1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Toan tính của Triều Tiên khiến Mỹ mất ảnh hưởng tại Đông Bắc Á?

Giới quan sát cho rằng, các bước đi nhằm khôi phục lòng tin giữa hai miền Triều Tiên nhiều khả năng làm giảm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á.

Hội nghị Thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 27/4 vừa qua được coi là xung lực đầu tiên nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, giới quan sát cũng cho rằng, các bước đi nhằm khôi phục lòng tin giữa hai miền Triều Tiên nhiều khả năng sẽ làm giảm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á.


Ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un gặp nhau tại đường ranh giới quân sự phân chia hai miền Triều Tiên, ngày 27-4. Ảnh: CNN.

Ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un gặp nhau tại đường ranh giới quân sự phân chia hai miền Triều Tiên, ngày 27-4. Ảnh: CNN.

Triều Tiên thực sự đạt được mục đích chính tại Hội nghị?

Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên diễn ra sau hơn 11 năm qua đã tạo ra không khí hoà hợp cho những hoạt động tiếp theo. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thể hiện sự ấm áp hiếm có, trái ngược hoàn toàn với lời lẽ đe doạ và công kích trước đây.

Những cử chỉ thiện chí liên tiếp cho thấy, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều mong muốn gạt bỏ sự thù hận trong quá khứ để tiến tới đối thoại hoà bình. Điều này được thể hiện thông qua tuyên bố Bàn Môn Điếm, trong đó 2 bên cam kết sẽ thực hiện các biện pháp nhằm phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, chấm dứt chiến tranh và đoàn tụ các gia đình bị ly tán, cùng nhiều vấn đề khác.

Michael Brenner, chuyên gia phụ trách quan hệ quốc tế tại Đại học Pittsburgh cho biết, bên cạnh việc đạt được sự đồng thuận với Tổng thống Hàn Quốc, ông Kim Jong-un đã giành một số mục tiêu chiến lược quan trọng, trong đó thay đổi cách nhìn nhận và đánh giá về Triều Tiên, khiến cộng đồng quốc tế thấy đây là quốc gia yêu chuộng hòa bình thay vì một đất nước chỉ biết đến vũ khí hạt nhân.

“Nhà lãnh đạo Kim Jong-un rất sáng suốt và khôn khéo. Ông đang theo đuổi một lộ trình được lên kế hoạch hoàn chỉnh và thực hiện tốt vai trò của mình để đạt được mục tiêu: khiến thế giới phải công nhận vai trò lãnh đạo tối cao của ông cũng như bảo vệ Triều Tiên khỏi các hành động quân sự của Mỹ.”

Minh chứng cho nhận định đưa ra, ông Michael Brenner nói rằng, như một phần trong thỏa thuận về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, tất yếu Mỹ sẽ phải rút lại các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật mà nước này triển khai tại Hàn Quốc, nhằm đảm bảo mục tiêu nêu trên được thực hiện.

Mỹ đối mặt với nguy cơ mất ảnh hưởng tại Đông Bắc Á

Ông Terence Roehrig, tác giả cuốn sách “Nhật Bản, Hàn Quốc và cái ô hạt nhân của Mỹ: sự răn đe sau Chiến tranh Lạnh” cho rằng, một khi thỏa thuận phi hạt nhân hóa được thực thi thì việc duy trì “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên sẽ là “một ý tưởng tồi” vì có thể dẫn đến “hành động đánh chặn từ phía Triều Tiên”. Hơn nữa, điều đó hầu như không giúp gì trong việc cải thiện sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên mà còn truyền đi tín hiệu cho các nước khác thấy một chính sách “khuyến khích sự phổ biến vũ khí hạt nhân chiến thuật”. Tựu trung, cái giá phải trả và hậu quả sẽ vượt quá lợi ích.

Tuy nhiên, việc buộc phải rút các vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Hàn Quốc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến vai trò đòn bẩy của Mỹ trong khu vực. Theo ông Michael Brenner, “về lâu dài, sự ổn định tại Đông Bắc Á đồng nghĩa với giảm sự ảnh hưởng từ Mỹ và kiềm chế vai trò của Trung Quốc”.

Nga và Nhật Bản đều hoan nghênh giảm căng thẳng liên quan đến vấn đề hạt nhân, cũng như giảm số lượng vũ khí hạt nhân trong khu vực, vì thế 2 quốc gia nói trên sẽ ủng hộ quá trình phi hạt nhân hóa và chắc chắn không có lý do gì để phản đối Mỹ rút vũ khí hạt nhân chiến thuật ra khỏi Hàn Quốc.

“Theo tôi nghĩ, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ muốn cuộc khủng hoảng nhanh chóng kết thúc và sớm ổn định tình hình trên bán đảo Triều Tiên, ngoài ra không có mục đích và tư lợi trong vấn đề này. Ông cũng không đòi hỏi một vị trí nổi bật “trên sân khấu Triều Tiên”. Còn Nhật Bản, từ trước đến nay vẫn luôn cảnh giác trước chương trình hạt nhân của Triều Tiên, sẽ “mừng thầm” khi thỏa thuận phi hạt nhân hóa được thực hiện.

Triều Tiên và Mỹ cần nhất trí về định nghĩa phi hạt nhân

Ông Ivan Eland, thuộc Viện nghiên cứu Hòa bình và Tự do cho rằng, Mỹ và Triều Tiên vẫn cần phải đàm phán về một thỏa thuận, trong đó nêu rõ định nghĩa chung về phi hạt nhân hóa, để tránh cách hiểu “mập mờ”.

Nhà quan sát này nhấn mạnh: “Mỹ và Triều Tiên trước tiên cần phải nhất trí phi hạt nhân hóa là như thế nào. Với Mỹ, điều này đồng nghĩa với việc Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân. Với Triều Tiên, đó là việc Mỹ loại bỏ “chiếc ô hạt nhân” bảo vệ đồng minh ở Đông Bắc Á và rút toàn bộ lực lượng Mỹ ra khỏi Hàn Quốc.”

Ông Ivan Eland cho rằng, có rất nhiều cách để xác minh quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, chẳng hạn như thông qua sự giám sát của các quan sát viên thuộc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), các phương tiện kỹ thuật tiên tiến và các phương pháp tình báo theo cách truyền thống.

Theo Hồng Anh

VOV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm