1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tổng thống Nga - Ukraine bàn gì trong lần đối mặt đầu tiên?

(Dân trí) - Trong lần gặp nhau chính thức đầu tiên vào hôm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky được cho là sẽ bàn bạc nhiều chủ đề đang khiến quan hệ giữa 2 nước láng giềng căng thẳng kéo dài.

Tổng thống Nga - Ukraine bàn gì trong lần đối mặt đầu tiên? - 1

Tổng thống Putin (trái) và Tổng thống Zelensky (Ảnh: AFP)

Hôm nay, ông Putin sẽ lần đầu gặp mặt chính thức người đồng cấp Zelensky tại Paris, Pháp trong khuôn khổ thượng đỉnh 4 bên có sự tham gia của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Giới quan sát cho rằng cuộc gặp này dường như sẽ chưa thể đưa ra một thỏa thuận hòa bình cụ thể giữa 2 nước, tuy nhiên, đây được cho là động thái nhằm gia tăng niềm tin giữa 2 nhà lãnh đạo.

Hàng nghìn người đã thiệt mạng và ít nhất 1 triệu người đã phải di tản kể từ sau khi lực lượng đòi độc lập ở miền đông Ukraine xung đột với lực lượng chính phủ vào năm 2014. Phe đòi độc lập hiện đã kiểm soát vùng Donetsk và Lugansk ở miền đông Ukraine.

AFP dẫn lời các quan chức ngoại giao tin rằng vấn đề Crimea sẽ không được đưa vào chương trình nghị sự của cuộc gặp thượng đỉnh lần này. Trước đó, Kiev đã nêu quan điểm rõ ràng rằng họ sẽ không bao giờ từ bỏ vùng bán đảo.

Trong khi đó, Kremlin được cho đã phát đi tín hiệu rằng họ sẵn sàng hợp tác với ông Zelensky, người được ông Putin mô tả là “dễ mến” và “chân thành”. Tuy nhiên, ông Putin dường như cũng sẽ không muốn quay trở về tay trắng và có thể sẽ thúc đẩy việc Phương Tây gỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea.

Trước thềm cuộc gặp, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas trả lời báo Funke rằng "chúng ta phải làm mọi thứ có thể ... để đạt được tiến bộ trong tiến trình hòa bình Ukraine", và mô tả cuộc xung đột là "một vết thương đang diễn ra ở châu Âu".

Ông Maas đánh giá cao nỗ lực của Tổng thống Zelensky trong việc mang tới “động lực mới” cho cuộc đàm phán, nhấn mạnh rằng “để đạt được tiến triển trong những bước khó khăn kế tiếp, Nga cũng cần phải có động thái”.

Mục tiêu của cuộc gặp ngày 9/12 được cho là việc giải thể lực lượng dân quân bất hợp pháp, việc rút quân của lực lượng nước ngoài khỏi Donetsk và Lugansk và Ukraine nắm lại quyền kiểm soát biên giới với Nga, một nguồn tin Pháp nói với AFP.

Tuy nhiên, nguồn tin cũng nhấn mạnh rằng giữa 2 bên đang gặp vấn đề về niềm tin và điều này cần được tạo ra trước khi các nước đạt được thỏa thuận tiến về phía trước.

Tổng thống Nga - Ukraine bàn gì trong lần đối mặt đầu tiên? - 2

Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Macron (Ảnh: Spiegel)

Ngoài ra, còn có một mục tiêu khác mà giới quan sát mong muốn các bên đạt được là thống nhất lịch trình cho cuộc bầu cử tổ chức ở Donetsk và Lugansk theo luật Ukraine và Kiev sẽ cho 2 vùng này hưởng thể chế đặc biệt. 

Giáo sư Gerhard Mangott tại đại học Innsbruck, Áo nhận định: “Nếu cuộc gặp thượng đỉnh muốn có ý nghĩa nó nên có một kết quả rõ ràng. Điều này tùy thuộc vào việc Ukraine có sẵn lòng từ bỏ một số điều kiện trước đó để cho 2 vùng hưởng thể chế đặc biệt hay không”.

Cuộc gặp hôm nay là cuộc gặp theo kiểu “Bộ tứ Normandy” đầu tiên kể từ năm 2016 và có mục tiêu tìm kiểm giải pháp cho việc các bên thực hiện Thỏa thuận Minsk 2015 về việc rút vũ khí hạng nặng, khôi phục quyền kiểm soát của Kiev ở biên giới với Nga, cơ chế tự chủ rộng hơn cho khu vực đòi độc lập và việc tổ chức bầu cử địa phương tại các khu vực này.

Nguồn tin từ chính phủ Pháp cho rằng các khó khăn từ Ukraine có thể cản bước thỏa thuận Minsk do "quan điểm từ công chúng Kiev, sự chia rẽ về mặt ý thức hệ và vết thương sâu sắc gây ra bởi cuộc xung đột" suốt 5 năm qua.

Với Tổng thống Pháp Macron, cuộc gặp này được cho là trung tâm trong chính sách đối ngoại ông đang theo đuổi. Trước đó, ông từng gây “sốc” cho các đồng minh NATO khi tuyên bố khối liên minh đang “chết não” và ông tin rằng châu Âu cần quan hệ chiến lược với Nga.

Đức Hoàng

Theo Channel News Asia