1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống Putin nêu điều kiện hòa bình với Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ, Kiev nên giữ thái độ trung lập để có cơ hội hòa bình, đồng thời biên giới Ukraine phải phù hợp với mong muốn của người dân ở lãnh thổ do Nga tuyên bố chủ quyền.

Tổng thống Putin nêu điều kiện hòa bình với Ukraine - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AFP).

"Nếu (Ukraine) không trung lập thì khó có thể tưởng tượng được sự tồn tại của bất kỳ mối quan hệ láng giềng tốt đẹp nào giữa Nga và Ukraine", Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp của Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai ở thành phố Sochi (Nga) ngày 7/11.

Ông Putin cho biết Nga đã công nhận biên giới hậu Xô Viết của Ukraine dựa trên sự hiểu biết rằng nước này sẽ trung lập. Tuy nhiên, liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn dắt nhiều lần tuyên bố một ngày nào đó Ukraine sẽ gia nhập khối.

"Nếu Ukraine không trung lập, họ sẽ liên tục bị sử dụng như một công cụ và gây tổn hại đến lợi ích của Liên bang Nga. Chúng tôi quyết tâm tạo điều kiện cho một giải pháp lâu dài để Ukraine là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, không phải là một công cụ trong tay các nước thứ ba và không được sử dụng vì lợi ích của họ", ông Putin nói.

Nga hiện kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine sau gần 3 năm xung đột. Hồi tháng 6, Tổng thống Putin đã nêu ra các điều khoản cụ thể hơn nhằm chấm dứt xung đột bao gồm: Ukraine sẽ phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, rút toàn bộ quân đội khỏi toàn bộ lãnh thổ của các khu vực mà Nga tuyên bố chủ quyền.

Ukraine đã bác bỏ và lập luận những điều kiện đó ngang với việc đầu hàng. Thay vào đó, Ukraine đưa ra một "kế hoạch chiến thắng" và kêu gọi thêm sự hỗ trợ của phương Tây. Kiev nói rằng họ sẽ không dừng lại cho đến khi người lính Nga cuối cùng bị đẩy ra khỏi lãnh thổ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định Ukraine sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi khôi phục được biên giới năm 1991, một nhiệm vụ liên quan đến việc giành lại toàn bộ Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhia, Crimea từ Nga. Tuy nhiên, ngay cả các tướng Mỹ cũng cảnh báo mục tiêu như vậy sẽ tiêu tốn những nguồn lực khổng lồ mà Ukraine hiện không có.

Khi được hỏi về biên giới tương lai của Ukraine, ông Putin nhấn mạnh: "Biên giới của Ukraine phải phù hợp với các quyết định về chủ quyền của người dân sống ở một số vùng lãnh thổ nhất định mà chúng tôi gọi là lãnh thổ lịch sử của mình".

Xung đột Nga - Ukraine nổ ra từ tháng 2/2022. Các cuộc đàm phán giữa hai bên đã đình trệ kể từ khi vòng hòa đàm ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đổ vỡ.

Mục tiêu khôi phục lãnh thổ của Ukraine ngày càng trở nên khó khăn khi Nga giành ưu thế trên chiến trường. Trong khi đó, chính sách viện trợ của phương Tây, đặc biệt là Mỹ, có thể đảo chiều sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ.

Ông Trump nhiều lần tuyên bố có thể chấm dứt xung đột trong vòng 24 giờ sau khi tái đắc cử. Hiện chưa rõ giải pháp của ông, nhưng một số ý kiến nhận định, không loại trừ khả năng chính quyền Mỹ tương lai sẽ buộc Ukraine phải nhượng bộ lãnh thổ với Nga để đổi lấy hòa bình.

Theo Reuters, RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine