1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống Mỹ Obama cân nhắc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Barack Obama đang xem xét dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam được duy trì 3 thập niên qua, giới chức Mỹ tiết lộ, trong bối cảnh ông cân nhắc các lời kêu gọi nhằm thúc đẩy quan hệ quốc phòng thân thiết hơn với Hà Nội. Ông Obama sẽ có chuyến thăm Việt Nam trong tháng 5 này.


Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có chuyến thăm Việt Nam trong tháng 5 (Ảnh: NBC)

Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có chuyến thăm Việt Nam trong tháng 5 (Ảnh: NBC)

Hãng tin Reuters cho biết cuộc thảo luận về dỡ bỏ lệnh cấm về bán vũ khí sát thương trong chính quyền Mỹ diễn ra trong bối cảnh công tác chuẩn bị đang được thực hiện cho chuyến thăm của ông Obama vào cuối tháng 5 nhằm thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ.

Việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam - điều mà Hà Nội mong muốn từ lâu - có thể xóa bỏ một trong những di chứng lớn cuối cùng của Chiến tranh Việt Nam và giúp bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương, vốn bắt đầu 21 năm trước.

Nhiều quan chức Lầu Năm Góc ủng hộ dỡ bỏ lệnh cấm, nhưng một số quan chức Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng việc này có thể hơi sớm, Reuters dẫn lời các quan chức biết rõ về các cuộc thảo luận cho biết.

Thúc đẩy quan hệ an ninh với các đồng minh và đối tác là một trọng tâm trong chiến lược “xoay” trục chiến lược sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ông Obama.

Reuters dẫn một nguồn tin thân cận với Nhà Trắng cho hay một nhân tố chính ảnh hưởng tới quyết định của ông Obama sẽ là liệu Việt Nam có tiến tới các thỏa thuận quốc phòng lớn với Mỹ hay không, một lợi ích tiềm tàng về công ăn việc làm tại Mỹ vốn có thể làm dịu sự phản đối của quốc hội trong việc dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí.

Các hệ thống vũ khí

Đã có những câu hỏi về việc liệu Việt Nam, vốn chủ yếu mua vũ khí của các nhà cung cấp Nga kể từ thời Chiến tranh Lạnh, có sẵn sàng mua các hệ thống do Mỹ chế tạo hay không. Các nhà ngoại giao đã nhận thấy các dấu hiệu cho thấy Hà Nội đang xúc tiến quan hệ với các nhà thầu quốc phòng Mỹ, nhưng Washington muốn các cam kết cụ thể, nguồn tin trên tiết lộ.

Việt Nam đã mua nhiều vũ khí của Nga, trong đó có tàu ngầm lớp Kilo và các tàu hộ tống. Hà Nội có thể xem xét các vũ khí của Mỹ như máy bay trinh sát P-3 và tên lửa nhằm trang bị cho các lực lượng hải quân để bảo vệ bờ biển.

Tại Lầu Năm Góc, quan điểm ủng hộ dường như phù hợp với tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong cuộc điều trần trước quốc hội hồi cuối tháng trước rằng ông ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Bình luận đó đã gây bất ngờ với Nhà Trắng, nơi giới chức cho biết ông Obama chưa có quyết định về vấn đề này.

Quyết định cuối cùng của ông Obama có thể phụ thuộc vào các đề xuất từ chuyến thăm tới Việt Nam trong tuần này của Trợ lý ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel, và Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề dân chủ, nhân quyền và lao động Tom Malinowski.

Hiện chưa rõ ông Obama đang nghiêng về ủng hộ hay phản đối việc dỡ bỏ lệnh cấm trước chuyến thăm. Ông Obama sẽ là tổng thống thứ 3 liên tiếp thăm Việt Nam, sau hai tổng thống tiền nhiệm là Bill Clinton và George W. Bush.

Hồi tháng 10/2014, Tổng thống Obama đã nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, cho phép chuyển giao các vũ khí phòng vệ hàng hải cho Hà Nội để giúp tăng cường năng lực trên biển.

Ông Obama có thể “vượt mặt” quốc hội để dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận. Nhưng chính quyền Mỹ hi vọng nhận được sự ủng hộ của Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain, một cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam và từng ủng hộ việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vào năm 2014.

Các quan chức Mỹ cho biết cánh cửa để dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vẫn mở trong bối cảnh công tác chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Obama đang được tiến hành.

Nhưng nếu ông Obama không dỡ bỏ lệnh cấm vào dịp này thì có một lựa chọn khác là có thể thiết lập một “nhóm công tác” để vạch lộ trình tiến tới việc dỡ bỏ hoàn toàn, một quan chức Mỹ nói.

An Bình