1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tổng thống Trump đau đầu với vụ tai tiếng đầu tiên sau 24 ngày tại vị

(Dân trí) - Vụ bê bối cựu trung tướng Michael Flynn, người đã từ chức cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, có nguy cơ bùng phát thành một vụ bê bối chính trị, gây ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của chính quyền chưa đầy 30 ngày tuổi của Tổng thống Donald Trump.

Tổng thống Trump đau đầu với vụ tai tiếng đầu tiên sau 24 ngày tại vị


Ông Michael Flynn đã từ chức cố vấn an ninh quốc gia hôm 13/2 (Ảnh: Reuters)

Ông Michael Flynn đã từ chức cố vấn an ninh quốc gia hôm 13/2 (Ảnh: Reuters)

Cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump bị "bóc mẽ" thế nào?

Ông Michael Flynn ngày 13/2 đã từ chức cố vấn an ninh quốc gia trong bối cảnh một cuộc tranh cãi bùng phát sau những tiết lộ rằng ông đã lừa dối Phó Tổng thống Mike Pence về chuyện thảo luận với đại sứ Nga tại Mỹ về các lệnh cấm vận của Washington trước lễ nhậm chức của Tổng thống Trump. Một động thái như vậy có thể vi phạm luật pháp của Mỹ.

Cố vấn an ninh quốc gia được tổng thống Mỹ bổ nhiệm để phục vụ với vai trò cố vấn chính cho ông chủ Nhà Trắng về quốc phòng và các vấn đề quốc tế. Ông Michael Flynn đã từ chức vị trí này chỉ sau 24 ngày tại vị.

BBC đưa tin, ông Flynn, một trung tướng về hưu, ban đầu đã phủ nhận chuyện thảo luận các lệnh cấm vận với Đại sứ Nga Sergei Kislyak, và Phó Tổng thống Pence đã đứng ra công khai bác bỏ các cáo buộc này thay cho ông Flynn.

Nhưng ông Flynn ngày 13/2 đã đối mặt với sức ép ngày càng gia tăng khi những thông tin chi tiết về cuộc điện đàm giữa ông và Đại sứ Nga bị phơi bày trên báo chí. Cùng lúc đó, truyền thông Mỹ cũng đưa tin rằng Bộ Tư pháp hồi tháng trước từng cảnh báo Nhà Trắng về việc ông Flynn lừa dối các quan chức cấp cao và có nguy cơ tiết lộ các bí mật của Mỹ.

Theo Washington Post, cảnh báo trên được cựu Quyền Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates đưa ra. Bà Yates sau đó bị chính Tổng thống Trump sa thải vì phản đối lệnh cấm nhập cư gây tranh cãi của ông.

Một loạt các thành viên cấp cao của đảng Dân chủ đã công khai lên tiếng kêu gọi sa thải ông Flynn. Trước những sức ép ngày càng tăng, ông Flynn cuối cùng đã phải đệ đơn từ chức vào cuối ngày 13/2, chưa đầy 1 tháng kể từ khi nhậm chức.


Trước khi từ chức, ông Flynn là người rất thân cận với ông Trump và đã ủng hộ mạnh mẽ tỷ phú New York trong chiến dịch tranh cử tổng thống (Ảnh: ABC)

Trước khi từ chức, ông Flynn là người rất thân cận với ông Trump và đã ủng hộ mạnh mẽ tỷ phú New York trong chiến dịch tranh cử tổng thống (Ảnh: ABC)

Ông Flynn, người từng bị cựu Tổng thống Barack Obama sa thải khỏi vị trí Giám đốc Cơ quan tình báo Quốc phòng do quản lý yếu kém, là người ủng hộ mạnh mẽ tỷ phú Trum trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Ông Flynn đã trở thành một đồng minh thân cận của cả ông Trump và chiến lược gia trưởng của Tổng thống, ông Steve Bannon. Ông Flynn đã hối thúc các chính sách nghiêm khắc hơn đối với Iran và mềm mỏng hơn với Nga. Nhưng mối quan hệ thân cận giữa ông Flynn với Moscow cũng gây ra những ngờ vực tại Mỹ.

Ngay từ khi ông Trump thông báo chọn ông Flynn làm cố vấn an ninh quốc gia, nội bộ Mỹ đã xuất hiện những lo ngại về các liên lạc đáng ngờ vực giữa ông này và Nga cả trước và sau cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 11 năm ngoái. Tuy nhiên, những đồn đoán chỉ trở nên rõ ràng gần đây sau những tiết lộ về các cuộc điện đàm giữa ông Flynn và Đại sứ Nga về các lệnh cấm vận của Mỹ. Và một cú giáng mạnh nữa đã diễn ra vào ngày 13/2, khi chuyện giới chức chính phủ thời Obama từng cảnh báo Nhà Trắng của ông Trump về các cuộc điện đàm này hồi tháng 1 được truyền thông Mỹ công khai.

