Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bị chỉ trích vì phát video của tay súng tại New Zealand
(Dân trí) - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã bị chỉ trích vì chiếu một số hình ảnh trong đoạn video quay trực tiếp cảnh gây án của tay súng trong vụ khủng bố ở New Zealand, nhằm gia tăng sự ủng hộ trong các cuộc vận động bầu cử.
BBC đưa tin, ông Erdogan đã tham gia các cuộc vận động bầu cử tại thành phố Istanbul và Tekirdag vào cuối tuần qua nhằm tìm kiếm sự ủng hộ trước một cuộc bầu cử địa phương vào cuối tháng này.
Trong ít nhất 3 cuộc vận động tranh cử, các hình ảnh được làm mờ cắt từ video vụ xả súng tại nhà thờ ở thành phố Christchurch mà thủ phạm phát trực tiếp trên mạng đã được chiếu trên màn hình, cùng với các trích đoạn được cho là từ “bản tuyên ngôn” của nghi phạm.
Mục đích chính của ông Erdogan là lên án làn sóng chống đạo Hồi trên toàn cầu - cùng với cách phản ứng của phương Tây đối với làn sóng này - và cũng nhằm chỉ trích các đối thủ chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ là yếu kém.
Chỉ lên màn hình, ông Erdogan nói với đám đông rằng nghi phạm tại New Zealand đã đề cập cụ thể tới Thổ Nhĩ Kỳ trong “bản tuyên ngôn”. Ông nói, nghi phạm đã tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ 2 lần và cảnh báo người Thổ Nhĩ Kỳ không có vị trí ở châu Âu. Ông cũng nói nghi phạm muốn người Hồi giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ bị đánh bật khỏi vùng lãnh thổ tại châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ bên bờ tây sông Bosphorus.
Ông Erdogan nói trong một cuộc vận động ở Gaziantep: “Điều đó có nghĩa là gì? Rằng chúng ta không nên đi về phía tây của sông Bosporus, có nghĩa là châu Âu. Nếu không, hắn ta có thể đến Istanbul, sát hại hết chúng ta, đánh bật chúng ta ra khỏi vùng đất của mình”.
Quốc gia Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên cả châu Âu và châu Á, vùng lãnh thổ tại châu Á được gọi là Anatolia. Thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ - Istanbul - nằm trên cả hai châu lục Á và Âu. Vùng lãnh thổ thuộc châu Á của Istanbul nằm ở phía đông sông Bosphorus, còn vùng lãnh thổ thuộc châu Âu nằm ở phía tây sông Bosphorus.
New Zealand lên tiếng chỉ trích
New Zealand đã ngay lập tức có phản ứng với các động thái trên của Ankara. Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters nói rằng việc chiếu video của nghi phạm là “không công bằng” và gây nguy hiểm cho các công dân nước ông ở nước ngoài.
Ông Peters nói thêm, ông đã thể hiện sự phản đối của mình trong cuộc gặp với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, những người đang có chuyến New Zealand sau các vụ tấn công, trong đó có Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu.
Trước đó, hôm 15/3, một tay súng quốc tịch Australia đã tấn công 2 nhà thờ Hồi giáo ở trung tâm thành phố Christchurch, New Zealand, làm 50 người chết và 50 người khác bị thương.
Thủ phạm vụ tấn công đã quay video trực tiếp về vụ xả súng và video này đã nhanh chóng bị phát tán trên mạng, trước khi các mạng xã hội gỡ bỏ nó theo yêu cầu của chính phủ New Zealand.
Tại New Zealand, video trên bị xem là phản cảm và việc sở hữu hoặc phát tán nó bị xem là một hành động phạm tội.
Mạng xã hội Facebook cho biết hãng này đã gỡ bỏ 1,5 triệu video về vụ tấn công trên khắp thế giới trong vòng 2 giờ đầu tiên.
Tuy nhiên, video vẫn xuất hiện thậm chí trên một số trang web lớn dưới dạng ảnh, ảnh động hoặc thậm chí cả video. Các trang tin Daily Mirror và MailOnline của Anh đã bị chỉ trích vì đăng tải video, và một số báo của Australia cũng phát các hình ảnh từ video.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nói Facebook và các mạng xã hội lớn khác còn nhiều câu hỏi phải trả lời về cách thức đối phó với vụ việc.
Một thanh niên 18 tuổi đã ra tòa tại New Zealand vào hôm nay với cáo buộc phát tán đoạn video trên theo một bộ luật mà cách chuyên gia nói là thường được sử dụng để nhắm vào tội chia sẻ ảnh khiêu dâm trẻ em. Thanh niên này cũng bị truy tố về tội đăng tải ảnh nhà thờ bị tấn công với thông điệp “mục tiêu hoàn thành”. Người này có thể đối diện mức án cao nhất là 14 năm tù cho mỗi tội danh.
An Bình