Tổng thống Putin sẵn sàng đàm phán về xung đột Ukraine sau bầu cử Mỹ?

Thành Đạt

(Dân trí) - Các chuyên gia đã phân tích khả năng Nga sẵn sàng đàm phán về cuộc xung đột ở Ukraine khi Nhà Trắng có chủ nhân mới.

Tổng thống Putin sẵn sàng đàm phán về xung đột Ukraine sau bầu cử Mỹ? - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Tass).

Nga đang theo dõi chặt chẽ chính sách của Mỹ. Đây là thông điệp được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gửi đến các phóng viên tại Kiev khi ông trả lời một câu hỏi về thiện chí đàm phán của Moscow. "Điều đó phụ thuộc vào cuộc bầu cử ở Mỹ", ông Zelensky nói.

Nếu được bầu, Phó Tổng thống Kamala Harris dự kiến sẽ tiếp tục duy trì phần lớn các chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden, vốn ủng hộ Ukraine mặc dù vẫn còn một số điểm bất đồng, như việc sử dụng vũ khí của phương Tây để tấn công sâu vào trong lãnh thổ Nga.

Với lập trường hoàn toàn khác, cựu Tổng thống Donald Trump đã ám chỉ rằng ông sẽ chấm dứt việc hỗ trợ cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine và tuyên bố ông có thể giải quyết cuộc chiến "trong một ngày". Các điều khoản của một kế hoạch hòa bình do ứng viên phó tổng thống đảng Cộng hòa JD Vance, "phó tướng" của ông Trump, đưa ra rất giống với danh sách mong muốn của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Các nhà phân tích nhận định chính sách của Mỹ đang ở ngã ba đường, nhưng điều đó không có nghĩa rằng sẽ chuyển thành bước ngoặt trong các cuộc đàm phán hòa bình. Bởi vì không có dấu hiệu nào cho thấy Nga đã sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán, bất kể ai sắp trở thành chủ nhân Nhà Trắng.

"Những gì Trump nghĩ ông ấy có thể làm, đòn bẩy mà ông ấy có, vẫn chưa rõ ràng vào thời điểm này, nhưng tôi không nghĩ đó là một quá trình nhanh chóng", Thomas Graham, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Nga và là thành viên danh dự tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết.

Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán việc cắt giảm viện trợ của Mỹ nhiều khả năng sẽ dẫn đến những thay đổi trên chiến trường.

Với bất kỳ ứng viên tổng thống tiềm năng nào, Tổng thống Putin sẽ tìm cách khai thác những gì mà ông ấy coi là sự bất ổn chính trị ở Mỹ, cũng như "những rạn nứt trong sự thống nhất của phương Tây", chuyên gia Graham nhận định.

Những rạn nứt đó có thể xuất hiện khi chính quyền Trump cắt giảm viện trợ của Mỹ và đóng vai trò ít hơn trong NATO, hoặc Quốc hội Mỹ chia rẽ, cùng với các yếu tố khác. Áp lực tài chính đối với các đồng minh châu Âu cũng đóng góp một phần nào đó, cũng như những rạn nứt trong nội bộ NATO, với các nhà lãnh đạo thân Nga ở các quốc gia thành viên của liên minh như Hungary và Slovakia.

"Nếu phương Tây không thống nhất, nếu phương Tây không thể hiện rõ ràng rằng phương Tây và Ukraine có chung tầm nhìn về những gì họ đang cố gắng đạt được, Tổng thống Putin không có lý do gì để xem xét lại những gì ông ấy đang làm ở Ukraine vào thời điểm này", chuyên gia Graham nói thêm.

Nga khó có thể đàm phán

Các chuyên gia cho biết quy mô của cuộc chiến quá lớn đối với một cuộc đàm phán đơn giản giữa Moscow và Kiev. Họ lập luận rằng đây là một cuộc xung đột rộng lớn hơn nhiều giữa Nga và phương Tây.

Theo John Lough, chuyên gia tại Chương trình Nga và Âu - Á tại tổ chức tư vấn Chatham House ở London, đối với Nga, cuộc xung đột ở Ukraine chỉ là phương tiện để đạt được mục đích, và mục đích là hạn chế hơn nữa ảnh hưởng của Mỹ trong các vấn đề quốc tế",

Ukraine đã bị Nga áp đảo về quân số, trong khi Moscow dường như đã sẵn sàng chấp nhận con số thương vong lớn. Theo NATO, hơn 600.000 binh lính Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương.

