1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Toan tính của Mỹ khi lập vòng vây liên minh kiềm tỏa Iran

(Dân trí) - Mỹ kéo các nước đồng minh trong khu vực để tạo thành liên minh đối phó với Iran trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang sau các vụ bắt giữ tàu chở dầu.

Toan tính của Mỹ khi lập vòng vây liên minh kiềm tỏa Iran - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Mỹ đang cố gắng tìm cách giành được sự ủng hộ từ các đồng minh đối với sáng kiến thành lập một liên minh nhằm tăng cường giám sát các tuyến hàng hải quan trọng tại Trung Đông, trong bối cảnh mối đe dọa từ Iran ngày càng gia tăng.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tin rằng các nước từ các khu vực khác nhau sẽ tham gia vào liên minh do Washington thành lập. Sứ mệnh của liên minh này nhằm đảm bảo tự do hàng hải tại eo biển Hormuz, tuyến đường biển đóng vai trò “sống còn” đối với các tàu chở dầu tại Trung Đông.

Washington tháng này đã đề xuất sáng kiến thành lập liên minh nhằm tăng cường nỗ lực để bảo vệ các vùng biển chiến lược ngoài khơi Iran và Yemen. Đây cũng là những khu vực mà Mỹ cho rằng Iran và các lực lượng ủy nhiệm đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các tàu chở dầu, bất chấp sự phủ nhận của Tehran.

Do các đồng minh của Mỹ tỏ ra miễn cưỡng trong việc tham gia vào các lực lượng tác chiến cũng như triển khai các vũ khí mới, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc nói rằng mục tiêu của Washington không phải nhằm thiết lập một liên minh quân sự, mà là ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào các tàu thương mại.

Toan tính của Mỹ khi lập vòng vây liên minh kiềm tỏa Iran - 2

Bản đồ khu vực eo biển Hormuz (Ảnh: BBC)

Vì lo sợ nguy cơ đối đầu, nên nếu có bất kỳ đồng minh nào của Mỹ đồng ý tham gia vào liên minh thì sự đóng góp của họ có lẽ cũng chỉ giới hạn ở các lực lượng hải quân và trang thiết bị có sẵn trong khu vực, nơi gần eo biển Hormuz tại vịnh Ba Tư và eo biển Bab al-Mandeb tại biển Đỏ.

Tuy vậy, Fuad Izadi, chuyên gia về chính trị Mỹ và là nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu thế giới thuộc Viện Khoa học Chính trị và Luật tại Đại học Tehran (Iran), tin rằng sáng kiến thành lập liên minh của Mỹ sẽ thất bại.

“Việc Mỹ muốn thành lập một liên minh chống lại Iran không phải là chuyện mới. Họ muốn làm điều đó từ nhiều năm nay. Và việc họ liên tục thất bại trong việc xây dựng liên minh đã được xem là chuyện thường lệ”, ông Izadi cho biết.

Nhà phân tích Iran cũng so sánh khao khát của Mỹ trong việc thành lập một liên minh hải quân tại eo biển Hormuz với nỗ lực của Washington nhằm thiết lập Liên minh Chiến lược Trung Đông (MESA) để đối phó với các mối đe dọa tại vùng Vịnh và Trung Đông.

“Chẳng hạn, người Mỹ từng muốn thành lập cái gọi là “NATO Ả rập”, nhưng đã thất bại. Bây giờ thậm chí không còn ai nhớ về chuyện đó. Hoặc họ cũng từng muốn thành lập một liên minh chống lại Iran, bao gồm Ai Cập, Jordan và Pakistan, tuy nhiên không nước nào trong số này muốn tham gia liên minh”, ông Izadi cho biết thêm.

Theo nhà phân tích Iran, việc thành lập một liên minh là điều rất khó khăn với Mỹ do chính sách đối ngoại tồi tệ của chính quyền Trump.

“Chúng ta sẽ không thể thấy có liên minh hay động thái nào của Mỹ (nhằm gây thiệt hại cho Iran) vì gần như tất cả các nước đều nhận ra rằng, chính sách đối ngoại của ông Donald Trump đã thất bại. Từ những sự kiện xảy ra gần đây, mọi người đều biết Anh đã bắt giữ tàu chở dầu Iran, mọi người cũng đều biết ông Trump đã làm gì với thủ tướng và đại sứ Anh cũng như cách ông ấy nhạo báng họ. Đó là cách hành xử điển hình của ông Trump đối với những nước được xem là đồng minh của Mỹ. Mỹ không coi trọng họ một cách nghiêm túc. Tất nhiên ông Trump cũng đưa ra nhiều lời hứa hẹn, nhưng ông ấy không thực hiện chúng”, nhà phân tích Izadi bình luận.

Liên minh của châu Âu

Iran vây bắt tàu dầu Anh “như phim hành động”

Sau vụ Anh bắt tàu chở dầu Iran và Iran bắt tàu chở dầu Anh tại Trung Đông gần đây, London đang xúc tiến một sáng kiến hàng hải của riêng châu Âu, tách biệt so với sáng kiến do Mỹ dẫn đầu.

Các quan chức Anh và Pháp cho biết họ đã trao đổi với chính phủ Đức, Italy, Tây Ban Nha và các nước châu Âu khác về sứ mệnh chung của khu vực tại Trung Đông. Các bên đều nhất trí rằng cần đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực và sứ mệnh của họ không nhằm leo thang căng thẳng cũng như phải tách biệt với chiến dịch gây sức ép của Mỹ với Iran.

Các quốc gia châu Âu cho biết họ vẫn muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với Iran. Trong khi đó, chính quyền Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này vào năm ngoái, đồng thời áp đặt trừng phạt lên Iran và tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ tại vùng Vịnh. Mục đích của Washington nhằm buộc Iran bước vào bàn đàm phán để ký một thỏa thuận mới với các điều khoản cứng rắn hơn.

Một số quan chức châu Âu cho biết họ muốn tập trung vào giải pháp ngoại giao với Iran để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay sau các vụ bắt giữ tàu chở dầu. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Pháp nói rằng bất kỳ sứ mệnh của châu Âu tại Trung Đông cũng chỉ tập trung vào việc tăng cường nhận thức về các tình huống hàng hải, thông qua việc triển khai các biện pháp giám sát phù hợp.

Cách tiếp cận trên được cho là sẽ nhận được sự ủng hộ từ các nước châu Âu trong bối cảnh các nước này vẫn luôn cảnh giác với các rủi ro về ngoại giao cũng như quân sự với Iran.

Thành Đạt

Theo Sputnik, WSJ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm