1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Phương án B nếu đàm phán Nga-Ukraine thất bại

Sự hiện diện của các lực lượng quốc tế cả về quân sự và dân sự sẽ khôi phục lòng tin của người dân địa phương ở Donbas.

Phương án B nếu đàm phán Nga-Ukraine thất bại - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: UNIA

Nhiều nhà quan sát nhận định Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Nga Vladimir Putin nên theo dõi sát sao các diễn biến hiện tại ở Anh và Mỹ để chuẩn bị cho cuộc gặp đầu tiên của hai lãnh đạo vào ngày 9-12. Cùng sự tham gia của hai nhà lãnh đạo từ Pháp và Đức, cuộc đàm phán bốn bên “định dạng Normandy” diễn ra tại thủ đô Paris sẽ thảo luận giải pháp nhằm chấm dứt chiến tranh hơn năm năm ở miền Đông Ukraine.

Theo hãng tin Radio Free Europe, có hai vấn đề chính sẽ được đề cập đến trong cuộc đàm phán hòa bình tới: Việc tổ chức cuộc bầu cử tại vùng phe ly khai chiếm đóng và việc Nga trao lại Ukraine quyền quản lý vùng lãnh thổ biên giới.

Tính toán trước giờ đàm phán

Trả lời tạp chí Time, ông Zelensky đưa ra ba bước cần thực hiện để thật sự chấm dứt chiến tranh ở miền Đông Ukraine: Đầu tiên là trao đổi tù nhân với khung thời gian rõ ràng, sau đó là lệnh ngừng bắn và cuối cùng là giải trừ quân bị hoàn toàn tất cả lực lượng quân sự phi pháp. Ông Zelensky đã nhiều lần nhấn mạnh ngừng chiến hoàn toàn là điều kiện tiên quyết cho việc tổ chức bầu cử.

Theo chuyên gia Mark Krutov, đến với cuộc đàm phán, ông Zelensky sẽ muốn chứng tỏ ông sẽ không “nhún nhường” Nga và muốn đạt được một số tiến bộ nhất định trên con đường xây dựng hòa bình của đất nước. Dù sẽ rất khó khăn cho các bên đạt được một thỏa thuận nhưng một cuộc bầu cử cuối cùng vẫn sẽ được tổ chức. Tuy nhiên, việc Ukraine có thể giành lại được quyền quản lý lãnh thổ vùng biên giới là khó xảy ra nếu không nói là không thể xảy ra, ông Krutov dự đoán. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Ukraine cũng sẽ cần duy trì hỗ trợ từ hai nước Pháp và Đức như người tiền nhiệm đã từng thành công.

Trong khi đó, nhà báo khẳng định cuộc chiến ở Donbas không phải là mối bận tâm hàng đầu của Nga mà là việc loại bỏ các lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) báo cáo các lệnh trừng phạt đã làm chậm tăng trưởng kinh tế Nga trung bình 0,2% mỗi năm trong giai đoạn 2014-2018.

“Nga sẽ nhận được chút gì đó từ các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc đàm phán lần này. Có thể một số lệnh trừng phạt sẽ được dỡ bỏ. Đồng thời, họ có thể sẽ giúp Ukraine đạt được một thỏa thuận với Nga trong quá trình dẫn khí đốt” - ông Krutov nhận định trên hãng tin Radio Free Europe.

Nếu đàm phán không mỹ mãn?

Cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine Steven Pifer cho biết nếu nỗ lực kết thúc chiến tranh ở Ukraine của các nhà lãnh đạo EU không thành công mỹ mãn, Mỹ nên tích cực hơn trong việc hợp tác với các nước châu Âu làm suy kiệt hầu bao của Nga trong việc duy trì quân sự ở miền Đông Ukraine.

Hơn nữa, Mỹ nên đề xuất một kế hoạch xây dựng hòa bình dựa trên các yếu tố chính của thỏa thuận Minsk II năm 2015 nhưng bổ sung thêm việc Liên Hiệp Quốc ủy quyền một lực lượng gìn giữ hòa bình và việc xây dựng một chính quyền quốc tế lâm thời để quản lý việc xây dựng hòa bình ở Donbas. “Chính sự hiện diện quốc tế cả về quân và dân sự sẽ khôi phục lòng tin của người dân địa phương” - ông Pifer khẳng định.

Tôi đã tham gia nhiều cuộc đàm phán khác nhau với Nga, thế nên tôi không có nhiều kỳ vọng vào cuộc đàm phán bốn bên lần này. Tuy nhiên, đây là một dấu hiệu tích cực khi các nhà lãnh đạo cuối cùng đã đồng ý ngồi nói chuyện với nhau. Đây là lần đầu tiên trong ba năm qua.

Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine OLENA ZERKAL

Bắt đầu cùng lúc với hoạt động gìn giữ hòa bình, một chính quyền lâm thời sẽ được thành lập do Liên Hiệp Quốc quản lý sẽ hỗ trợ chính quyền khôi phục quá trình quản trị cơ bản và sẽ giám sát các quá trình liên quan như trao đổi tù nhân và tổ chức bầu cử địa phương. Bước cuối cùng là hỗ trợ kinh tế để khôi phục sau chiến tranh: Đây sẽ là lúc Mỹ cùng với các tổ chức quốc tế và các nước phương Tây khác đưa ra các gói hỗ trợ để giúp tái thiết Donbas.

Với mỗi bước trong tiến trình hòa bình này, các nước phương Tây sẽ dần dần dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế, thị thực liên quan đến Nga và sẽ đưa ra một lệnh nới lỏng quan trọng nhất khi Nga và các lực lượng họ hỗ trợ rời khỏi hoàn toàn Donbas. Phương Tây cũng sẽ có những động thái khác nhằm khôi phục mối quan hệ với Nga vốn đã bị cắt đứt hoặc trở nên căng thẳng từ năm 2014, kể cả việc tái xây dựng nhóm quốc gia có nền công nghiệp lớn G8, ông Pifer kết luận.

Người dân ở Donbas thuộc về Nga hay Ukraine?

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng mọi người đều có quyền lựa chọn nơi để sống nhưng ông cho rằng những người có quốc tịch Nga sống ở Ukraine và gọi Ukraine là đất nước của họ là một điều “sai lầm và không công bằng”.

“Một cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng hầu hết mọi người ở Donbas muốn sống ở Nga. Điều này là sai. Tôi tin và tôi biết rằng có nhiều người dân ở đó vẫn luôn muốn thuộc về Ukraine. Có cả những người cảm thấy mất phương hướng. Và những người muốn mình là người Nga, họ nên đến và sống ở Nga. Chúng tôi sẽ đấu tranh để đưa những người cho rằng họ thuộc về Ukraine và những người mất phương hướng trở về Ukraine nhưng với những người chỉ coi mình là người Nga thì không” - ông Zelensky trả lời tạp chí Đức Der Spiegel.

Hồi đầu tháng 11, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhất trí rằng Ukraine nên trao cho khu vực Donbas, hiện do phe ly khai kiểm soát, một quy chế đặc biệt theo luật pháp của nước này. Thỏa thuận về quy chế đặc biệt cho Donbas sẽ là một bước tiến tới triệu tập hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Ukraine cũng đang xem xét sửa đổi hiến pháp, bao gồm các quy định về quy chế đặc biệt ở Donbas. 

Theo Hà Minh Thu

Pháp luật TP.HCM