Thấy gì từ “vệt dầu loang” ở Bắc Phi?
(Dân trí) - Hiện còn chưa rõ đợt biểu tình ồ ạt tại các thành phố lớn ở Tusinia, Ai Cập, Yemen có trở thành phong trào có hiệu ứng domino như Đông Âu năm 1989 hay không, nhưng những diễn biến hiện nay cho thấy có một “vệt dầu loang” quanh vùng Bắc Phi.
Thất vọng chung
Bắc Phi thường được tính trong những định nghĩa phổ thông là cũng thuộc Trung Đông, vì hai vùng Bắc Phi và Trung Đông tạo nên thế giới Ảrập. Phong trào nổi dậy kéo dài nhiều tuần ở Tunisia ngày 14/1 đã lật đổ Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali sau 23 năm ông này cầm quyền. Sau Tunisia, các cuộc biểu tình đang lan rộng khắp khu vực Bắc Phi mà nguyên nhân tựu chung là sự thất vọng với tình hình kinh tế. Hôm 26/1, Tổng Thư ký Liên đoàn Ảrập đã tuyên bố gây chấn động: “Công dân các nước Ảrập đang thịnh nộ và thất vọng hơn bao giờ hết”.
Trong số 300 triệu dân của thế giới Ảrập, có đến 50 triệu người không có công ăn việc làm. Thảm nạn xã hội này đã đẩy một thanh niên Tunisia vào tuyệt vọng và việc anh này tự thiêu đã là tia lửa điện làm bùng lên cuộc "cách mạng Hoa Nhài". Các nhóm biểu tình ở Trung Đông và Bắc Phi, đa phần là thanh thiếu niên, đã tỏ thái độ không còn chấp nhận sự lãnh đạo thiếu hướng đi mới cho các vấn đề kinh tế, xã hội.
Các cuộc biểu tình ở Ai Cập, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Trung Đông, đã diễn ra 2 tuần sau khi Tổng thống Tunisia Zine al-Abidine Ben Ali bị lật đổ. Giống như người dân Tunisia, người Ai Cập kêu ca về giá cả tăng cao, tình trạng thiếu việc làm. Giới trẻ (chiếm số đông) ở Ai Cập ngày càng tỏ ra bất mãn và lớn tiếng đòi thay đổi chế độ. Trong số 80 triệu dân của nước này, 2/3 ở độ tuổi dưới 30 và chiếm 90% số người thất nghiệp. Khoảng 40% sống với mức thu nhập chưa tới 2 USD/ngày và 1/3 dân số mù chữ.
Tại Yemen, quốc gia nghèo hơn Ai Cập, với thu nhập bình quân chỉ bằng một nửa và dân số chừng 34 triệu người, Tổng thống Ali Abdullah Saleh đang bị phản đối, đòi từ chức sau gần 32 năm tại vị. Cuộc đấu tranh ở Yemen bùng phát tuần này từ Đại học ở Sanna và cả ở thủ đô cũ Aden.
Ở Libya, Đại tá Muammar Gadaffi cầm quyền 41 năm qua cũng gặp sự phản đối của người biểu tình, nhưng hiện có vẻ như nhờ có thu nhập trung bình cao (12.000 USD) cho một xã hội khá nhỏ (6,5 triệu dân), Libya có thể chưa phải chịu sức ép từ biểu tình theo kiểu Cách mạng Hoa Nhài ở Tunisia. Trong 5 tháng qua, Algeria cũng có các cuộc phản đối chống tăng giá nhưng chưa lan thành một phong trào rộng khắp. Dù vậy, các nhà kinh tế cũng nêu ra cảnh báo rằng Liên minh châu Âu phải “để mắt” với đất nước có nhiều dầu hỏa nhưng thất nghiệp cũng cao này.
Vùng Trung Đông và Bắc Phi còn hai vương quốc cũng đang gặp cảnh đấu tranh chống tăng giá, chống thất nghiệp.Tại Jordan nước vẫn theo chế độ quân chủ, cuối tuần qua cũng có hàng nghìn người biểu tình đòi Thủ tướng Samir Rifai từ chức. Ở Morocco, nước có 32 triệu dân, thu nhập bình quân gần 3.000 USD, tầng lớp cầm quyền, gồm cả những người thân cận với hoàng gia bị người biểu tình tố cáo là tham nhũng.
Sẽ có thay đổi lớn?
Như vậy, cuộc biểu tình của người dân Tunisia đang gây tác động đến nhiều nước Ảrập trong khu vực. Tuy không tin vào hệ quả domino, nhưng các nhà phân tích chắc chắn một điều là sẽ có những thay đổi lớn.
Người dân Tunisia vẫn chưa hài lòng với việc đánh đổ gia đình Ben Ali. Họ tiếp tục đòi một chính phủ hoàn toàn vắng bóng các nhân vật thuộc chính quyền cũ. Lệnh truy nã Ben Ali cùng với gần 200 nhân vật thân cận và phong tỏa tài sản đã được ban hành. Biểu tình vẫn tiếp diễn trên đường phố. Lo ngại tác động dây chuyền, một số chính quyền Ảrập đang nỗ lực tìm cách đối thoại với dân.
Dưới sức ép liên tục của những người biểu tình trong những ngày qua, Tusinia vừa thông báo cải tổ nội các lớn, trong đó nhiều đồng minh của Tổng thống bị lật đổ Zine al-Abidine Ben Ali đã phải ra đi. Chính quyền Ai Cập thì đã nhanh chóng chỉ ra sự khác biệt giữa tình hình ở Ai Cập với tình hình ở Tunisia. Thủ tướng Ahmed Nazif cam kết lực lượng cảnh sát sẽ bảo vệ người biểu tình và "người dân Ai Cập có quyền bày tỏ ý kiến".
Chính quyền Yemen đã tìm cách xoa dịu tình hình bằng cách thả tự do cho 36 tù chính trị nhưng đồng thời cũng tăng cường lực lượng quân đội và công an nhằm đối phó với phe biểu tình. Tại Algeria, Chính quyền của Tổng thống Abdelaziz Bouteflika tuần này đã cho cải tổ nội các gấp rút nhằm đối phó trước tình trạng giá lương thực tăng cao và nạn lạm phát phi mã khiến Quỹ Tiền tế Quốc tế phải lên tiếng cảnh báo. Chính phủ cũng đã gấp rút ra lệnh hạ giá thực phẩm, đang trong xu hướng tăng vọt trong những tháng trước do hệ thống phân phối độc quyền.
Giáo sư Chính trị Rabab el Mahdi tại Đại học Mỹ ở thủ đô Cairo nhận định là cuộc nổi dậy của nhân dân Tunisia sẽ tác động lâu dài đến tư duy của người dân Ảrập. Tuy nhiên, những nước khác tình hình khác ở Tunisia, nơi cựu Tổng thống Ben Ali bị “tố” là quá chuyên chế về chính trị, quá tham lam về kinh tế và tham ô. Ai Cập và các nước khác trong vùng ít có khả năng xảy ra cách mạng trong tương lai gần và như vậy, cách mạng Hoa Nhài sẽ không tạo ra được hiệu ứng domino.
Trong diễn tiến dồn dập ở khu vực Trung Đông, giới phân tích còn ghi nhận thêm một yếu tố quan trọng khác là Mỹ. Mỹ không muốn xảy ra bất ổn định tại khu vực. Để cho chính quyền lọt vào tay Hồi giáo cực đoan không phải là mong muốn của Mỹ. Do vậy, con đường duy nhất tránh sụp đổ chế độ, Mỹ đã thúc giục tiến hành “cải cách chính trị, kinh tế và xã hội”. Ai Cập là một đồng minh quý giá của Mỹ trong đối thoại với Israel, và Chính quyền của ông Moubarak dù thế nào đi chăng nữa cũng là một lá chắn, một con đê ngăn cản làn sóng Hồi giáo cực đoan. Sự ra đi của Tổng thống Tunisia Ben Ali đã đặt dấu hỏi lớn về chính sách của Mỹ ở Trung Đông.