"Đối phương đang tăng cường quân số để đẩy lực lượng vũ trang Ukraine ra khỏi khu vực Kursk bằng mọi giá. Yếu tố chính của Nga trong cuộc chiến này là số lượng binh lính của họ, đó là những cuộc tấn công và hành động phản công dữ dội. Họ làm điều này ở mọi nơi trên tiền tuyến", Oleh Shiryaev, chỉ huy Tiểu đoàn tấn công độc lập số 225 đang chiến đấu trong chiến dịch đột kích của Ukraine vào vùng biên giới Nga, cho biết.

Tại khu vực Zaporizhzhia ở Ukraine, một chỉ huy khác của Cơ quan An ninh Ukraine cho biết, "bằng cách điều động một số lượng lớn nhân lực vào trận chiến, Nga đang cố gắng giành được chỗ đứng ở các vùng xám của mặt trận". Sĩ quan Ukraine rằng một hệ thống công sự phức tạp ở Zaporizhzhia đang giúp Kiev bảo vệ tiền tuyến.

Nhưng Ukraine thừa nhận như vậy là chưa đủ. Quốc hội Ukraine tuần trước đã bỏ phiếu gia hạn thiết quân luật và lệnh nhập ngũ thêm 90 ngày. Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine thông báo rằng có kế hoạch triệu tập thêm 160.000 người.

Các binh lính Ukraine cho biết Nga cũng có những lợi thế khác, như số lượng đáng kể máy bay không người lái, máy bay đắt đỏ và nhiều phương tiện hơn cho phép chiến đấu trong điều kiện mùa thu và mùa đông lầy lội. Những người lính cho biết Ukraine cần hỗ trợ cho cả bộ binh và kho thiết bị của họ.

"Chúng tôi có đạn dược, nhưng như lính pháo binh nói, không bao giờ là đủ", Vitaliy Milovidov, người phát ngôn của Lữ đoàn Vệ binh Quốc gia số 15, người đang chiến đấu ở khu vực Donetsk phía đông, nơi lực lượng Nga tiếp tục đạt được những bước tiến nhỏ, cho biết.

Nếu chính quyền Tổng thống Trump cắt giảm viện trợ của Mỹ, Ukraine sẽ ngày càng yếu thế hơn về mặt hỏa lực.

Các quốc gia châu Âu đang cố gắng tăng sản lượng đạn dược cho Ukraine để ngăn chặn sự đình trệ, trong trường hợp sự hỗ trợ của Mỹ giảm xuống. Nhưng ngay cả khi chính sách của Mỹ tiếp tục theo quỹ đạo hiện tại, các đồng minh phương Tây của Ukraine dường như không sẵn sàng gửi mức nguồn lực cần thiết để giúp Kiev đạt được những bước tiến lớn trên chiến trường.

"Tôi có cảm giác rằng điều này sẽ tiếp tục, có thể ở cường độ thấp hơn, nhưng trong một thời gian dài. Chính quyền Harris chắc chắn sẽ không bỏ rơi Ukraine, nhưng điều đó thực sự sẽ thử thách quyết tâm của Ukraine và liệu họ có sẵn sàng tiếp tục chiến đấu trong cuộc chiến tranh tiêu hao này hay không", chuyên gia Lough tại Chatham House nói thêm.

Theo các nhà phân tích, điều này giải thích tại sao chiến lược của Nga dường như cũng nhằm làm suy yếu tinh thần của Ukraine.

Ông Trump nhiều lần tuyên bố có khả năng chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ nếu tái đắc cử. Ông sẽ gọi điện cho cả Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky đề nghị các bên ngừng hoạt động quân sự, ngồi vào bàn đàm phán, nếu không, Washington sẽ có biện pháp gây sức ép khác.

Cựu Đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ về Ukraine Kurt Volker, người giữ chức vụ này trong nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump, cho rằng nếu thắng cử, ông Trump có thể yêu cầu Nga rút quân khỏi vùng xung đột ngay cả trước khi ông chính thức nhậm chức.

Đó sẽ là một kế hoạch khó chấp nhận đối với Moscow. Nga tuyên bố, hòa đàm chỉ diễn ra khi Ukraine chấp nhận trung lập và thừa nhận thực tế trên thực địa.

Theo Washington Post, Newsweek