9 điều người ta sẽ nhớ về Tổng thống Mỹ Barack Obama
(Dân trí) - Chưa đầy 2 tuần nữa, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ kết thúc nhiệm kỳ tổng thống. 8 năm điều hành Nhà Trắng của ông được cho là sẽ để lại nhiều ấn tượng.
Trang mạng Channel News Asia của Singapore đã liệt kê ra 9 điều mà mọi người sẽ nhớ về ông Obama khi nói đến nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Làm nên lịch sử
Nếu các sử gia chỉ viết một điều duy nhất về Barack Hussein Obama, thì có lẽ họ sẽ viết rằng 143 năm kể sau khi Mỹ chấm dứt chế độ nô lệ, một nghị sĩ bang Illinois đã trở thành vị tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ.
Chiến dịch tranh cử đầu tiên của ông Obama ghi dấu ấn với thông điệp “Hy vọng và đổi mới”. Và mặc dù trong suốt 8 năm đương nhiệm, ông Obama đôi khi phải chật vật để biến thông điệp đó thành hiện thực, song thực tế chính quyền của ông đã tạo ra những thay đổi đáng ghi nhận trong xã hội Mỹ.
Cứu trợ kinh tế
Tổng thống Obama đắc cử nhiệm kỳ đầu khi kinh tế Mỹ lún sâu vào suy thoái. (Ảnh: Reuters)
Nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Obama trùng với thời điểm kinh tế Mỹ suy thoái. Cuộc khủng hoảng bất động sản kéo theo khủng hoảng tài chính đã càn quét các ngân hàng phố Wall và lan rộng thành cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu.
Chính quyền của Tổng thống Obama sau khi nhậm chức đã thông qua một gói kích thích quy mô 831 tỷ USD với thời hạn 10 năm nhằm vực dậy nền kinh tế. Gói kích thích mang đến những hệ quả khác nhau cho nền kinh tế và vẫn là vấn đề gây tranh cãi trong giới học thuật lẫn kinh doanh. Khi ông Obama chuẩn bị kết thúc 2 nhiệm kỳ, những hệ quả của cuộc khủng hoảng tài chính chưa hẳn đã hết nhưng kinh tế Mỹ ghi nhận tăng trưởng việc làm 75 tháng liên tiếp.
Công lý được thực thi
"Tối nay, tôi có thể thông báo với người Mỹ và với thế giới rằng nước Mỹ đã hoàn thành chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden”, Tổng thống Mỹ Obama nói hôm 2/5/2011. Tuyên bố này của ông được cho là đã làm nguôi đi phần nào sự giận dữ của hàng triệu người Mỹ sau vụ tấn công khủng bố 11/9 do Al-Qaeda tiến hành làm hàng nghìn người vô tội thiệt mạng.
Khi ông chuẩn bị rời nhiệm sở, các chi nhánh của Al-Qaeda vẫn còn hoành hành nhưng đã suy yếu dần ở Afghanistan và Pakistan.
Điều hối tiếc
(Ảnh: Getty)
“Một trong những hối tiếc lớn nhất của tôi sau hai nhiệm kỳ làm Tổng thống là sự nghi kị, đối lập vẫn tồn tại giữa hai đảng và ngày một tệ hại hơn. Tôi nghĩ rằng dù là một Tổng thống tài năng như Lincoln hay Roosevelt cũng rất khó giải quyết được mâu thuẫn này. Nhưng tôi cam kết sẽ làm hết sức mình để cải thiện tình hình một khi tôi vẫn còn làm tổng thống”, Tổng thống Obama nói trong thông điệp liên bang hồi đầu năm 2016.
Trong ngày đầu tiên nhậm chức, ông từng rất quyết tâm muốn cải thiện bầu không khí chính trị ở nước Mỹ nhưng sau 8 năm, ông đã thừa nhận thất bại. Rất hiếm khi một chính khách thừa nhận thất bại và còn hiếm hơn khi đó là một sai lầm không hề nhỏ.
Thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran
Sau hơn 2 thập niên, chính phủ Mỹ dưới thời của Tổng thống Obama đã rút lại các lệnh trừng phạt đối với Iran, trong đó bao gồm việc dỡ phong tỏa hàng tỷ USD cho Cộng hòa Hồi giáo này. Đổi lại, Mỹ cũng như các nước phương Tây khác đã đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran, buộc Iran ngừng phát triển vũ khí hạt nhân.
Thỏa thuận có thể gây căng thẳng trong quan hệ của Mỹ với Israel và Ả rập Xê út, nhưng quan trọng nó có thể ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở Trung Đông, hạ nhiệt căng thẳng giữa Mỹ và Iran sau gần 40 năm.
Bế tắc Syria
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Tổng thống Syria Bashar al-Assad. (Ảnh: EPA)
Có lẽ không có cuộc khủng hoảng quốc tế nào thử thách chính sách đối ngoại của chính quyền Obama giống như Syria. Thậm chí khi khi tổng thống Syria Bashar al-Assad thách thức “giới hạn đỏ” mà Mỹ đề ra, Tổng thống Obama vẫn cương quyết với quan điểm không lún sâu vào cuộc chiến ở đây. Chiến sự Syria có lẽ vẫn chưa thể chấm dứt một sớm một chiều!
Giới phê bình từ lâu đã tranh luận liệu chính sách của Tổng thống Obama đã hủy hoại danh tiếng của nước Mỹ, tạo cơ hội cho Tổ chức Hồi giáo tự xưng bành trường, kéo theo dòng người nhập cư gây bất ổn châu Âu và giúp Nga, Iran tăng cường ảnh hưởng trong khu vực hay không.
Biến đổi khí hậu
8 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Obama đã kéo theo làn sóng các đạo luật nhằm bảo vệ môi trường, ngăn biến đổi khí hậu, trong đó có bảo vệ hệ sinh thái biển, ngăn lượng phát thải khí carbon, khuyến khích năng lượng tái chế.
Một thỏa thuận cực lớn
(Ảnh minh họa: Reuters)
Đảng Dân chủ đã cố công vô ích suốt nhiều thập niên để mang lại cơ chế chăm sóc sức khỏe toàn dân cho người Mỹ. Tổng thống Obama tuy cũng không thể làm được điều này nhưng ông đã giúp thêm hàng chục triệu người Mỹ có bảo hiểm y tế với chương trình chăm sóc y tế Obamacare. Trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, vị tổng thống da màu của Mỹ tiếp tục ra sức để bảo vệ chính sách được coi là một trong những di sản của ông trong 8 năm qua.
Bắt tay với những người láng giềng
Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Obama đến Cuba có thể cũng sẽ được người Mỹ nhớ đến như chuyến công du Trung Quốc của Tổng thống Richard Nixon. Chuyến thăm là một phần trong những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Obama nhằm cải thiện quan hệ của Mỹ với các nước Mỹ Latinh.
100 ngày sau khi nhận nhiệm sở, ông Obama đã nói với các lãnh đạo khu vực tại Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ rằng, nước Mỹ đã thay đổi. Tại đây, ông đã bắt tay Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, gặp gỡ Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega.
Minh Phương
Theo Channel News Asia