1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tổng thống Obama rớm lệ trong diễn văn từ biệt

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhiều lần xúc động rơi nước mắt trong bài phát biểu chia tay vào tối ngày 10/1 giờ địa phương từ thành phố quê nhà Chicago. Trong diễn văn từ biệt trước khi rời Nhà Trắng sau 2 nhiệm kỳ, ông Obama đã gửi gắm nhiều thông điệp tới toàn thể người dân Mỹ.


Tổng thống Obama cùng vợ và con gái chào tạm biệt mọi người (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Obama cùng vợ và con gái chào tạm biệt mọi người (Ảnh: Reuters)


Tổng thống Obama ôm chặt Phó Tổng thống Joe Biden (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Obama ôm chặt Phó Tổng thống Joe Biden (Ảnh: Reuters)


Vợ chồng ông Obama dành cho nhau cái ôm thật chặt (Ảnh: Reuters)

Vợ chồng ông Obama dành cho nhau cái ôm thật chặt (Ảnh: Reuters)

Ông Obama kết thúc bài phát biểu trong những tiếng vỗ tay

Ông Obama đã kết thúc bài phát biểu sau hơn 1 giờ. Toàn bộ khán phòng đã đứng lên và dành những tràng pháo tay không ngớt cho nhà lãnh đạo sắp mãn nhiệm của Mỹ.

Lời chia tay

Tổng thống Obama gửi gắm tới toàn thể người Mỹ trước khi kết thúc bài phát biểu: "Hỡi người dân Mỹ, được phục vụ các bạn là niềm vinh hạnh cả đời tôi. Tôi sẽ không dừng lại, thực tế tôi sẽ vẫn ở đây cùng với các bạn với tư cách một công dân trong những ngày tháng còn lại". Ông cũng kêu gọi người dân đặt niềm tin vào đất nước: "Tôi muốn các bạn hãy tin tưởng. Không phải là vào khả năng của tôi giúp mang lại sự đổi mới mà là vào khả năng của các bạn... Đúng, chúng ta có thể. Đúng, chúng ta đã làm được".


Ông Obama xúc động trong bài phát biểu (Ảnh: Reuters)

Ông Obama xúc động trong bài phát biểu (Ảnh: Reuters)

Cảm ơn Phó Tổng thống

Tổng thống Obama đã gửi lời cảm ơn đến Phó Tổng thống Joe Biden - người ông gọi là "anh em" hay "giống người trong gia đình". "Ông là ứng viên mà tôi lựa chọn đầu tiên và cũng là tốt nhất", Tổng thống Obama ca ngợi Phó Tổng thống Biden.

Để tri ân các nhân viên Nhà Trắng, Tổng thống Obama nói: "Các bạn đã thay đổi thế giới. Tôi rời sân khấu này đêm nay với sự lạc quan về đất nước thậm chí hơn cả khi bắt đầu nhiệm sở". Ông Obama một lần nữa không giấu được sự xúc động.

Tri ân gia đình


Malia, con gái lớn của ông Obama, xúc động trước bài phát biểu của bố (Ảnh: Telegraph)

Malia, con gái lớn của ông Obama, xúc động trước bài phát biểu của bố (Ảnh: Telegraph)

Tổng thống Obama đã dành những lời tri ân chính Đệ nhất phu nhân Michelle. Michelle, cô gái đến từ Phía Nam. Suốt 25 năm qua, em không chỉ là vợ, là mẹ của các con anh mà còn là người bạn thân thiết của anh. Em tự nguyện gánh vác trọng trách mà em không bắt buộc phải làm với sự tao nhã, phong cách và hài hước riêng. Em đã khiến Nhà Trắng trở thành nơi thuộc về tất cả mọi người. Và một thế hệ mới sẽ đặt mục tiêu cao hơn bởi họ lấy em làm hình mẫu tiêu biểu. Tôi tự hào về em, đất nước cũng tự hào về em".

Ông tiếp tục quay về phía các con và nói: "Các con đã trở thành những cô gái tuyệt vời, thông minh và xinh đẹp, nhưng quan trọng hơn các con là những cô gái nhân hậu, chín chắn và đầy ắp khát vọng. Các con đã dễ dàng vượt qua những áp lực đối với vai trò người của công chúng. Một trong những điều tự hào nhất trong đời cha là được làm cha của các con".

Ông Obama đã rất xúc động khi nói lời cảm ơn với các thành viên trong gia đình, có lúc ông đã nghẹn ngào và lấy tay gạt nước mắt.

Tổng thống Obama đã nói về bản chất của nền dân chủ trong bình luận mà ông nói là điểm cuối cùng trong bài phát biểu trước những tiếng hô hào nuối tiếc "Không, Không" của khán giả.

"Tất cả chúng ta, dù ở đảng phái nào, cũng nên gắn mình với nhiệm vụ tái xây dựng các định chế dân chủ của chúng ta”.

Chống khủng bố

Về vấn đề khủng bố, ông Obama nói: “Không tổ chức khủng bố nước ngoài nào thành công trong việc lên kế hoạch hay thực hiện cuộc tấn công nào trên đất nước chúng ta trong 8 năm qua". “Gửi tới tất cả những người phụng sự, được làm tổng tư lệnh của các bạn là niềm vinh dự cả đời đối với tôi”, ông nói khi cả hội trường đứng dậy vỗ tay hưởng ứng.


Phó Tổng thống Joe Biden (trái) cùng phu nhân và Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama cùng con gái lắng nghe bài phát biểu (Ảnh: Reuters)

Phó Tổng thống Joe Biden (trái) cùng phu nhân và Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama cùng con gái lắng nghe bài phát biểu (Ảnh: Reuters)

Về biến đổi khí hậu

Tổng thống Obama đã nhắc lại những việc mà chính quyền của ông thực hiện trong 8 năm qua để đối phó với mối đe dọa biến đổi khí hậu gồm có: giảm phụ thuộc vào dầu nhập khẩu, tăng cường sử dụng năng lượng có thể tái chế, ký hiệp ước về chống biến đổi khí hậu.

Ông cũng kêu gọi nước Mỹ nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung cần hành động hơn nữa để đối phó với biến đổi khí hậu.


(Ảnh: AFP)

(Ảnh: AFP)

Vấn đề chủng tộc

Tổng thống Obama tiếp tục nói về vấn đề chủng tộc và sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ. Chủ đề này của ông Obama đã nhận được sự tán thưởng từ hàng nghìn khán giả có mặt trong khán phòng. “Bạn sẽ không bao giờ thực sự hiểu hết một người cho đến khi bạn xem xét mọi việc từ chính góc nhìn của người đó”, Tổng thống sắp mãn nhiệm của Mỹ nhấn mạnh.

Ông Obama cũng đề cập đến những cộng đồng thiểu số từng là chủ đề trong các cuộc thảo luận chính trị trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. “Đối với những người da màu và những cộng đồng thiểu số khác, việc đấu tranh để giành lại công lý đồng nghĩa với các thách thức mà nhiều người trên đất nước này phải đối mặt. Đó là những người nhập cư, người tị nạn, người dân nghèo ở các vùng nông thôn, người Mỹ chuyển giới và thậm chí cả những người da trắng trung niên - nhóm người mà nếu nhìn từ bên ngoài thì có vẻ như được tiếp nhận toàn bộ những gì thuận lợi nhất, nhưng thực chất cuộc sống của họ vẫn bị bủa vây bởi những thay đổi về kinh tế, văn hóa và công nghệ”.


Khán giả chăm chú lắng nghe ông Obama phát biểu (Ảnh: AFP)

Khán giả chăm chú lắng nghe ông Obama phát biểu (Ảnh: AFP)

Obamacare

Nói về chương trình chăm sóc y tế Obamacare do ông khởi xướng, Tổng thống Obama cho biết, nhờ chương trình này, tỷ lệ người không có bảo hiểm y tế ở Mỹ đã giảm, chi phí y tế tăng với mức chậm nhất trong 50 năm. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: "Nếu ai đó có thể đưa ra một kế hoạch tốt hơn những thành tựu mà chúng ta đã làm được cho hệ thống chăm sóc y tế, tôi sẽ công khai ủng hộ".


(Ảnh: AFP)

(Ảnh: AFP)

Kêu gọi đoàn kết

Tổng thống Obama đã kêu gọi nước Mỹ đoàn kết để tiến về phía trước, trước khi điểm lại những thành tựu mà Washington đã đạt được trong 2 nhiệm kỳ của ông tại Nhà Trắng. “Chúng ta cần các cơ hội về kinh tế”, ông Obama nói, đồng thời lưu ý rằng tỷ lệ nghèo đói ở Mỹ tiếp tục giảm, còn tỷ lệ thất nghiệp cũng gần mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. “Nhìn lại tất cả những tiến bộ mà chúng ta đã đạt được, chúng ta biết rằng như vậy vẫn là chưa đủ”, Tổng thống Obama nói thêm.


(Ảnh: Reuters)

(Ảnh: Reuters)

Chuyển giao quyền lực suôn sẻ

Khi nhắc đến Tổng thống đắc cử Donald Trump, Tổng thống Obama cam kết có một quá trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ. “Tôi đã cam kết với Tổng thống đắc cử Trump rằng chúng tôi sẽ đảm bảo một quá trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ nhất có thể, giống những gì Tổng thống Bush đã làm với tôi”.

Nước Mỹ đã mạnh hơn

Ông Obama nói nước Mỹ là một điển hình "phi thường" bởi người Mỹ cho thấy "khả năng để thay đổi". Nhắc lại những thành tựu như thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Cuba, thỏa thuận hạt nhân với Iran, chiến dịch tiêu diệt Bin Laden, đạo luật về bình đẳng hôn nhân, Tổng thống Obama nói: "Tất cả đó là sự thay đổi. Nước Mỹ đã mạnh mẽ hơn so với khi tôi bắt đầu nhiệm kỳ".


(Ảnh: Reuters)

(Ảnh: Reuters)

Tổng thống bắt đầu bài phát biểu bằng lời cảm ơn người Mỹ, những người đã truyền cảm hứng cho ông trong suốt thời gian qua. Ông nhắc lại thời trẻ khi ông ở Chicago: "Lần đầu tôi đặt chân tới Chicago là khi tôi mới ngoài 20 và vẫn đang cố tìm hiểu thực sự tôi là ai, mục đích của đời mình là gì. Những gì chứng kiến ở trên đường cho tôi thấy sức mạnh của niềm tin, lòng tự tôn của tầng lớp lao động".

Ông cho rằng sự đổi mới chỉ có thể khi có sự đóng góp của tầng lớp nhân dân lao động và những nỗ lực chung để đạt được sự tiến bộ. Ông nhấn mạnh: "Sau 8 năm làm tổng thống, đến nay tôi vẫn tin vào điều đó".

"Thêm 4 năm nữa"

Tổng thống Obama cố gắng giữ đám đông trong hội trường yên lặng khi họ đồng loạt hô lớn “Thêm 4 năm nữa”, nhưng ông trả lời: “Tôi không thể làm vậy”.

Tổng thống Obama xuất hiện tại khán phòng


Tổng thống Obama phát biểu (Ảnh: Twitter)

Tổng thống Obama phát biểu (Ảnh: Twitter)

Tổng thống bước ra sân khấu trước sự chào đón nồng nhiệt của đông đảo quan khách và người dân có mặt tại hội trường. "Thật vui vì được trở về nhà. Cảm ơn các bạn", Tổng thống Obama mở đầu bài phát biểu trong nghẹn ngào xúc động.


Ông Obama xuất hiện tại khán phòng (Ảnh: Reuters)

Ông Obama xuất hiện tại khán phòng (Ảnh: Reuters)

Trước khi Tổng thống Obama phát biểu, cả hội trường đã cùng hát vang quốc ca.


Các nghệ sĩ trình diễn trước bài phát biểu của ông Obama (Ảnh: AP)

Các nghệ sĩ trình diễn trước bài phát biểu của ông Obama (Ảnh: AP)

Dòng người xếp hàng chờ đợi

Marina Jenkins, một trong những người xếp hàng để chờ vào bên trong hội trường, chia sẻ cảm nghĩ: "Đây là một đêm buồn vui lẫn lộn. Rất nhiều người trong số chúng tôi đã ủng hộ chiến dịch tranh cử năm 2007 của Tổng thống Obama và giờ đây chúng tôi một lần nữa gắn kết lại lần cuối cùng. Tôi suýt bật khóc vào sáng nay khi nghĩ sắp phải chia tay Tổng thống. Nhưng quan trọng bây giờ tôi đã có mặt ở đây, gặp gỡ mọi người, những người đã nỗ lực suốt thời gian để biến những quan điểm chính sách của Tổng thống thành hiện thực".