Chỉ làm xoa dịu tạm thời

Tuy nhiên, truyền thông Mỹ nhận định rằng quyết định từ chức của cựu tướng Michael Flynn chỉ xoa dịu cuộc khủng hoảng chính trị tạm thời đối với Nhà Trắng, nhưng sẽ không dập tắt hoàn toàn những ngờ vực về mối quan hệ của ông này với Nga, và thậm chí còn gây hiểm họa đối với chính quyền non trẻ của Tổng thống Donald Trump.

CNN nhận định rằng vụ bê bối của ông Flynn, diễn ra khi chính quyền Trump mới tại vị chưa đầy 4 tuần, là một nỗi hổ thẹn đối với ông Trump và một cú giáng đối với Nhà Trắng, vốn cũng đang vướng phải những mâu thuẫn chính trị nội bộ. Vụ việc đã khiến ông Trump, người không có kinh nghiệm ngoại giao và vừa mới thành lập nhóm an ninh quốc gia, mất đi cố vấn Nhà Trắng quan trọng nhất, người chịu trách nhiệm bảo vệ nước Mỹ khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài.

Sự ra đi của ông Flynn cũng gây chấn động khắp thế giới, làm dấy lên những câu hỏi về sự sẵn sàng của chính quyền Trump nhằm đối phó với các cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia bất giờ. Và vì ông Trump thường xuyên tuyên bố rằng ông muốn thành lập một đội ngũ nắm quyền giỏi nhất, cú ngã ngựa cố vấn an ninh quốc gia chắc chắn cũng gây ra những câu hỏi về sự lãnh đạo của bản thân Tổng thống.

Các liên lạc của ông Flynn còn làm nảy sinh những nghi vấn về lập trường thân thiện của ông Trump với Nga, sau khi các cơ quan tình báo Mỹ hồi năm ngoái kết luận rằng Moscow đã tấn công các email của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống.


Ông Flynn tham dự một sự kiện cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin năm 2015. Nhiều quan chức Mỹ đã tỏ ra nghi ngờ về mối quan hệ thân thiết của ông Flynn với Nga. (Ảnh: AP)

Ông Flynn tham dự một sự kiện cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin năm 2015. Nhiều quan chức Mỹ đã tỏ ra nghi ngờ về mối quan hệ thân thiết của ông Flynn với Nga. (Ảnh: AP)

Yêu cầu điều tra

Adam Schiff, một thành viên cấp cao của đảng Dân chủ, cho rằng việc ông Flynn từ chức cũng không làm chấm dứt những câu hỏi về bất kỳ liên lạc nào giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với Nga.

Hai thành viên khác của đảng Dân chủ trong các nhóm giám sát và tư pháp, John Conyers và Elijah Cummings, đã yêu cầu Bộ Tư pháp và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) có báo cáo mật gửi quốc hội về vụ bê bối của ông Flynn.

“Chúng tôi, tại quốc hội, cần phải biết ai đã đồng ý cho các hành động của ông ấy, cho phép các hành động như vậy, và tiếp tục cho phép ông ấy tiếp cận các thông tin an ninh quốc gia nhạy cảm nhất của chúng ta dù biết có những mối nguy hiểm”, BBC dẫn tuyên bố của hai quan chức trên.

Vài thành viên đảng Dân chủ trong Hạ viện Mỹ cũng kêu gọi Chủ tịch Ủy ban Giám sát Jason Chaffetz mở một cuộc điều tra nhằm vào mối quan hệ của ông Flynn với Nga.

Vụ bê bối rùm beng dẫn tới việc từ chức của một quan chức cấp cao diễn ra chỉ 24 ngày sau khi chính quyền mới của Mỹ đi vào hoạt động. Đây có thể là một kỷ lục. Vụ việc giờ đây có nguy cơ bùng phát thành một cuộc khủng hoảng chính trị.

Các thành viên đảng Dân chủ trong quốc hội - và có thể là cả một số quan chức đảng Cộng hòa - sẽ muốn biết ai đã được cảnh báo về những câu chuyện gây tranh cãi của ông Flynn và vì sao không có biện pháp nào được thực thi sớm hơn. Tổng thống biết gì và ông biết khi nào?

Tất cả những câu hỏi đã khiến một số nhà quan sát giờ đây không khỏi không liên tưởng vụ bê bối của ông Flynn tới một vụ xì-căng-đan nghiêm trọng nhất trong các vụ bê bối của tổng thống Mỹ - vụ bê bối nghe lén Watergate năm 1972.

An Bình

Tổng hợp