1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine cảnh báo xây tường ở miền Đông nếu đàm phán với Nga thất bại

(Dân trí) - Một quan chức cấp cao của Ukraine nói rằng họ có thể sẽ xây tường ở khu vực miền Đông, nơi lực lượng chính phủ và phe đòi độc lập đang xảy ra xung đột, nếu đàm phán với Nga ở Paris không đạt được kết quả.

Ukraine cảnh báo xây tường ở miền Đông nếu đàm phán với Nga thất bại - 1

Hàng rào biên giới Ukraine - Nga ở khu vực gần Eo đất Perekop (Ảnh minh họa: Tass)

Lãnh đạo Nga, Ukraine cùng với Đức và Pháp dự kiến sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh “Bộ tứ Normandy” ở Pháp vào đầu tuần tới để bàn về vấn đề xung đột ở miền Đông Ukraine.

Trước thềm cuộc gặp lần đầu tiên giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Nga Vladimir Putin, Kiev đã cảnh báo có thể xây bức tường ở miền Đông nếu đàm phán với Nga không đạt được kết quả như mong đợi.

“Chúng ta sẽ xây một bức tường và cuộc sống sẽ tiếp diễn. Chúng ta có bạn bè và chúng ta sẽ hỏi kinh nghiệm của họ, đầu tiên là từ Israel”, ông Andriy Yermak, trợ lý cấp cao của ông Zelensky, tiết lộ trong một diễn đàn an ninh ở London, Anh trước báo giới. Quan chức Ukraine đang ám chỉ tới bức tường biên giới mà Israel xây ở dọc khu Bờ Tây.

“Ukraine sẽ làm mọi thứ để ngừng cuộc chiến tranh và đạt được hòa bình theo cách không dùng vũ lực. Nhưng chắc chắn chúng tôi có kế hoạch B. Nếu chúng tôi không thấy sự sẵn sàng của Nga trong việc thực thi thỏa thuận Minsk hoặc chốt được một thỏa thuận hòa bình với các mốc thời gian rõ ràng, trong trường hợp đó, chúng tôi sẽ xây một bức tường”, ông Yermak nói.

Hiện chưa rõ bức tường mà Ukraine tính xây nằm chính xác ở khu vực nào, tuy nhiên, ông Yermak nói rằng ông sẽ không nêu chi tiết về “kế hoạch B” vì Ukraine muốn tới Paris vào tuần tới “với mong muốn và sự sẵn lòng đàm phán”.

Cuộc gặp của 4 lãnh đạo dự kiến diễn ra vào ngày 9/12 đánh dấu lần đầu tiên “Bộ tứ Normandy” nhóm họp kể từ năm 2016. Nga khẳng định rằng cuộc họp nên nhấn mạnh lại việc hiểu và thực thi thỏa thuận Minsk, văn bản được ký nhằm giải quyết xung đột ở Đông Ukraine.

Thỏa thuận này bao gồm việc rút vũ khí hạng nặng từ cả 2 phía lực lượng chính phủ và lực lượng đòi độc lập, cũng như việc ngừng bắn và một số điều kiện khác.

Xung đột nổ ra ở Ukraine vào năm 2014, sau vụ cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị lật đổ. Vùng Donetsk cùng với Lugansk đã nổ ra xung đột với Kiev do hai vùng này không chấp nhận chính phủ mới được thành lập sau cuộc đảo chính, dẫn tới cuộc xung đột kéo dài nhiều năm qua, theo RT.

Đức Hoàng

Tbeo RT, CNBC