1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ - Trung đối đầu quyết liệt tại "mặt trận" Liên Hợp Quốc dưới thời Biden

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới quan sát dự đoán cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc dưới thời ông Joe Biden sẽ trở nên căng thẳng với những tín hiệu cứng rắn đầu tiên từ chính quyền tân Tổng thống Mỹ.

Mỹ - Trung đối đầu quyết liệt tại mặt trận Liên Hợp Quốc dưới thời Biden - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: Reuters)

Dưới thời Tổng thống Biden, Mỹ đã quay trở lại các tổ chức quốc tế sau 4 năm rời bỏ dưới thời ông Donald Trump. Mỹ cũng bày tỏ tham vọng sẽ tiếp tục duy trì vị thế lãnh đạo trên trường quốc tế.

Trong các động thái mới nhất, những quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của ông Biden đã tuyên bố đối đầu với Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, động thái có thể làm chậm tham vọng của Bắc Kinh trong việc thiết lập các tiêu chuẩn và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của họ trong các tổ chức toàn cầu.

Mỹ hiện coi Trung Quốc là "đối thủ chiến lược" và đánh giá tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh ở Liên Hợp Quốc là trái ngược với các lợi ích và giá trị của Mỹ.

Bà Linda Thomas-Greenfield, người được ông Biden đề cử làm Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, trong phiên điều trần trước Thượng viện tuần trước đã cáo buộc Trung Quốc đang tác động vào hệ thống của Liên Hợp Quốc để xây dựng chương trình nghị sự đối lập với những giá trị của tổ chức và giá trị của Mỹ.

"Thành công của họ phụ thuộc vào việc chúng ta tiếp tục rút khỏi (các tổ chức quốc tế). Điều này sẽ không xảy ra khi tôi nắm quyền", bà Thomas-Greenfield cho biết.

"Nếu tôi được (Thượng viện) phê chuẩn, tôi cam kết sẽ đối đầu với Trung Quốc ở Liên Hợp Quốc, chống lại mọi nỗ lực của chính phủ Trung Quốc thêm những từ ngữ gây hại vào nghị quyết của Liên Hợp Quốc, ngăn chặn nỗ lực của Trung Quốc trong việc lấp đầy các vị trí chủ chốt tại Liên Hợp Quốc bằng công dân nước này", bà Thomas-Greenfield nói.

Lo ngại về vai trò của Trung Quốc

Theo Straits Times, trong nhiệm kỳ của ông Trump, Mỹ được cho đã có các động thái "cô lập" chính họ trong các tổ chức quốc tế và Trung Quốc đã tận dụng cơ hội nhằm mục tiêu thế chân Mỹ và tuyên truyền về việc ủng hộ chủ nghĩa đa phương - vốn là lập trường truyền thống của Washington.

"Thực tế là Mỹ trước đó đã rời bỏ vai trò lãnh đạo tại tổ chức Y tế Thế giới WHO và điều này đã mang lại cho Trung Quốc cơ hội. Tôi nghĩ cánh cửa cơ hội này đã đóng sập với Bắc Kinh khi ông Biden nhậm chức cùng với việc Mỹ trở lại WHO, tham gia vào sáng kiến phân phối vắc xin toàn cầu Covax", chuyên gia Lawrence Gostin của đại học Georgetown (Mỹ) nhận định.

Theo Straits Times, những quan ngại của Mỹ với việc Trung Quốc ngày càng gia tăng tầm ảnh hưởng tại Liên Hợp Quốc không phải là chủ đề mới. Những ý kiến chỉ trích nhấn mạnh Bắc Kinh đóng góp ngân sách chỉ bằng một nửa Washington nhưng công dân Trung Quốc đứng đầu 4/15 tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc, trong khi Mỹ chỉ có 1.

"Tôi lo ngại... không phải vì Trung Quốc không xứng đáng có một vai trò thích hợp tương xứng với sự hiện diện của họ trên trường quốc tế, mà vì nỗ lực của họ nhằm làm sai lệch và bóp méo những giá trị cốt lõi của Liên Hợp Quốc", Thượng nghị sĩ Bob Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cáo buộc.

Giáo sư đại học Johns Hopkins (Mỹ) Hal Brands nhận định rằng không dễ để nắm được cách của Trung Quốc gây ảnh hưởng trong các tổ chức quốc tế chủ chốt. "Ngay cả khi Bắc Kinh không lãnh đạo các tổ chức chủ chốt, họ có thể dùng sức mạnh kinh tế để lôi kéo và buộc thay đổi những phiếu bầu chủ chốt theo hướng có lợi cho họ", ông Brands nói.

Giáo sư này cho rằng Mỹ cần trở lại với nỗ lực liên kết lớn hơn, đa phương hơn để ủng hộ những ứng cử viên không phải là công dân Trung Quốc cho các vị trí lãnh đạo, tham gia tích cực vào việc cải cách các thể chế và thiết lập lại quan hệ với các đồng minh chủ chốt.

Cơ hội hợp tác

Mặc dù vẫn có những xung đột và cạnh tranh, Mỹ đã lên tiếng muốn hợp tác với Trung Quốc để chống đại dịch và biến đổi khí hậu, và sự cạnh tranh của họ với Trung Quốc không nhất thiết là chướng ngại cho nỗ lực trên.

Nhà nghiên cứu đại học Minnesota (Mỹ) Jeremy Youde cho rằng 2 chính phủ có thể thực hiện việc hợp tác quy mô nhỏ về nghiên cứu y khoa và công nghệ y tế.

Giờ đây việc Mỹ tham gia vào liên minh Covax của WHO - kế hoạch mà Trung Quốc cũng đang tham gia - đã mở ra cơ hội hợp tác giữa 2 nước vào việc đảm bảo vắc xin Covid-19 sẽ được phân phối rộng khắp nhiều nhất có thể cho các nước đang phát triển.

Một trong những thách thức chủ chốt và "chủ nghĩa quốc gia vắc xin" - khái niệm ám chỉ việc các nước thu nhập cao "gom" vắc xin. Điều này có thể làm thiếu hụt nguồn cung vắc xin vốn đang hạn chế trên thế giới.

Việc "gom" vắc xin có thể giúp các nước lớn gần như đạt được miễn dịch cộng đồng trong 6 tháng, trong khi các nước nghèo hơn sẽ mất hàng năm, thậm chí cả thập niên để đạt được mục tiêu trên.

Kịch bản này không chỉ có vấn đề về mặt đạo đức, mà còn đi ngược lại lợi ích của các nước thu nhập cao. Covid-19 càng lan rộng trên thế giới, càng có nhiều biến chủng và ổ dịch mới và chúng có thể quay trở lại chính các nước thu nhập cao.

Để ngăn điều này, cả Mỹ, Trung Quốc và các đồng minh của Washington cần hợp tác trong chương trình Covax.