Mọi người chờ đợi trong giá lạnh bên ngoài nơi ông Obama sẽ phát biểu (Ảnh: Reuters)

Mọi người chờ đợi trong giá lạnh bên ngoài nơi ông Obama sẽ phát biểu (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, Tổng thống Obama sẽ có bài diễn văn tại trung tâm hội nghị McCormick Place ở thành phố quê nhà Chicago vào 9 giờ tối ngày 10/1 theo giờ địa phương (9 giờ sáng ngày 11/1 theo giờ Việt Nam).


Khán phòng nơi ông Obama phát biểu (Ảnh: AFP)

Khán phòng nơi ông Obama phát biểu (Ảnh: AFP)

Tham dự sự kiện này ngoài Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama dự kiến còn có Phó Tổng thống Joe Biden và phu nhân Jill Biden cũng như nhiều nhân viên và cựu nhân viên Nhà Trắng.


Vợ chồng Tổng thống Obama (Ảnh: AP)

Vợ chồng Tổng thống Obama (Ảnh: AP)

Kể từ thời Tổng thống George Washington, các tổng thống Mỹ thường có bài diễn văn cuối cùng với người dân, coi đó là dịp để chia sẻ về nhiệm kỳ sắp kết thúc của họ cũng như về tương lai của đất nước. Tuy nhiên, đây sẽ là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ trở về quê cũ để đọc bài phát biểu có ý nghĩa đặc biệt này.

Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của đông đảo người Mỹ khi cuối tuần vừa qua, hàng nghìn người không quản ngại giá rét, đội tuyết, xếp hàng từ sáng sớm để mong nhận được tấm vé tham dự.


Tổng thống Obama vẫy chào khi cùng Đệ nhất phu nhân Michelle và con gái Malia rời Nhà Trắng để lên chuyến bay về Chicago. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Obama vẫy chào khi cùng Đệ nhất phu nhân Michelle và con gái Malia rời Nhà Trắng để lên chuyến bay về Chicago. (Ảnh: Reuters)

Hé lộ đôi điều về bài diễn văn, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, đó sẽ là bài diễn văn chuyển giao chính quyền, và thay vì nhằm mục đích tổng kết thành tựu, Tổng thống Obama muốn coi đây là lời kêu gọi hành động dành cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo của nước Mỹ. Valerie Jarrett, cố vấn của Tổng thống Obama nói: "Trọng tâm của bài diễn văn không phải là phản ánh lại những gì chúng ta đã đạt được trong 8 năm qua, mà là làm thế nào để giữ được những thành tựu đó".


Gia đình Tổng thống Obama chuẩn bị lên Air Force One trở về Chicago. (Ảnh: Reuters)

Gia đình Tổng thống Obama chuẩn bị lên Air Force One trở về Chicago. (Ảnh: Reuters)

Cũng theo bà Psaki, sở dĩ Tổng thống Obama chọn Chicago để đọc bài diễn văn cuối cùng bởi đây không chỉ là quê nhà mà còn là nơi khởi đầu sự nghiệp chính trị của ông.

Trong một chia sẻ trên Facebook, Tổng thống Obama viết: "Đối với tôi và (Đệ nhất phu nhân) Michelle, Chicago là nơi bắt đầu tất cả. Đó là thành phố cho chúng tôi thấy sức mạnh và vẻ đẹp tinh túy của người dân Mỹ. Nước Mỹ là câu chuyện không thể nói trong đôi ba phút mà phải từ thế hệ này qua thế hệ khác. Chúng ta giúp nước Mỹ ngày càng tốt đẹp hơn, mạnh mẽ hơn cho các thế hệ mai sau".


Chuyên cơ Air Force One chở gia đình Tổng thống Obama đáp xuống Chicago tối 10/1. (Ảnh: Telegraph)

Chuyên cơ Air Force One chở gia đình Tổng thống Obama đáp xuống Chicago tối 10/1. (Ảnh: Telegraph)

Minh Phương