1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tổng thống Ai Cập giải tán nội các, điều quân đội trấn áp bạo lực

(Dân trí) - Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak sáng 29/1 đã sa thải nội các, sau khi cử quân đội và xe bọc thép tiến vào các thành phố của nước này trong nỗ lực dập tắt các vụ bạo động và biểu tình trên đường phố phản đối chính phủ.

 
Tổng thống Ai Cập giải tán nội các, điều quân đội trấn áp bạo lực - 1

Quân đội lái xe thiết giáp tuần tra đường phố sau cuộc biểu tình tại Cairo đêm 28/1.
 
Sáng 29/1, ông Mubarak đã sa thải Nội các, tuyên bố sẽ thành lập một chính phủ mới để thúc đẩy cải cách trong bối cảnh làn sóng biểu tình đường phố tiếp tục leo thang kêu gọi ông từ chức sau 30 năm cầm quyền. Tuy nhiên, ông Mubarak tuyên bố quyết không từ chức trong khi báo chí đưa tin các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát tại Ai Cập đã khiến ít nhất 20 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương.
 
Tổng thống Hosni Mubarak đã là một điểm tựa của chiến lược khu vực của Mỹ trong nhiều thập kỷ qua, một người bảo đảm cho tình hình hòa bình trong thời gian qua giữa quốc gia Ảrập này với Israel, đồng minh của Mỹ trong vùng Cận Đông. Ông Mubarak đồng thời là một tác nhân quan trọng từng liên tiếp tung ra nhiều sáng kiến hòa bình. Giới phân tích cho rằng Tổng thống đang chuẩn bị cho người con trai là Gamal lên thay, nhưng Gamal đã bác bỏ tin này.
 
Tổng thống Hosni Mubarak đã xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia tối qua. Nhà lãnh đạo 82 tuổi hứa sẽ cải tổ chính trị và kinh tế, yêu cầu nội các từ chức và hứa chỉ định nội các mới vào ngày hôm nay. Ông cũng nói những ngày biểu tình vừa qua là một âm mưu gây mất ổn định cho Ai Cập.

Trong khi đó, bất chấp lệnh giới nghiêm ban hành tối hôm qua, người biểu tình Ai Cập tiếp tục đốt phá các tòa nhà tại Cairo và chính quyền đã cho bố trí nhiều xe tăng. Hàng chục nghìn người vẫn tụ tập trên các đường phố ở thủ đô Cairo, thành phố Alexandria và Suez - “tâm chấn” của các cuộc biểu tình đã kéo dài tính đến tối qua là 4 ngày.

Các lực lượng an ninh Ai Cập đã bắn lựu đạn cay và đạn có đầu bọc cao su vào người biểu tình chống chính phủ ở trung tâm Cairo. Nhiều xe cảnh sát trang bị vòi rồng đã đậu dọc theo các đường chính ở Cairo, nơi người biểu tình dự kiến sẽ tụ tập.

Tại nhiều nơi trong thành phố có nhiều đám cháy lớn, trong đó có một số tòa nhà chính phủ; và có người còn nghe cả tiếng súng trên đường phố. Trụ sở của đảng Dân chủ Quốc gia đang cầm quyền là một trong những nơi bị đốt.

Hãng hàng không quốc gia Egypt Air đã ngưng các chuyến bay đến thủ đô.
 
Các giới chức bệnh viện nói có ít nhất 13 người chết trong các vụ biểu tình hôm qua và hơn 100 người bị thương.  
 
Tổng thống Ai Cập giải tán nội các, điều quân đội trấn áp bạo lực - 2
An ninh dùng vòi rồng giải tán đám đông...
 
Tổng thống Ai Cập giải tán nội các, điều quân đội trấn áp bạo lực - 3
Những cuộc biểu tình dự kiến sẽ diễn ra trên khắp Ai Cập.
 
Tổng thống Hosni Mubarak đã nới rộng giới nghiêm trên cả nước nhưng theo tin báo chí biện pháp này không có nhiều hiệu quả ngăn chặn bạo động. Những người tiếp tục biểu tình đòi Tổng thống Mubarak từ chức.

Người biểu tình tại Cairo bao vây các xe của lực lượng an ninh, và lật tung một chiếc trước khi đốt.
 
Mỹ bày tỏ lo ngại

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm qua tuyên bố Mỹ “quan tâm sâu sắc khi thấy lực lượng cảnh sát Ai Cập sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình đòi chấm dứt chế độ cai trị của Tổng thống Hosni Mubarak”. Ai Cập là một đồng minh quý giá của Mỹ trong cuộc đối thoại với Israel.

Bà Clinton kêu gọi nhà chức trách “cho phép biểu tình ôn hòa và rút lại biện pháp ngăn cản trao đổi thông tin của người biểu tình”. Bà nói các giới chức của Ai Cập “phải hiểu rằng vũ lực sẽ không làm tan biến những lời kêu ca của người biểu tình”. Cùng lúc, bà nói người biểu tình không nên sử dụng bạo động và nên bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa.

Trước đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon kêu gọi các nhà lãnh đạo và dân chúng Ai Cập không để bạo động leo thang. Ông Ban Ki Moon nói rằng các nhà lãnh đạo thế giới nên xem những cuộc biểu tình này là một cơ hội để lắng nghe “những mối quan tâm chính đáng” của người dân.

Nhật Mai
Tổng hợp