1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

“Chảo lửa” vùng Vịnh thêm căng thẳng sau vụ Mỹ bắn rơi máy bay Iran

(Dân trí) - Cả Washington và Tehran đều được cho là có những tính toán riêng trong vụ máy bay không người lái Iran bị bắn rơi khi tới gần tàu chiến Mỹ tại eo biển Hormuz.

“Chảo lửa” vùng Vịnh thêm căng thẳng sau vụ Mỹ bắn rơi máy bay Iran - 1

Tàu tấn công đổ bộ USS Boxer (Ảnh: AFP)

Tổng thống Donald Trump ngày 18/7 thông báo máy bay không người lái của Iran đã tiếp cận tàu tấn công đổ bộ USS Boxer của Mỹ “ở khoảng cách rất gần, khoảng 914m” tại eo biển Hormuz, một khu vực có tầm quan trọng chiến lược ở Trung Đông.

Lầu Năm Góc đã xác nhận vụ bắn rơi máy bay không người lái của Iran, đồng thời khẳng định hành động của Mỹ là “phòng vệ”, song không nói cụ thể rằng máy bay bị bắn rơi có được trang bị vũ khí hay không. Một quan chức quốc phòng cho biết Mỹ bắn rơi máy bay không người lái của Iran thông qua các biện pháp tác chiến điện tử.

Vụ việc trên xảy ra chỉ vài tuần sau khi Iran bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ, cũng ở khu vực eo biển Hormuz. Theo Politico, vụ bắn rơi máy bay càng cho thấy những thách thức phức tạp mà Tổng thống Trump đang phải đối mặt: Ông chủ Nhà Trắng một mặt nỗ lực lôi kéo Iran vào bàn đàm phán để thảo luận về chương trình hạt nhân của nước này, mặt khác tìm cách đẩy lùi những động thái nguy hiểm của Tehran trong khu vực.

Tổng thống Trump đang tìm kiếm một thỏa thuận nhằm kiềm chế các hoạt động của Iran sau khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 mà ông cho là quá hạn chế. Tuy nhiên cho đến nay, căng thẳng giữa hai nước ngày càng leo thang và vẫn chưa có một thỏa thuận mới nào được ký kết.

Theo Benjamin H. Friedman, giám đốc chính sách tại Tổ chức Defense Priorities, hành động bắn rơi máy bay Iran của Mỹ có thể đặt điều kiện “cho một tính toán sai lầm mà có thể nhanh chóng biến thành một cuộc chiến trên quy mô rộng hơn”.

“Việc (Mỹ) gây sức ép tối đa đã gây tổn hại tới nền kinh tế Iran, song vẫn không thể đạt được mục tiêu chính, thay vào đó càng khuyến khích Iran tái khởi động chương trình vũ khí hạt nhân và gia tăng các chính sách cứng rắn của nước này”, The Atlantic dẫn lời ông Friedman cho biết.

Tính toán của các bên

“Chảo lửa” vùng Vịnh thêm căng thẳng sau vụ Mỹ bắn rơi máy bay Iran - 2

Eo biển Hormuz, nơi máy bay không người lái Iran bị bắn rơi, là khu vực chiến lược tại Trung Đông. (Ảnh: AFP)

Washington Examiner cho rằng việc bắn rơi máy bay không người lái của Iran không phải là hành động trả đũa của Mỹ sau khi Iran bắn rơi máy không người lái của Washington hồi tháng 6, mà đây là hành động phòng vệ của Washington.

Mặc dù hiện vẫn chưa rõ loại máy bay không người lái nào của Iran bị Mỹ bắn rơi, song Washington Examiner nhận định đó là dòng máy bay Shahed 129. Dòng máy bay không người lái này được trang bị bom và có thể bao gồm cả tên lửa.

Iran trước đây từng sử dụng máy bay không người lái Shahed 129 để đe dọa lực lượng quân sự Mỹ trong khu vực. Mặc dù không thể hiện đại như các máy bay không người lái của quân đội Mỹ, song Shahed 129 vẫn có thể đe dọa các binh sĩ Mỹ. Do vậy, việc Mỹ sẵn sàng bắn rơi máy bay không người lái của Iran khi tiếp cận tàu chiến Mỹ ở khoảng cách gần cũng là điều dễ giải thích.

Trong bối cảnh khu vực ngày càng “nóng” lên, Mỹ hoàn toàn có cơ sở để lo ngại rằng Iran sẽ sử dụng các vũ khí như máy bay không người lái để đe dọa tính mạng binh sĩ Mỹ.

Tàu tấn công đổ bộ USS Boxer chở theo Đơn vị Viễn chinh Thủy quân Lục chiến 11 và hơn 2.000 lính thủy quân lục chiến. Do vậy, ngay cả khi máy bay không người lái của Iran không mang theo bom hay tên lửa, các chỉ huy Mỹ vẫn lo ngại rằng máy bay này có thể được trang bị thuốc nổ và phá hủy tàu chiến Mỹ. Đây là mối đe dọa hiện hữu với quân đội Mỹ.

Việc Mỹ bắn rơi máy bay không người lái của Iran được cho là nhằm đặt ra lằn ranh đỏ đối với Tehran. Trước khi bắn rơi, Mỹ cũng đã cảnh báo máy bay Iran phải rút lui và Washington chỉ thực sự hành động khi máy bay Iran ở khoảng cách “rất gần” tàu chiến Mỹ như mô tả của Tổng thống Trump.

Có hai lý do để giải thích cho hành động của Iran khi đưa máy bay không người lái tới gần tàu chiến Mỹ giữa lúc căng thẳng.

Thứ nhất, Iran từ trước đến nay vẫn sử dụng máy bay không người lái như một trụ cột then chốt trong chiến lược tác chiến 4 trụ cột của nước này tại vịnh Ba Tư và vịnh Oman. 3 trụ cột còn lại là tên lửa chống hạm, thủy lôi và tàu tấn công nhanh.

Thứ hai, Iran triển khai máy bay không người lái như một chiến dịch để thử nghiệm phản ứng của Mỹ trong trường hợp Washington phải đối mặt với các mối đe dọa nhằm vào lực lượng quân sự Mỹ trong khu vực.

Iran dường như đang tìm cách “nắn gân” Mỹ sau một loạt động thái gây căng thẳng của Washington trong khu vực. Nền kinh tế Iran đang tụt dốc, trong khi Liên minh châu Âu tỏ ra bất lực trong việc cứu vãn thỏa thuận hạt nhân có nguy cơ sụp đổ.

Giới phân tích cho rằng việc Mỹ bắn rơi máy bay không người lái của Iran là hành động “đúng đắn” theo quan điểm của Washington. Iran cũng hiểu rõ rằng Mỹ sẽ bảo vệ lực lượng quân sự trong khu vực bằng mọi cách cần thiết. Nếu Mỹ cho phép máy bay Iran tới gần tàu chiến của nước này, Tehran sẽ càng được đà lấn tới và tiếp tục đẩy căng thẳng leo thang.

Behnam Ben Taleblu, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ, nhận định vụ Mỹ bắn rơi máy bay không người lái Iran khó có khả năng dẫn tới chiến tranh thế giới thứ 3, vì mục tiêu sau cùng của Iran là muốn Mỹ “dừng chiến dịch gây sức ép tối đa” và “quay trở lại bàn đàm phán hạt nhân”.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm