm bảo chắc chắn”, chuyên gia Elleman nói.

Minh Phương

Tổng hợp