1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tổng thống Biden có thể "nối gót" ông Trump cứng rắn với Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Joe Biden được dự đoán sẽ cứng rắn với Trung Quốc tương tự chính quyền tiền nhiệm, thay vì trở thành phiên bản mới của cựu Tổng thống Barack Obama.

Tổng thống Biden có thể nối gót ông Trump cứng rắn với Trung Quốc - 1

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Reuters)

Trong những ngày đầu nhận nhiệm sở, Tổng thống Joe Biden đã ban hành một loạt sắc lệnh hành pháp nhằm vô hiệu hóa các chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump về nhiều vấn đề như biến đổi khí hậu, nhập cư hay y tế.

Tuy nhiên, trong vấn đề Trung Quốc, nội các của ông Biden ủng hộ quan điểm của chính quyền Trump về vấn đề Tân Cương hay Đài Loan.

Tân Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan không lặp lại giọng điệu của những người đồng cấp trong chính quyền Trump về Trung Quốc. Tuy nhiên xu hướng cho thấy rõ rằng, Bắc Kinh sẽ chứng kiến sự tiếp nối trong chính sách về Trung Quốc của chính quyền Biden, thay vì xóa bỏ di sản của chính quyền Trump.

Có nhiều lý do để giải thích cho điều này, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đã trở nên hùng mạnh và quyết đoán hơn trong cuộc cạnh tranh về kinh tế và quân sự trong những năm gần đây. 

Tuy nhiên, có một một yếu tố khác khiến chính quyền Biden quyết tâm duy trì chính sách về Trung Quốc, đó là "cái bóng" của Nhà Trắng thời cựu Tổng thống Barack Obama.

Đại dịch Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc đã tàn phá sức khỏe người dân và nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới, trong đó đáng kể nhất là Mỹ. Sau khi dịch bùng phát, Trung Quốc vẫn trỗi dậy mạnh mẽ.

Trong khi đó, những biến động ở Washington trong quá trình chuyển giao từ Tổng thống Trump sang Tổng thống Biden càng xác nhận quan điểm của nhiều người ở Bắc Kinh rằng, hệ thống của Trung Quốc hoạt động hiệu quả còn mô hình của Mỹ bị đổ vỡ. Bắc Kinh cho rằng mô hình của Trung Quốc đem lại sự ổn định, còn mô hình của Mỹ gây ra hỗn loạn, bạo lực và bất ổn.

"Sự trỗi dậy của Trung Quốc cho đến nay là hòa bình, nhưng liệu sự suy yếu của Mỹ có hòa bình như vậy không?", Đại tá Zhou Bo tại Học viện Khoa học Quân sự của quân đội Trung Quốc viết trên báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng hồi cuối tháng 1.

Theo Nikkei, phía sau câu hỏi mỉa mai này, Trung Quốc muốn các nước, đặc biệt ở châu Á, nhận thức rằng: sự trỗi dậy của Trung Quốc là không thể tránh khỏi và sẽ diễn ra đồng thời với sự suy yếu của Mỹ, do vậy các nước cần biết cách lựa chọn.

"Sức ép của Mỹ lên Trung Quốc sẽ chỉ tăng lên"

Trong nội các của ông Biden có nhiều quan chức từng làm việc cho Tổng thống Obama. Ngoài Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan, điều phối viên sắp tới của chính quyền Biden về chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Kurt Campbell, cùng người phụ trách chính sách Trung Quốc tại Lầu Năm Góc Ely Ratner đều từng "đầu quân" cho chính quyền Obama.

Chính quyền Obama bị chỉ trích vì không nhận thức được tầm rộng lớn trong tham vọng chiến lược của Trung Quốc và tập trung vào những vấn đề như biến đổi khí hậu, giúp Trung Quốc đẩy mạnh việc bành trướng ở Biển Đông.

Ông Obama ban đầu miễn cưỡng cứng rắn với Trung Quốc, một phần vì ông muốn chứng minh sự khác biệt với Tổng thống tiền nhiệm George W. Bush - người theo đuổi chính sách can thiệp và đưa Mỹ vào các "cuộc chiến bất tận" ở Iraq và Afghanistan.

Vào thời điểm mới nhậm chức, ông Obama thừa hưởng hệ lụy của một cuộc khủng hoảng tài chính tàn khốc và dành phần lớn thời gian trong năm đầu tại nhiệm để thuyết phục quốc hội về các biện pháp phục hồi tăng trưởng. Chính quyền Obama sau đó "xoay trục" sang châu Á - một chính sách được ủng hộ rộng rãi nhằm đưa Mỹ trở lại khu vực châu Á. Nhưng trên thực tế, chính sách này của ông Obama không hiệu quả như kỳ vọng.

Chính quyền Biden đang phải đối mặt với thách thức tương tự thời Obama, đó là vực dậy nền kinh tế bị tàn phá bởi đại dịch Covid-19. Nhưng ông Biden rõ ràng cũng muốn đẩy nhanh việc thực hiện chính sách đối ngoại.

Các thành viên trong chính quyền Biden đều nhận thức rõ rằng cựu Tổng thống Trump rất cứng rắn với Trung Quốc, nhờ vậy Mỹ mới đạt được đòn bẩy với Bắc Kinh. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 23/1 về Đài Loan đã đặt ra điểm nhấn quan trọng cho một vấn đề được xem là định hình quan hệ song phương.

"Chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh dừng gây sức ép về quân sự, ngoại giao và kinh tế với Đài Loan, thay vào đó đối thoại thực chất với lãnh đạo được bầu dân chủ của Đài Loan", tuyên bố nêu rõ.

Theo Drew Thompson, lãnh đạo văn phòng về Trung Quốc, Đài Loan và Mông Cổ tại Lầu Năm Góc trong 7 năm từ năm 2011, tuyên bố trên mang ý nghĩa "trấn an" trên nhiều cấp độ.

"Nếu lo ngại rằng chính quyền Biden sẽ trở thành phiên bản 2.0 của Obama, hãy suy nghĩ lại", ông Thompson viết trên Twitter.

Giới phân tích nhận định Tổng thống Biden nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì chính sách của người tiền nhiệm trong vấn đề Đài Loan.

"Nếu Trung Quốc tiếp tục gây sức ép về quân sự và kinh tế lên Đài Loan, ông Biden sẽ thể hiện rằng ông không khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc cứng rắn với Đài Loan", Bonnie S. Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Washington, cho biết.

Yan Xuetong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cho rằng "chiến lược ngoại giao của ông Biden sẽ khác biệt so với ông Trump, tuy nhiên điều đó không có nghĩa rằng quan hệ Mỹ - Trung sẽ cải thiện".

Ông Yan dự đoán căng thẳng Mỹ - Trung dưới thời Tổng thống Biden sẽ không suy giảm về quy mô và cường độ, mà chỉ dịch chuyển từ chiến tranh thương mại sang những xung đột về chính trị. Chuyên gia Trung Quốc cũng cho rằng ông Biden sẽ có cách tiếp cận đa phương và sức ép của Mỹ lên Trung Quốc sẽ chỉ tăng chứ không giảm đi.