1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tổng thống Putin: Nga nên mở chiến dịch quân sự ở Ukraine sớm hơn

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông "thất vọng" trước những bình luận gần đây của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel liên quan đến các thỏa thuận Minsk.

Tổng thống Putin: Nga nên mở chiến dịch quân sự ở Ukraine sớm hơn - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).

Tại một cuộc họp báo hôm 9/12, Tổng thống Putin cho biết ông bị sốc trước phát ngôn của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel liên quan đến các thỏa thuận Minsk.

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với báo Die Zeit hôm 7/12, bà Merkel cho biết mục đích thực sự của các thỏa thuận Minsk trong giai đoạn năm 2014-2015 là nhằm kéo dài thời gian và cho phép Ukraine xây dựng tiềm lực quân sự cho một cuộc đối đầu trong tương lai với Nga.

Nhà lãnh đạo Nga cho biết phát biểu của bà Merkel một lần nữa chứng minh rằng, việc Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine là một quyết định đúng đắn.

"Hóa ra, không ai có ý định thực hiện bất kỳ phần nào của thỏa thuận Minsk" ông Putin nói, nhắc lại việc cựu Tổng thống Ukraine Pyotr Poroshenko gần đây cũng thừa nhận rằng, ông không có ý định tuân thủ các thỏa thuận sau khi ký vào năm 2014 và 2015.

"Tôi nghĩ rằng những bên khác tham gia thỏa thuận này ít nhất cũng trung thực, nhưng không, hóa ra họ cũng đang nói dối chúng tôi và chỉ muốn bơm vũ khí cho Ukraine, chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc xung đột quân sự", ông Putin nói. Tổng thống Putin kết luận rằng Nga có thể đã nhận ra điều này muộn và lẽ ra nên triển khai chiến dịch ở Ukraine sớm hơn.

Ra đời năm 2015, Thỏa thuận Minsk được kỳ vọng sẽ đặt dấu chấm hết cho chiến sự miền Đông Ukraine và tháo ngòi căng thẳng giữa Nga - Ukraine. Điều khoản cốt lõi của Thỏa thuận Minsk là một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và các bên phải nhất trí rút vũ khí hạng nặng khỏi khu vực tiền tuyến. Quân đội chính phủ Ukraine được tái kiểm soát khu vực biên giới giáp Nga, trong khi tất cả lực lượng và lính đánh thuê nước ngoài phải rút khỏi miền Đông Ukraine.

Theo giải thích của Nga, các thỏa thuận Minsk buộc chính quyền Kiev phải sửa đổi về luật và hiến pháp, mở đường cho phép các lực lượng ly khai thân Nga tại vùng Donbass có đại diện trong chính quyền Ukraine. Tuy vậy, Moscow cho rằng, việc Nga công nhận độc lập cho Donbass và sáp nhập vùng lãnh thổ này là kết quả trực tiếp của việc Ukraine thất bại trong thực thi các thỏa thuận này.

Tổng thống Putin cũng cho rằng các quốc gia phương Tây đang cố tình gieo rắc sự hỗn loạn và bạo lực để đạt được các mục tiêu địa chính trị.

"Trong nhiều năm, phương Tây đã khai thác và làm cạn kiệt một cách thô bạo các nguồn tài nguyên của Ukraine, ủng hộ khủng bố ở Donbass, trên thực tế đã biến quốc gia này thành thuộc địa, và hiện sử dụng người dân Ukraine làm bia đỡ đạn trong cuộc chiến chống lại Nga bằng cách tiếp tục cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine, gửi lính đánh thuê tới đây và đẩy họ vào con đường tự sát", Tổng thống Putin phát biểu trước chỉ huy quân sự của các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Cộng đồng Các quốc gia Độc lập (SNG) ở Moscow.

Tổng thống Nga cho rằng những diễn biến đang xảy ra ở Ukraine cho thấy những hậu quả từ nỗ lực của Washington trong việc duy trì sự thống trị toàn cầu của mình bằng bất cứ giá nào.

"Tôi tin rằng bản chất và quy mô của các mối đe dọa ngày nay đặt ra yêu cầu lớn hơn đối với sự tương tác của chúng ta thông qua các cơ quan quốc phòng", ông Putin nói.

Theo nhà lãnh đạo Nga, các nước cần hợp tác với nhau để hình thành một hệ thống an ninh và hợp tác linh hoạt, ổn định hơn, phù hợp với những thách thức hiện nay.

Ông Putin nhấn mạnh rằng một hệ thống như vậy "không nên dựa trên một số loại quy tắc bất thành văn bất thường chưa ai từng thấy, cũng không dựa trên sự thống trị và độc quyền của ai đó, mà chỉ dựa trên luật pháp quốc tế và tôn trọng lợi ích chung".

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine